Xuất khẩu sắn đạt hơn 1 tỷ USD

Đáng chú ý, XK mặt hàng này tăng vọt trong tháng 9 và tháng 10/2015.
Nguyên nhân, theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, từ ngày 4/9 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 141/2015/TT- BTC và chỉ đạo dừng thực hiện Thông tư số 63/2015/TT- BTC ngày 6/5/2015 về việc sửa đổi mức thuế XK sắn.
Cụ thể: Mức thuế XK hàng sắn lát từ 5% được đưa về mức cũ 0%, áp dụng từ ngày 5/9/2015, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) XK sắn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cho biết, trong 3 quý của năm 2015, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính, chiếm tới 89,17% thị phần, tăng 37,1% về khối lượng và 33,03% về giá trị so với cùng kỳ 2014.
Thị phần các thị trường chính khác đều nhỏ hơn 2%.
Ngoài ra, thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất là Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc).
Ông Nghiêm Minh Tiến - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Sắn Việt Nam - chia sẻ: Mặc dù dự kiến cả năm nay XK sắn đạt khoảng 1,5 tỷ USD, nhưng trên thực tế, 80% sản lượng sắn vẫn được XK sang Trung Quốc.
Việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc là điểm yếu nổi cộm của ngành sắn Việt Nam, bởi thị trường này bấp bênh, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Sự biến động nhẹ của thị trường Trung Quốc đủ khiến DN ngành sắn lao đao.
Để tập trung cho chiến lược XK dài hạn, mở rộng thị trường XK tại thị trường tiềm năng, tránh lệ thuộc vào một thị trường như Trung Quốc, ông Nghiêm Minh Tiến thông tin: Thời gian qua, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ xây dựng tiêu chuẩn chất lượng bột sắn Việt Nam và công bố rộng rãi.
Tiêu chuẩn này xây dựng trên cơ sở có những tiêu chí tương đồng với tiêu chuẩn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO).
Vì vậy, chỉ cần sản phẩm của DN đạt chất lượng theo đúng tiêu chuẩn đề ra thì có thể XK cả vào những thị trường khắt khe, khó tính.
Ông Nguyễn Văn Lạng- Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam - cho rằng, nếu được đầu tư đúng hướng về công tác chọn tạo giống và kỹ thuật canh tác bền vững, sản phẩm sắn Việt Nam sẽ cạnh tranh được với các nước hàng đầu về XK sắn.
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, dự kiến cả năm 2015, XK sắn đạt khoảng 1,5 tỷ USD bao gồm cả sắn lát và sắn bột.
Có thể bạn quan tâm

Đứng trước ruộng sắn nước xanh um lá, anh Nguyễn Minh Tuấn (thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc) cho biết, ruộng sắn nước nhà anh trông khá đẹp, nhưng khi nhổ thử thì củ quá nhỏ, năng suất ước 2,5 tấn/sào nên người mua chỉ trả giá 3 triệu đồng/sào. Với chi phí 5 triệu đồng/sào, anh lỗ khoảng chục triệu đồng.

Ngoài bán quả sa nhân, thời gian qua, nông dân xã Phìn Ngan còn có thêm thu nhập từ bán cây sa nhân giống cho nhân dân các xã trên địa bàn huyện Bát Xát và một số huyện khác của tỉnh. Thậm chí, nông dân tỉnh khác cũng đến Phìn Ngan tìm mua cây sa nhân tím về trồng. Giá mỗi cây giống từ 3.000 - 5000 đồng. Tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng ước tính, tiền bán cây sa nhân giống của nông dân xã Phìn Ngan năm nay đạt trên 400 triệu đồng.

Mục tiêu của việc thử nghiệm để xác định khả năng chịu mặn của từng giống lúa, từ đó đánh giá mức độ chịu mặn và khả năng thích nghi với từng vùng đất chuyển đổi lúa - tôm, nhằm khuyến cáo nông dân thực hiện trong các vụ mùa tới, góp phần đa dạng hóa cơ cấu giống lúa chịu mặn, thích nghi, có năng suất, thời gian sinh trưởng ngắn ngày, khắc phục tình trạng thiếu hụt giống, giá thành cao.

Việc ứng dụng mô hình nhà lưới vào sản xuất rau màu không chỉ cải thiện dân sinh, mà còn mở ra hướng đi mới cho nền nông nghiệp ở huyện đầu nguồn An Phú (An Giang). Thông qua việc tạo nên những sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, năng suất cao sẽ đóng góp quan trọng vào chuỗi cung ứng và quá trình xây dựng nông thôn mới.

Ở thời điểm này, hồ tiêu có giá hơn 190 nghìn đồng/kg. Cây tiêu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng khác như cao su, cà phê, điều. Do lợi nhuận cao, nhiều hộ nông dân ở Bình Phước chặt bỏ điều, thậm chí cao su và đua nhau trồng tiêu, vừa tạo ra cơn sốt nọc tiêu, vừa có nguy cơ phá vỡ quy hoạch của ngành nông nghiệp.