Nhiều Hộ Nuôi Cá Tra Vẫn Phải Vay Lãi Suất Trên 15%/năm
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được vay vốn với lãi suất hợp lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phối hợp với các cơ quan liên quan như Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Hội Nghề cá, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản… kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chỉ đạo trên đối với lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ cá tra tại An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long (khu vực chiếm khoảng 65% sản lượng cá tra nguyên liệu và 80 - 90% cá giống).
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, kết quả kiểm tra cho thấy, mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có công văn chỉ đạo 5 ngân hàng thương mại triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, song việc kiểm tra, đôn đốc chưa kịp thời nên đã xảy ra tình trạng các ngân hàng được giao nhiệm vụ chậm có văn bản hướng dẫn chi nhánh tại các tỉnh triển khai thực hiện, nên việc cho vay mới theo mức lãi suất 11%/năm vẫn chưa được triển khai ở các địa phương, cơ sở.
Mặt khác, do các ngân hàng không hạ điều kiện cho vay và việc khoanh nợ, giãn nợ chuyển biến chậm, trong khi hầu hết người nuôi chăn nuôi và doanh nghiệp đã hết tài sản thế chấp nên thiếu điều kiện để vay thêm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tại thời điểm đoàn khảo sát, ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, hầu hết các khoản dư nợ cho vay để nuôi, thu mua và chế biến cá tra tại các Ngân hàng thương mại nhà nước tại các tỉnh đều đã thực hiện điều chỉnh lãi suất cho vay dưới 15%/năm, một số ít doanh nghiệp chế biến đã tiếp cận được vốn vay bằng ngoại tệ với lãi suất khoảng 9%/năm nhưng với hạn mức thấp, còn có một số ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh vẫn cho vay ở mức lãi suất trên 15%, thậm chí tới 19 - 21%/năm.
Chẳng hạn như tại tỉnh Vĩnh Long, qua khảo sát 11 hộ nuôi cá tra ở vùng Long Hồ, Vũng Liêm, Măng Thít có 6 hộ vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp cận được mức lãi suất 11%/năm và hạ lãi suất cũ xuống còn 15%/năm. Còn lại 3 hộ vay của Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long và 2 hộ vay Ngân hành Đầu tư và Phát triển vẫn chưa tiếp cận được lãi suất thấp 11%, chưa được giảm nợ cũ.
Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn để tháo gỡ những vướng mắc trong phân loại nợ với các khoản vay cho nuôi, thu mua và chế biến cá tra, tôm nước lợ. Đặc biệt cần có giải pháp với các khoản vay của người nuôi và doanh nghiệp sản xuất tôm, cá tra vay từ ngân hàng thương mại cổ phần ngoài nhà nước cũng được hưởng chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn 1149/TTg-KTN.
Có thể bạn quan tâm
"Nhiều năm qua, các loại lợn nhiều mỡ không được người dân nuôi nhiều. Thế nhưng, khi các hộ nuôi đang dần hình thành mô hình chăn nuôi mới, thì việc thương lái Trung Quốc thu mua giống lợn nhiều mỡ là điều đáng lo ngại".
Không giống như các loại gà quý hiếm khác, gà tre Quế Sơn (Quảng Nam) được mệnh danh là gà đặc sản trong các loại gà của người dân xứ Quảng.
Không có điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như các địa phương khác, xã Đại Cường (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đã xác định thế mạnh của mình là nông nghiệp để phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới (NTM).
Nếu năm 2014, Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu tôm hơn 4 tỉ USD, thì năm nay chỉ có thể đạt giá trị xuất khẩu khoảng 3 tỉ USD.
Từng được mệnh danh là “vàng trắng”, hai năm nay người dân ở Đồng Nai ví von thành ... “mất trắng” để nói về giá mủ cao su đang rớt thê thảm. Hàng ngàn hộ dân trồng cao su đang lâm vào cảnh nợ nần, chặt bỏ hoặc khai thác cầm chừng.