Nhãn Tân Yên bội thu trên đất bạc màu
Trước kia, toàn bộ khu vườn với diện tích hơn 10 sào của chị Nguyễn Thị Xuân, thôn Lục Liễu, xã Hợp Đức (Tân Yên) là vườn tạp nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2010, chị Xuân chuyển hẳn sang trồng nhãn với số lượng hơn 100 cây. Nhờ đó, vài năm gần đây, mỗi năm từ trồng nhãn, gia đình chị Xuân thu lãi khoảng 60 triệu đồng. Chị Xuân tâm sự: "Cây nhãn không phát tán nhiều như vải, ít sâu bệnh, nên hiếm khi phải phun thuốc trừ sâu, thu hoạch lại dễ dàng hơn. Vào chính vụ, thương lái các nơi về tận vườn nhà tôi thu mua."
Cây nhãn được nông dân huyện Tân Yên đưa vào trồng cách đây khoảng 20 năm, do một số hộ dân ở xã Hợp Đức lấy giống từ Hưng Yên về trồng thử. Qua quá trình chăm sóc, nhận thấy loại cây này phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, giá trị kinh tế cao, người dân loại bỏ vườn tạp, mở rộng diện tích trồng nhãn.
Nhằm nâng cao giá trị kinh tế vườn đồi, các chủ vườn đã lai tạo ra nhiều loại nhãn mới như Miền Thiết, Tiêu, thay thế dần giống nhãn Hương Chi. Ưu điểm của các loại giống này là cây phát triển khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt; quả to, cho năng suất, sản lượng cao; kéo dài thời gian thu hoạch; cùi dầy, ăn ngọt, vị thơm được thị trường ưa chuộng.
Anh Nguyễn Đức Thảo, cán bộ khuyến nông xã Hợp Đức cho biết: Hàng năm, xã tổ chức thăm quan, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các chủ vườn trồng nhãn lâu năm với các hộ mới tham gia trồng. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây nhãn. Nhờ trồng nhãn, nhiều hộ thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Một điểm rất đáng quan tâm đó là huyện Tân Yên hiện có khoảng 1.200 ha đất cát pha và sỏi cơm, nếu như trồng các loại cây ăn quả khác năng suất, sản lượng có thể sẽ không cao, nhưng lại rất phù hợp để trồng nhãn, vì đây là loại cây chịu hạn tốt, dễ trồng, chăm sóc.
Hiện diện tích trồng nhãn của huyện khoảng 230 ha, tập trung ở các xã Hợp Đức, Phúc Hòa, An Dương, Việt Lập và Liên Chung với sản lượng gần 500 tấn/năm, tiêu thụ thuận lợi; giá trị kinh tế đạt khoảng 500 triệu đồng/ha, cao gần gấp đôi so với vải thiều.Năm 2015, sản lượng nhãn của Tân Yên ước đạt 550 tấn, tăng 60 tấn so với năm 2014. Hiện tại, giá nhãn bán tại vườn ở huyện Tân Yên dao động từ 20 - 25 nghìn đồng/kg, tùy loại.
Bà Đào Thu Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên cho biết: Mới đây, UBND huyện tham mưu với Huyện ủy xây dựng Nghị quyết về Phát triển cây ăn quả và nâng cao hiệu quả kinh tế vườn đồi giai đoạn 2015 và những năm tiếp theo. Theo đó, UBND huyện sẽ chỉ đạo các xã có diện tích vườn đồi nhiều, có chất đất phù hợp để trồng nhãn. Đồng thời, tranh thủ nguồn kinh phí từ Trung ương, tỉnh hỗ trợ giúp nông dân đưa các loại giống nhãn có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Cùng đó, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng cây nhãn và kéo dài thời gian thu hoạch. Tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ để đầu ra của quả nhãn ổn định.
Với định hướng đúng đắn, hi vọng, về lâu dài, sau vải thiều sớm Phúc Hòa, cây nhãn sẽ là cây hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao và bền vững cho bà con nông dân. Qua đó, giúp nông dân tăng thêm thu nhập và làm giàu chính đáng trên chính vùng đất quê mình.
Trên cơ sở rà soát các xã có diện tích trồng nhãn nhiều, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng hướng dẫn bà con tập huấn kỹ thuật, lai tạo thêm nhiều giống nhãn có chất lượng, nhất là nhãn muộn, giúp bà con có thu nhập cao từ loại cây ăn quả này". (Bà Đào Thu Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên.)
Có thể bạn quan tâm
Tôm càng xanh là loài thủy sản không xa lạ với người dân Cà Mau. Từ khi chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm sú, con tôm càng xanh ít được người dân chú trọng
Nghe nhiều về mô hình nuôi lợn sạch của chị Nguyễn Thị Mỹ, chúng tôi tìm về thôn Kế Sung, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế để tìm hiểu.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, đem lại giá trị kinh tế cao và bù đắp một phần tổn thất trong vụ mía vừa qua, trong niên vụ mía 2011-2012, nông dân vùng mía nguyên liệu huyện Phụng Hiệp tập trung phát triển diện tích rau màu ngắn ngày xen với cây mía, đây được xem là mô hình “lấy ngắn nuôi dài” mang lại hiệu quả cao.
Những cơn mưa lớn xuất hiện đột ngột trong những ngày qua làm môi trường ao nuôi tôm biến động, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài vi khuẩn, vi-rút phát triển gây bất lợi cho tôm nuôi, đặc biệt ở loại hình nuôi tôm công nghiệp (NTCN). Đồng thời cũng tạo điều kiện cho các loại bệnh lạ xuất hiện và phát sinh trên diện rộng như bệnh gan tụy.
Qua 10 năm đầu tư chăn nuôi heo, chị Nguyễn Dương (thôn Di Đông, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) rút ra kinh nghiệm: Với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng nơi đây, muốn thoát nghèo, làm giàu phải từ chăn nuôi.