Nhãn tím Sóc Trăng đang bị làm giá
Những ngày này, đến bến đò Phong Nẫm (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) hỏi nhà “Vua nhãn tím Bảy Huy”, người dân địa phương luôn nhiệt tình hướng dẫn.
Ông Trần Văn Huy (tên thường gọi là Bảy Huy, 61 tuổi) nhà ở bên kia sông Hậu, thuộc cù lao Phong Nẫm. Ông Bảy Huy là người đầu tiên nhân giống thành công loại nhãn tím lạ mắt ở Sóc Trăng. Ông kể khoảng 12 năm về trước, trong một lần tình cờ ra thăm vườn nhãn long của mình, ông ngạc nhiên khi phát hiện trên một nhánh nhãn long to có một nhánh nhãn nhỏ trổ bông màu tím, lá cũng màu tím. Ít lâu sau, chùm bông này ra được khoảng mười mấy trái nhãn màu tím trông rất lạ mắt.
Do cây nhãn nằm giữa vườn nên lũ trẻ trong xóm đã kéo nhau đến hái sạch những trái nhãn tím. Sợ bị mất cả nhánh nhãn lạ, ông Bảy Huy chiết cành nó để mang vào sân nhà trồng. Chỉ một năm sau, cây nhãn phát triển và bắt đầu ra bông, kết trái. Đến 3 năm sau, ông Bảy Huy có thu hoạch.
8 năm sau, một người bạn công tác ở xã tình cờ đến nhà ông và phát hiện những chùm nhãn tím lạ nên khuyên ông hái một ít để mang đến tham gia trưng bày trái cây đặc sắc của huyện Kế Sách vào dịp Tết Đoan Ngọ. Từ đây, cây nhãn tím của ông Bảy Huy đã bị “lộ” nên nhiều nhà vườn ở khắp nơi tìm đến vườn nhà ông để được tận mắt chứng kiến cây và trái nhãn tím.
Mỗi nhánh nhãn tím chiết được ông Bảy Huy bán với giá 1 triệu đồng, trong khi những người mua rồi bán lại với giá từ 2,9 - 3,5 triệu đồng
Hiện nay, ở cồn Phong Nẫm chỉ có 3 anh em của ông Bảy Huy trồng và chiết cành nhãn tím để cung cấp cho những ai có nhu cầu. Ông Vương Thanh Điền (45 tuổi, em vợ của ông Bảy Huy) cho biết từ nhánh chiết đầu tiên của Bảy Huy tặng, đến nay ông trồng được trên 100 gốc nhãn tím lớn, nhỏ. Do là giống cây “độc” nên vài lần có kẻ gian lẻn vào vườn bứng gốc mang đi. Vì thế, vợ chồng ông chăm sóc rất kỹ những gốc nhãn tím hiện tại.
Cây nhãn tím chiết phù hợp với mọi loại đất
Theo ông Bảy Huy, do nhu cầu trồng nhãn tím của bà con ngày càng tăng nên ông bắt đầu chiết nhánh để bán. Một nhánh nhãn chiết (cao từ 50 - 70cm) có giá một triệu đồng nhưng vẫn không đủ cung cấp.
Trong khi đó, thử lên mạng tìm nơi cung cấp cây nhãn tím giống, chúng tôi được một người cung cấp giống nhãn này đang ở Tiền Giang “hét” giá 2,9 triệu đồng/nhánh. Thậm chí, có nơi còn nâng lên 3,5 triệu đồng/nhánh. “Từ trước đến giờ, tui chỉ cung cấp với giá 1 triệu đồng/nhánh chứ không bán hơn. Có lẽ ai đó đã mua nhánh chiết của tôi rồi mang về bán lại kiếm lời”- ông Bảy Huy nhận định.
Sau 3 năm trồng sẽ cho thu hoạch rộ với những trái nhãn màu tím trông rất đẹp mặt
Ngoài cung cấp nhánh, hiện ông Bảy Huy còn bán trái nhãn tím với giá 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do tập trung chiết nhánh nên số lượng nhãn trái của ông Bảy Huy cung cấp không nhiều, chủ yếu bán cho bà con lối xóm.
Nói về cách chăm sóc nhãn tím, ông Bảy Huy và ông Điền đều có chung đánh giá là rất dễ trồng, ít phân bón, phù hợp với mọi loại đất. Sau một năm trồng thì cây nhãn chiết bắt đầu cho trái chiến. Mỗi năm cây nhãn tím cho trái một vụ thuận và một vụ nghịch sau khi được xử lý phân, nước.
Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù vỏ màu tím nhưng phần thịt bên trong của của trái nhãn tím vẫn như tất cả các loại nhãn khác. Do vậy, nhà vườn chỉ “săn” về trồng chủ yếu cho… đẹp mắt.
Có thể bạn quan tâm
Thời tiết đột ngột rét đậm, rét hại kéo dài trong mấy ngày qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới diện tích mạ và lúa xuân mới cấy tại các tỉnh phía Bắc. Trước diễn biến này, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo bà con nông dân làm tốt công tác phòng chống rét cho cây trồng, không chủ quan với thời tiết.
Từ khi có sự chuyển đổi ồ ạt từ trồng mía sang nuôi tôm ở Cù Lao Dung thì nhu cầu sử dụng điện cũng tăng lên gấp 5 - 6 lần; vì ngoài yếu tố thời gian nuôi tôm thẻ chân trắng ngắn ngày, quay vòng vụ nuôi nhanh, mật độ thả nuôi cũng dày hơn tôm sú, nên nhu cầu sử dụng điện để chạy các hệ thống quạt sục bọt khí, tạo ô-xi cho tôm càng nhiều hơn.
Trong năm 2014, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và tiêu thụ Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Bình Minh - Vĩnh Long) cho biết đặt chỉ tiêu thu mua từ 600- 800 tấn bưởi GlobalGap, mà HTX đã ký hợp đồng bao tiêu với thành viên.
Nhìn chung, vụ quýt Tết 2014, nhà vườn trồng quýt ở Lai Vung thắng lợi lớn khi quýt bán với giá cao, nhưng đối với nhiều thương lái đây là năm làm ăn thất bại... Và phía sau đó là nhiều hệ lụy mà người trồng quýt đang đối mặt.
Tuy nhiên, ngay từ đầu năm do thời tiết bất lợi, nên trên nhiều diện tích tôm nuôi, dịch bệnh đã có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, thiếu con giống chất lượng, nguy cơ dịch bệnh và giá cả vật tư đầu vào tăng cao vẫn đang làm “khó” cho các hộ nuôi.