Nhãn Sớm Mất Mùa
Bước vào đầu tháng 7, trong khi nhiều nhà vườn đang tất bật bón phân dưỡng quả, chăm sóc quả non thì một số hộ gia đình trên địa bàn thành phố Hưng Yên đã bắt tay thu hoạch những chùm nhãn đầu mùa. Theo các hộ làm vườn, năm nay nhãn trà sớm mất mùa. Hiện, nhãn sớm đang được bán với giá từ 45 – 50 nghìn đồng.
Bằng những kinh nghiệm lâu năm và biết cách áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào việc thâm canh nhãn, vài năm trở lại đây, các nhà vườn trên địa bàn thành phố Hưng Yên đã dần “làm chủ” được việc ra hoa đậu quả của cây nhãn. Không chỉ "điều khiển" được nhãn ra hoa đậu quả, người trồng nhãn còn rải vụ thu hoạch nhãn với 3 trà: nhãn trà sớm, trà chính và trà muộn. Trong đó, nhãn trà sớm và trà muộn thường có giá bán cao hơn nhãn trà chính vụ.
Nhãn trà sớm gồm 2 loại: giống nhãn sớm và áp dụng khoa học kỹ thuật để nhãn đậu quả sớm. Hiện, trên địa bàn thành phố diện tích trồng giống nhãn sớm không đáng kể, chủ yếu là nhà vườn áp dụng khoa học kỹ thuật để nhãn ra hoa, đậu quả sớm.
Việc rải vụ nhãn với 3 trà giúp người nông dân không phải đối mặt với tình trạng "được mùa rớt giá". Qua đó, các nhà vườn đã từng bước nâng cao năng suất, chất lượng của cây nhãn. Tuy nhiên, áp dụng khoa học kỹ thuật thế nào để nhãn thu hoạch theo 3 trà không phải là điều đơn giản. Với trà nhãn sớm, ngay sau khi thu hoạch phải tiến hành tuyển chọn những cây thích hợp và có biện pháp chăm bón riêng.
Thu hoạch đến đâu nhanh chóng dọn vườn, chăm bón cho cây để sẵn sàng cho vụ sau. Việc chăm bón trong giai đoạn này quyết định đến "độ khỏe" của cây và chất lượng quả sau này. Sau khi tỉa cành, tạo tán, bón phân đầy đủ phải lựa thời tiết để tưới dung dịch KClO3 nhằm thúc cây bật chồi, ra hoa.
Trong quá trình làm vườn, người dân phải linh hoạt sử dụng nhiều biện pháp phối hợp như khi trời rét thì bổ sung lân, kali, trời nóng thì tưới dưỡng... Năm nay, vào thời điểm nhãn trà sớm trổ hoa gặp mưa kéo dài đã phần nào ảnh hưởng sản lượng trà nhãn sớm. Ở thành phố Hưng Yên, so với các năm trước, sản lượng nhãn sớm giảm đến 80%.
Xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) là một địa phương có "thâm niên" trồng nhãn với trình độ thâm canh cao. Thế nhưng, vụ này nhiều hộ làm vườn cũng bỏ qua trà nhãn sớm, tập trung khai thác nhãn chính vụ. Chị Bùi Thị Hằng (thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam) cho biết: "Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong việc thâm canh nhãn, gia đình tôi đã áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vừa để nâng cao năng suất vừa để rải vụ, tránh tình trạng “được mùa rớt giá”. Vụ nhãn năm 2012 gia đình tôi thu được gần 8 tạ nhãn trà sớm. Nhãn chín sớm có chất lượng quả ngon, giá bán gấp 2 - 3 lần nhãn chính vụ.
Giá trị kinh tế từ nhãn chín sớm đã thấy rõ nhưng sang vụ này sản lượng nhãn sớm trong vườn nhà chỉ đạt khoảng vài tạ. Gia đình tôi đã thu hoạch nhãn trà sớm từ nửa tháng trước. Trà nhãn sớm sẽ được thu hoạch kéo dài đến khoảng đầu tháng 8".
Ông Trịnh Văn Thinh, Chủ nhiệm Hợp tác xã nhãn lồng Hồng Nam cho biết: "Năm nay, diện tích nhãn của toàn xã khoảng 250 ha, trong đó diện tích nhãn trà sớm chỉ đạt khoảng hơn 1 mẫu. Sản lượng nhãn trà sớm giảm trên 80% so với năm 2012, đạt khoảng trên 1 tấn quả tươi.
Do sự bất lợi của yếu tố thời tiết nên nhiều nhà vườn dù đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhưng năng suất vẫn không cao. Thêm vào đó, vài năm trở lại đây nhãn đều được mùa nên năm nay nhiều chủ vườn tập trung khai thác nhãn trà chính để cây có thời gian nghỉ dài hơn.
Từ giữa tháng 6, một số hộ gia đình đã bắt đầu thu hoạch nhãn sớm để bán cho khách mua làm quà biếu với giá từ 45 – 50 nghìn đồng/kg quả tươi bán tại vườn. Hiện, nhãn trà chính vụ ở Hưng Yên mới ở giai đoạn quả non. Dự kiến nhãn trà này sẽ được mùa và đến giữa tháng 8 mới cho thu hoạch”.
Nhãn trà sớm mất mùa chủ yếu do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Ngoài ra còn phải kể đến trình độ thâm canh của người dân còn hạn chế. Xã Quảng Châu có 330 ha trồng nhãn, chủ yếu là giống nhãn hương chi. Năm nay, xã ước thu khoảng 1.000 - 1.200 tấn nhãn.
Khoảng chục năm trở lại đây, cây nhãn đã trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng đất bãi. Song, do kinh nghiệm cũng như khả năng áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trồng nhãn còn hạn chế nên người dân trong xã chủ yếu tập trung vào nhãn trà chính. Bởi, việc trồng nhãn sớm không hề đơn giản.
Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là thời tiết nên người làm vườn khó chủ động trong canh tác. Nếu chăm sóc không tốt cộng với thời tiết không thuận lợi, cây sẽ cho sản lượng rất thấp, thậm chí là mất trắng. Ông Dương Văn Vình (thôn 4, xã Quảng Châu) cho biết: “Nhãn sớm bao giờ cũng có giá bán cao hơn nhãn chính vụ.
Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng ưa thích hoa quả đầu mùa, năm nay gia đình tôi đã áp dụng khoa học kỹ thuật cho 30 cây nhãn để nhãn ra hoa đậu quả sớm. Do chưa nắm vững và áp dụng đúng quy trình trồng, chăm sóc nhãn, cộng thêm thời điểm nhãn trổ hoa gặp thời tiết lạnh, mưa nhiều nên trà nhãn sớm “mất trắng”.
Việc nhân rộng giống nhãn sớm, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc nhãn nhằm mục đích kéo dài vụ nhãn đã nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây nhãn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc chăm sóc nhãn trà sớm không hề đơn giản nên người trồng nhãn cần cân đối cơ cấu thời vụ cho phù hợp để tránh hiện tượng mất mùa.
Có thể bạn quan tâm
Liên tục trong 8 năm qua, nông dân xã Pró, Đơn Dương đã chuyển đổi diện tích 125ha lúa sang trồng cây củ năng. Thu nhập tăng lên vượt trội, nhưng người nông dân vẫn đang rất cần những mô hình liên kết thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ ổn định, lâu dài.
Nghề dệt thảm xơ dừa ở Cửu Lợi bắt đầu từ những năm 30 của thế kỷ trước. Thời điểm hưng thịnh của làng nghề là những năm sau giải phóng, khi HTX thảm xơ dừa Tam Quan Nam còn hoạt động mạnh mẽ. Bấy giờ thảm sản xuất chủ yếu xuất sang thị trường Liên Xô (cũ).
Theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng (Sở NN-PTNT), việc pha chế một số loại thuốc trừ sâu thảo mộc có tác dụng cao nhưng không ảnh hưởng xấu tới chất lượng nông sản và môi trường đang được nhiều hộ nông dân trong tỉnh quan tâm.
Mặc dù Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra đã có hiệu lực hơn 2 tháng nhưng công tác triển khai còn chậm chạp. Cả người nuôi lẫn doanh nghiệp đều lâm cảnh ngóng chờ hiệu ứng của chính sách.
Từng là cán bộ của một hợp tác xã nông nghiệp, ông Tín đã quen dần với những kỹ thuật mới về nuôi gà. Khi đã về hưu, ông tiếp tục phát triển nghề chăn nuôi này. Ông nói: “Thấy diện tích đất cát bỏ hoang hóa nhiều quá, bỏ thì phí nhưng làm mùa thì không đạt hiệu quả.