Thị trường thanh long bị thao túng
Hiệp hội Thanh long và Sở Công thương khẳng định chỉ là quy luật cung cầu tự nhiên.
Cơ sở thanh long Ngọc Hà ở H.Hàm Thuận Nam trực tiếp xuất hàng chứ dứt khoát không cho thương lái TQ thuê thu mua.
Đến vùng thanh long H.Hàm Thuận Nam những ngày này, đâu đâu cũng thấy các vựa thanh long do người Trung Quốc (TQ) thuê để thu mua.
Đòi thuê cơ sở rồi nhờ đứng tên
Chị Minh Ngọc, chủ doanh nghiệp Ngọc Hà (ở H.Hàm Thuận), chuyên xuất thanh long đi TQ, kể: “Mình có hai cơ sở đóng gói thanh long nhưng mình chỉ tập trung vào một. Người TQ đến đòi thuê cơ sở của mình và kêu mình đứng tên, nhưng mình không cho.
Làm như thế phụ thuộc họ. Thích mua thì mình bán, tiền trao cháo múc cho chủ động. Cho họ núp sau, sẽ bị phụ thuộc hết”.
Cũng theo chị Ngọc, bây giờ nhiều cơ sở thu mua (đầu nậu) mới mọc lên hai bên đường ở H.Hàm Thuận Nam toàn do người TQ sang thuê mướn. Họ bỏ tiền ra, điều khiển mình từ giá cho đến sản lượng hàng hóa. “Hằng ngày, họ (người TQ - PV) cho giá cho các cơ sở thu mua. Rồi các cơ sở lấy giá đó làm chuẩn để mua hàng, không khi nào có giá ổn định được”, chị Ngọc nói.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có 26.000 ha thanh long. Sản lượng trái mỗi năm khoảng 650.000 tấn. Khoảng 80% là xuất sang TQ bằng đường tiểu ngạch, còn lại là tiêu thụ trong nước và các thị trường khó tính khác như châu Âu, Mỹ.
Theo tìm hiểu, chỉ riêng H.Hàm Thuận Nam có gần 120 cơ sở thu mua thanh long xuất khẩu, trong đó có khoảng 30 cơ sở do người TQ trực tiếp điều hành, còn lại họ núp bóng cơ sở thu mua trong nước để thao túng thị trường.
Một cán bộ nông nghiệp của H.Hàm Thuận Nam, cho biết người TQ sang đây với “mác” đi du lịch. Nhưng họ đến tràn lan ở các vườn thanh long và thao túng toàn bộ quá trình mua bán tại đây. “Người nông dân trồng ra trái thanh long nhưng họ không biết được sản phẩm của mình ngày mai sẽ ra sao”, vị cán bộ nông nghiệp của huyện nói.
Ông Võ Huy Hoàng - Giám đốc Công ty rau quả Bình Thuận thì cho biết: “Chúng tôi cũng xuất đi TQ nhưng xuất chính ngạch, có hợp đồng giá cả hẳn hoi cho an tâm. Mình lo được về chất lượng hàng hóa thì bán chính ngạch sẽ giảm bớt rủi ro”. Theo ông Hoàng, thị trường TQ vẫn sẽ quyết định thanh long Bình Thuận nói riêng và thanh long Việt Nam nói chung trong nhiều năm nữa. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải biết đoàn kết để chống đỡ lại sức ép từ thị trường này.
Không có con đường nào khác
Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Ngô Minh Hùng - Phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, nhận định: “Thị trường TQ là nơi tiêu thụ trái thanh long của cả nước chứ không riêng gì Bình Thuận. Vì sản lượng tiêu thụ và tiềm năng của thị trường này quá lớn (khoảng 400.000 tấn/năm - PV), nên chỉ cần nó “nhức đầu sổ mũi” là ảnh hưởng đến mình ngay”. Ông Hùng cũng thông tin thêm, hiện nay các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông (TQ) đã trồng thành công thanh long với diện tích khoảng hơn 20.000 ha.
Tuy nhiên, quan điểm của ông Võ Huy Hoàng thì khác: “Chúng ta không lo ngại khi TQ trồng thanh long. Bởi vì với khí hậu đặc thù, trái thanh long Việt Nam luôn có chất lượng và được chính người TQ ưa chuộng hơn sản phẩm họ làm ra”.
Giải pháp để phát triển bền vững trái thanh long, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận Mai Kiều cho biết: “Tỉnh cũng đã khuyến cáo bà con phải sắp xếp lại sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chứ không tăng thêm diện tích nữa. Hiện nay Bình Thuận đang tập trung hướng dẫn bà con chữa trị các loại dịch bệnh trên trái thanh long. Thanh long bị đổ bỏ chính là loại trái bị sâu hại, không thể xuất khẩu được”.
Có thể bạn quan tâm
Dự án sản xuất hoa chất lượng cao đang triển khai ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội cho hiệu quả kinh tế gấp 4 - 5 lần trồng lúa. Đây là hướng đi của huyện trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho bà con ND.
Giá khoai lang tím đang tăng cao tạo thu nhập tốt cho nông dân. Nhằm tránh lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp đã tích cực tìm kiếm thêm nhiều thị trường khác khiến cho việc xuất khẩu khoai lang tím ngày càng rộng mở.
Nông dân các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL đang tất bật bước vào vụ thả nuôi tôm nước lợ năm 2014 với những nỗi lo vốn đã tồn tại nhiều năm nay: thiếu con giống chất lượng, diễn biến thời tiết bất thường, nguy cơ dịch bệnh và giá cả vật tư đầu vào tăng cao.
Ngày 12/2, Điện lực Cái Nước (Cà Mau) tiến hành nâng công suất trạm biến áp tuyến kênh Ba Vinh, ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ để phục vụ nuôi tôm công nghiệp cho bà con nông dân.
Cứ tưởng trên núi cao, rừng thẳm, người dân chỉ có cách chống đói, thoát nghèo dựa vào đất đai, lâm sản… nhưng thật bất ngờ, ông Hà Văn Vận, người dân tộc Mường ở thôn Sui Quan, xã Khánh Thượng (Ba Vì - Hà Nội) đã “phát tài” nhờ nuôi cá tầm.