Nhiều Biện Pháp Phòng Cúm Gia Cầm
Các tỉnh-thành khu vực miền Trung tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp để phòng chống sự lây lan và hạn chế nguy cơ bùng phát cúm gia cầm.
Từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, bệnh cúm gia cầm đã bùng phát ở 10 hộ thuộc 2 huyện Duy Xuyên và Điện Bàn. Ngoài ra, tại huyện Thăng Bình cũng xuất hiện gia cầm mắc bệnh có biểu hiện triệu chứng, bệnh tích của bệnh cúm gia cầm ở 3 hộ ở 2 thôn thuộc 2 xã Bình Chánh và Bình Nguyên.
Quảng Nam: Ngừng nhập vịt, ngan
Qua kiểm tra, Sở NNPTNT cho biết kết quả xét nghiệm trên các đàn gia cầm mắc bệnh từ đầu năm đến nay có tới 50% số mẫu dương tính với virus cúm A/H5N1. Do vậy, nguy cơ kéo dài bệnh cúm gia cầm và gây thành dịch trên địa bàn tỉnh là rất lớn.
Để tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm, giảm nguy cơ lây nhiễm virus cúm gia cầm sang người, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh vừa có công điện yêu cầu các huyện/thành phố chỉ đạo quyết liệt, triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, các địa phương khẩn trương kiện toàn, củng cố ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; phân công từng thành viên Ban Chỉ đạo đứng điểm chỉ đạo công tác phòng, chống dịch đến từng xã; thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng khẩn cấp để tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế sự lây lan phát tán virus cúm gia cầm.
Rà soát, thống kê toàn bộ đàn gia cầm, tổ chức tiêm vaccine phòng chống cúm cho đàn gia cầm theo đúng quy định. Tạm thời ngừng nhập đàn thủy cầm (vịt, ngan) để nuôi mới trên địa bàn cho đến khi trên cả nước không còn dịch cúm gia cầm. Tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp vận chuyển, giết mổ gia cầm trái quy định ra vào địa bàn, tại các chợ...
Thừa Thiên-Huế: Siết chặt việc vận chuyển, giết mổ gia cầm
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết đến nay, ở Thừa Thiên-Huế chưa phát hiện gia cầm dương tính với virus cúm gia cầm.
Tuy nhiên, không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh, Chi cục Thú y đã cấp 5.000 lít hóa chất phục vụ cho tiêu độc khử trùng chuồng trại và 200.000 liều vaccine phòng cúm gia cầm.
Lực lượng liên ngành của tỉnh tăng cường túc trực 24/24 tại 3 chốt kiểm dịch (gồm Lộc Thủy trên tuyến Quốc lộ 1A, chốt kiểm dịch tại huyện biên giới A Lưới và chốt tại đèo La Hy, huyện Nam Đông). Tại các chốt kiểm dịch, lực lượng thú ý phối hợp với quản lý thị trường, công an kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển gia súc gia cầm. Việc kiểm tra không chỉ trên giấy tờ mà còn kiểm tra lâm sàng trên gia súc, gia cầm, tiến hành phun thuốc phòng dịch và tiêu độc, khử trùng phương tiện vận chuyển.
Ngành Thú y tỉnh cũng tập trung chỉ đạo và kiểm tra việc tiêu độc, khử trùng tại các điểm thu gom, tập kết và mua bán gia cầm, các khu giết mổ gia cầm tập trung.
Đối với các vùng chăn nuôi gia cầm, tiến hành cấp sổ quản lý và tiêm bắt buộc các đàn thủy cầm có tổng đàn từ 50 con trở lên, khuyến cáo các hộ chăn nuôi gia cầm, thực hiện tiêu độc 2 lần/tuần.
Phú Yên: Duy trì giám sát dịch
Sáng 12/3, ông Đào Lý Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên cho biết dịch cúm gia cầm H5N1 trên toàn tỉnh đã chấm dứt. Các hoạt động mua bán, vận chuyển gia cầm trở lại bình thường.
Trước đó, ngày 12/2/2014, dịch cúm gia cầm xảy ra trên đàn vịt tại thôn Thạch Tuân 2, xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Khi xảy ra dịch, Chi cục Thú y Phú Yên đã tiêu hủy hơn 2.000 con vịt bị nhiễm bệnh của 2 hộ chăn nuôi.
Kể từ ngày 14/2/2014 đến nay, tỉnh Phú Yên không phát sinh thêm ổ dịch mới. Mặc dù vậy, Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên vẫn duy trì việc giám sát dịch tại tất cả các địa phương, đề phòng dịch bùng phát trở lại.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì hoạt động 3 chốt kiểm dịch động vật mới được thành lập để tăng cường giám sát việc vận chuyển, mua bán gia cầm cho đến khi 2 tỉnh giáp ranh là Đắk Lắk và Khánh Hòa hết dịch thì mới ngừng hoạt động”, ông Đào Lý Nhĩ cho biết thêm.
Trước diễn biễn dịch cúm H5N1 xảy ra đối với chim cút tại tỉnh Khánh Hòa, Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên đang lên phương án phòng, chống trên đàn chim cút (hơn 408.000 con), chủ yếu tại các huyện Đông Hòa, Phú Hòa và thành phố Tuy Hòa.
Có thể bạn quan tâm
Định hướng chung của đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ với kết cấu hạ tầng đồng bộ, đồng thời, sản xuất gắn với tiêu thụ, trên cơ sở phát huy vai trò của kinh tế hợp tác, liên kết đa dạng.
Khoảng gần tháng nay, tại các chợ bán lẻ ở TP.Cao Lãnh hầu như vắng bóng trái cây TQ. Thay vào đó, trái cây Việt Nam như chôm chôm, măng cụt, thanh long... tràn ngập chợ, giá mềm. Tại một số chợ như Cao lãnh, Sa Đéc, các loại trái cây bị người tiêu dùng “điểm” vào danh sách xuất xứ TQ như táo, lê, nho... hầu như chỉ một, hai nơi bán. Ở một số sạp, mặc dù người bán chủ động thông tin cần thiết nhưng cũng vắng người mua.
Xuất phát từ một xã nghèo, thuần nông, khó khăn có thể nói vào bậc nhất trong 11 xã được chọn xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Do tỷ lệ hộ nghèo còn cao, điều kiện giao thông hạn chế, thu nhập bình quân đầu người thấp, hộ dân tộc Khmer nhiều… đã gây nhiều trở ngại cho xã.
Hiện nay trên đồng ruộng đã xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh gây hại lúa mùa, trong đó đáng chú ý là sâu cuốn lá. Diện tích lúa nhiễm sâu cuốn lá là 6.566ha, trong đó nhiễm nhẹ hơn 3.000ha, trung bình hơn 3200ha, gần 300ha nhiễm nặng.
Nắng hạn vẫn đang tiếp tục hoành hành tại nhiều địa phương trong tỉnh khiến hàng nghìn hécta cây trồng bị chết, thiếu nước. Trong khi đó, đã có ít nhất hơn 1.400ha rừng bị khô, chết, dẫn đến liên tục xảy ra cháy rừng. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đang tích cực chỉ đạo các địa phương tăng cường chống hạn, hạn chế tối đa cháy rừng.