Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhập Đến 90% Lượng Phân Bón, Máy Nông Nghiệp Tràn Ngập Máy Trung Quốc

Nhập Đến 90% Lượng Phân Bón, Máy Nông Nghiệp Tràn Ngập Máy Trung Quốc
Ngày đăng: 24/09/2014

Một thống kê mới vừa được Bộ NNPTNT công bố: Riêng năm 2013, Việt Nam đã phải bỏ ra tới 12,4 tỷ USD để nhập khẩu các loại vật tư nông nghiệp bao gồm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, máy móc nông nghiệp… phục vụ sản xuất. Riêng con số này đã chiếm tới trên 40% kim ngạch xuất khẩu nông sản toàn ngành. Điều gì đang và sẽ xảy ra với nền nông nghiệp nước ta?

Với 7,2 triệu ha lúa cùng hàng triệu ha cây hoa màu khác, hàng năm nước ta phải sử dụng một lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) lớn, cùng rất nhiều máy móc phục vụ làm đất, chăm sóc và thu hoạch cây trồng. Thế nhưng, nghịch lý là có tới trên 90% thuốc BVTV và máy móc chúng ta phải nhập khẩu.

Bỏ trắng thị trường thuốc BVTV

Những năm gần đây, lượng thuốc BVTV mà Việt Nam nhập về đã gia tăng với tốc độ khủng khiếp. Nếu năm 2005 nước ta mới nhập khoảng 20.000 tấn, thì đến năm 2012 đã nhập tới 55.000 tấn, tiêu tốn 704 triệu USD và năm 2013 nhập tới 112.000 tấn, kim ngạch 778 triệu USD. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2014, Việt Nam cũng đã tiêu tốn tới 506 triệu USD để nhập thuốc trừ sâu và nguyên liệu, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Xuân Hồng – Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT) cho biết, cả nước hiện có khoảng 103 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, song chủ yếu là nhập nguyên liệu và thành phẩm từ nước ngoài về rồi sang chai, đóng gói. Tại Việt Nam, chỉ có 2 doanh nghiệp (DN) tự sản xuất hoạt chất thì một DN thuộc Tập đoàn Bayer (Đức), một DN liên doanh với Hàn Quốc.

“Hiện nay thuốc BVTV chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ và một số nguồn khác, trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, chiếm tỷ lệ tới 90%. Lượng thuốc này phần lớn được sử dụng trong nước, chỉ có 15% sản lượng tiếp tục được xuất đi các nước Campuchia, Myanmar, Philippines...” – ông Hồng cho biết.

Cũng theo ông Hồng, chúng ta phải nhập nhiều thuốc BVTV là vì lĩnh vực này phải phụ thuộc vào ngành hóa chất, trong khi ngành hóa chất Việt Nam còn rất non yếu. Trên thực tế các DN ngành BVTV trong nước cũng đã sản xuất được một số sản phẩm, song chủ yếu là các hoạt chất sinh học, thảo mộc. Ước tính năm 2014, cả nước sẽ phải nhập trên 100.000 tấn thuốc BVTV các loại (gồm hoạt chất, nguyên liệu và thành phẩm).

Tràn ngập máy nông nghiệp Trung Quốc

Với hơn 10 năm kinh nghiệm nhập máy nông nghiệp từ Trung Quốc về Việt Nam bán, ông Nguyễn Mạnh Thắng – Giám đốc Công ty TNHH Phát triển đầu tư Việt Phú (Hà Nội) khẳng định, hiện nay nông dân đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Nam Trung Bộ sử dụng máy gặt, máy cày của Trung Quốc là chính, kế đến là máy của Nhật Bản, còn máy sản xuất trong nước chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.

“Trước đây, nhiều người cũng thử dùng máy nội, nhưng do chất lượng kém hơn máy ngoại, chạy không ổn định, nhiều chi tiết rườm rà lạc hậu, khi hỏng khó sửa chữa, thay thế nên không được bà con ưa chuộng. Hiện máy nhập ngoại có giá cả rất cạnh tranh, phụ tùng cũng rất sẵn, nông dân chỉ cần gọi điện thoại là các công ty cung ứng mọi dịch vụ tận nơi” – ông Thắng cho hay.

Tương tự, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Giám đốc Công ty TNHH máy nông nghiệp Việt Trung – một trong những DN kinh doanh máy nông nghiệp lớn nhất miền Bắc (trụ sở tại Hải Dương) thông tin: Nnăm 2013 công ty tiêu thụ trên 30.000 máy cày, máy xới; từ đầu năm 2014 đến nay cũng đã bán được khoảng 20.000 chiếc cho nông dân các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, công ty có chức năng sản xuất và lắp ráp, song sản xuất tại chỗ rất ít mà gần như 100% phụ tùng chi tiết đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc, sau đó đưa về nước lắp ráp hoàn chỉnh.

“Sở dĩ chúng tôi phải nhập khẩu phụ tùng từ Trung Quốc là vì ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta quá yếu, ngay cả lốp máy cày cũng chưa làm được, trong khi để lắp ráp được một máy nông nghiệp hoàn chỉnh phải cần tới 300 chi tiết.

Chúng tôi sản xuất máy nông nghiệp đã nhiều năm, đương nhiên rất muốn tìm đối tác trong nước cung ứng các chi tiết để lắp ráp nhằm giảm giá thành sản phẩm, giảm công vận chuyển, song rất ít DN đáp ứng được. Trên thị trường, máy cày gắn mác DN nội chiếm khoảng 40 – 50% thị phần, nhưng thực tế các phụ tùng chính như bánh răng, vòng bi, động cơ... cũng là đồ nhập khẩu” – ông Phạm Tuấn Anh cho hay.

Theo một con số thống kê của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NNPTNT), căn cứ vào số liệu bán hàng của các DN kinh doanh máy nông nghiệp cho thấy, các loại máy nông nghiệp được sản xuất tại Việt Nam (gồm cả chế tạo, lắp ráp) hiện chỉ chiếm khoảng 15 – 20% thị phần, còn phần lớn là máy nhập từ Trung Quốc (60%), còn lại nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc.

Cũng do phụ thuộc một phần vào máy nhập khẩu (mà hầu hết là có giá đắt đỏ, không phải nông dân nào cũng mua được) nên việc áp dụng cơ giới hóa ở nước ta mới tập trung được ở một số khâu như làm đất, bơm tưới, tuốt đập, vận chuyển, xay xát. Các khâu còn lại như gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch... chủ yếu làm thủ công.


Có thể bạn quan tâm

Giá khoai thất thường, người trồng ngao ngán Giá khoai thất thường, người trồng ngao ngán

Cuối tuần vừa rồi, giá khoai lang tím Nhật đã được thu mua với mức giá tăng nhẹ. Niềm vui chưa lâu, đầu tuần này nông dân trồng khoai lại tiếp tục đối mặt với nỗi lo cũ mang tên: giá cả.

20/06/2015
Không nên sạ lúa gửi trong mía Không nên sạ lúa gửi trong mía

Đó là khuyến cáo của bộ phận khuyến nông, thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) trước tình hình người dân sạ lúa gửi trong mía ngày càng nhiều.

20/06/2015
Chế tạo thành công máy bóc hạt mắc ca Chế tạo thành công máy bóc hạt mắc ca

Ông Lê Thanh Trị (Đức Trọng - Lâm Đồng) là người đã chế tạo thành công máy tách vỏ ngoài hạt mắc ca. Hiện giá bán mỗi chiếc máy tách vỏ hạt mắc ca được ông bán ra thị trường là 14 triệu đồng.

20/06/2015
Chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp Chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp ở huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) hình thành 2 khu vực cây trồng chính: Lúa nước tập trung chủ yếu ở các xã Xuân Hải, Tân Hải, Hộ Hải và Phương Hải, với diện tích 2.200ha; hành, tỏi, rau màu trồng nhiều ở Vĩnh Hải, Thanh Hải, Nhơn Hải.

20/06/2015
Đổ bỏ nhiều tấn hành tây vì chờ tăng giá Đổ bỏ nhiều tấn hành tây vì chờ tăng giá

Thời gian qua, rất nhiều hộ nông dân ở phường 7, nơi có diện tích trồng hành tây lớn nhất Đà Lạt đã phải đem hành đổ vì thời gian trữ trong kho chờ tăng giá quá lâu dẫn đến nông sản này bị hư hỏng, nảy mầm.

20/06/2015