Làm đẹp gà vịt bằng hóa chất
Trong vai người mua gà, phóng viên Báo Người Lao Động đã tiếp cận hàng loạt cơ sở giết mổ gia cầm tại tỉnh Gia Lai sử dụng hóa chất để nhúng gà làm cho da thịt trở nên vàng tươi, bắt mắt.
Nhúng màu siêu tốc
Chiều 6-9, chúng tôi mang một con gà da trắng nhợt do đã giết từ ngày hôm trước đến điểm mua bán gà của bà L. tại chợ Trung tâm Thương mại Pleiku, yêu cầu làm cho vàng, đẹp. Bà L. đồng ý, cầm lấy 2 chân con gà nhúng vào xô nước. Chỉ 5 giây được “tắm” hóa chất, con gà chết trắng bệt chuyển màu vàng tươi. Bà L. lấy tiền công 7.000 đồng và khuyên: “Lần sau, em mua chỗ nào thì bảo họ tẩy da luôn cho tiện”.
Con gà sau khi được nhuộm thuốc có màu vàng bắt mắt
Chúng tôi tiếp tục đến điểm bán gia cầm của bà T., cũng tại chợ Trung tâm Thương mại Pleiku, mua con gà giá 180.000 đồng. Sau khi gà đã nhổ lông, chúng tôi tỏ ý chê màu da gà nhìn như bị bệnh, bà T. liền nói: “Muốn màu vàng cho đẹp chứ gì? Đưa con gà đây, cỡ nào cũng được!”.
Nói rồi, bà T. cầm con gà ra phía sau. Cũng chỉ mất vài giây nhúng vào xô nước, da gà chuyển sang màu vàng. Khi yêu cầu làm màu gà vàng thêm chút nữa thì bà T. lấy một gói bột nhỏ màu đen cho vào xô khuấy đều rồi bỏ con gà vào nhúng lại. “Muốn vàng bao nhiêu mà chả được, chỉ cần cho nhiều hay ít bột vào thôi” - bà T. bật mí.
Tại điểm giết mổ gia cầm của bà D. ở chợ phường Phù Đổng (TP Pleiku), bà không sử dụng “công nghệ” nhúng gà mà dùng miếng vải nhúng vào một loại nước đã pha sẵn rồi bôi lên thân gà. Miếng vải bôi đến đâu da gà chuyển sang màu vàng đến đó.
Vào quán ăn, nhà hàng
Ông G., một chủ cơ sở giết mổ gia cầm ở chợ Yên Thế (phường Yên Thế, TP Pleiku), cho biết cơ sở của ông bán gà loại 1 giá 125.000 đồng/kg còn gà chết 85.000 đồng/kg (bao gồm tiền công nhổ lông và nhuộm màu). “Nếu anh mua về bán quán cơm thì nên mua loại 85.000 đồng cho có lời. Bình quân một ngày, tôi bán được khoảng 200 kg” - ông G. khuyên. Cũng theo ông G., nếu khách mua gà chết nơi khác đến nhuộm, ông lấy 7.000 đồng/con.
Trong khi đó, tại điểm giết mổ của bà T. ở Trung tâm Thương mại Pleiku, mỗi ngày “sản xuất” khoảng 100 con gà, vịt bằng hóa chất. Khách hàng chủ yếu là các quán cơm, nhà hàng tổ chức tiệc cưới.
Qua tìm hiểu được biết loại “thần dược” dùng để nhuộm màu vàng cho gà có 2 loại. Trong đó, một loại bột ghi nhãn của cơ sở M.H, có tác dụng đổi màu da và một loại bột màu đen (nhập từ Trung Quốc) vừa giúp gà chuyển màu nhanh vừa làm cho thịt dai hơn.
Ông Nguyễn Văn Đang, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Gia Lai, xác nhận có nghe thông tin các cơ sở giết mổ gia cầm dùng hóa chất để nhuộm màu cho gà, vịt nhưng khi đi kiểm tra ở các cơ sở lớn có đăng ký thì không phát hiện trường hợp nào. Khi được phóng viên cung cấp hai loại phẩm màu được các cơ sở sử dụng, ông Đang xem qua rồi nhấn mạnh phải qua xét nghiệm mới xác định được.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, các loại phẩm màu không rõ nguồn gốc khi sử dụng trong thực phẩm có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng đến gan, thận, hệ thần kinh. Nếu dùng lâu ngày có thể gây ung thư.
Có thể bạn quan tâm
Dù được đánh giá là chính sách mang tính toàn diện để phát triển thủy sản, song việc triển khai thực hiện Nghị định 67 hiện còn không ít vướng mắc. Việc hỗ trợ, giải ngân nguồn vốn này vẫn còn khá thấp so với nhu cầu của ngư dân.
Hiện nay, toàn tỉnh có 6/27 cơ sở đóng tàu cá đánh bắt xa bờ được UBND tỉnh công bố đủ điều kiện hoạt động. Ông Phan Huy Hoàng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện có thêm 4 cơ sở nữa đang được đề xuất đầu tư nâng cấp cho đủ điều kiện hoạt động.
Tuy không tổ chức thực hiện được những cánh đồng mẫu lớn như quy định của ngành nông nghiệp, nhưng bước đầu huyện Tư Nghĩa đã giúp nông dân hình thành những cánh đồng lớn, chuyên canh một giống lúa, hoa màu năng suất khá cao.
Sau dưa hấu, giờ đến lượt muối Sa Huỳnh (Đức Phổ) rớt giá thê thảm. Đã bao nhiêu năm, vậy mà muối Sa Huỳnh vẫn chưa có lối thoát. Trên những cánh đồng muối vẫn còn đó nhiều mảnh đời cơ cực.
Được một cán bộ Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) giới thiệu, chúng tôi háo hức vượt hơn 10km đường rừng lên núi cao để đến thăm mô hình nuôi cá tầm của ông Mai Thanh Lâm (62 tuổi, ngụ tổ dân phố 13, thị trấn Mađaguôi). Trại cá tầm của ông Lâm ở dưới chân thác Ba Tầng.