Lúa Hè thu trổ cây
Sau một lúc kiểm tra, dò xét, cánh thương lái đã từ chối thu mua toàn bộ 8 công (tầm lớn 1.300m2) lúa Hè thu, giống OM 5451 của gia đình anh Nguyễn Văn Kiên, ngụ khu vực 2, phường III. Đơn giản vì họ sợ mang về nhà máy sấy khô, bóc vỏ, rồi lau bóng hạt gạo sẽ bị nát, không bán lại được cho công ty, doanh nghiệp.
Khó tránh khỏi nguy cơ thua lỗ
Với giọng buồn rầu, anh Kiên thú thật rằng: “Nếu thương lái không đến coi chất lượng lúa trước khi thống nhất giá cả và chuẩn bị đưa máy đến thu hoạch thì tôi vẫn chưa biết được tình trạng nghiêm trọng đã xảy ra đối với ruộng lúa của mình. Bởi đứng ngoài bờ nhìn vào, đám ruộng vàng tươi, chẳng thấy một lỗ sập nên chắc chắn không ai nghĩ là hạt lúa trổ cây, hoặc bị nứt gần hết trên bông, tương đương tỷ lệ khoảng 70 - 80%”. Không có người mua nên anh Kiên dự tính sẽ thuê máy cắt, sau đó mang về sấy khô, vựa lại chờ bán cho mấy chủ chăn nuôi gia cầm để bù đắp lại khoản chi phí sản xuất, công chăm sóc hơn 3 tháng trời được “đồng nào hay đồng đó”.
Anh Kiên cho biết thêm, nhiều năm trời gắn bó với đồng ruộng thì đây là lần đầu tiên anh mới tận mắt chứng kiến một hiện tượng hy hữu như thế. Trên bông lúa vàng tươi nhưng hạt lại đâm chồi xanh mướt giống như ngâm giống gieo sạ xuống đất được 3 - 4 đêm. Bên cạnh những hạt chắt, còn nguyên vẹn chỉ đếm “trên đầu ngón tay” là số hạt no tròn bị nứt vỏ để lộ cả phần gạo trắng ngần phía trong. “Hiện nay, thời tiết mưa gió bất thường, tình hình thu hoạch khó khăn, nhất là giá lúa sụt giảm sâu. Tưởng đâu nhờ trồng giống hạt dài OM 5451 nên mới duy trì ở mức trên 4.300 đồng/kg. Nào ngờ chưa kịp vui mừng thì thương lái đã từ chối thu mua”, anh Kiên than.
Đồng nghĩa với việc anh Kiên khó tránh khỏi nguy cơ thua lỗ nặng. Ước tính, chi phí sản xuất 8 công lúa Hè thu đã vượt qua con số 8 triệu đồng. Chưa kể là trước mắt, anh Kiên phải chi khoản tiền đáng kể để thuê mướn máy cắt, vận chuyển đến lò sấy và mang về nhà vựa lại. Là người trực tiếp kiểm tra lúa ngay tại ruộng của anh Kiên, ông Phạm Hoàng Anh, ngụ ấp 1, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, cho rằng: Hơn chục năm làm nghề hàng xáo thu mua lúa khắp nơi, ông cũng chỉ mới lần đầu “mục sở thị” trường hợp lạ đời này. “Lỡ mua về nhà máy sấy khô, bóc vỏ, rồi lau bóng hạt gạo nát ra không bán được thì biết tính làm sao đây”, ông Hoàng Anh khẳng định.
Anh Kiên khá buồn rầu khi lúa nảy mầm trên những cây lúa đứng. Ảnh: LÝ ANH LAM
Có phải thuốc dưỡng bông gây ra?
Tương tự như ông Hoàng Anh, nhiều thương lái khác đến xem ruộng của anh Kiên cũng đều lắc đầu. Đặc biệt là hầu hết đều cho rằng nguyên nhân là do chủ ruộng đã phun xịt thuốc đặc trị đốm vằn, lem lép hạt kết hợp với thuốc dưỡng bông, to hạt gây ra. Bởi theo anh Kiên, cách đây khoảng nửa tháng, anh có mua thuốc dưỡng về để phun xịt rước bông lần cuối trước khi thu hoạch như thường lệ. Tuy nhiên, mấy vụ lúa vừa qua chưa bao giờ xảy ra trường hợp ngoài mong muốn giống như vụ Hè thu năm nay. “Chuyện bông lên cây, ra mộng trắng thường xuất hiện khi lúa dưới ruộng bị đổ ngã chứ đâu có kiểu đang đứng sừng sững thế này”, anh Kiên hoài nghi.
Canh tác trên cùng cánh đồng với anh Kiên nhưng anh Lê Minh Trung, ngụ khu vực 2, phường III, lại suy đoán tác nhân gây ra tình trạng trên chính là do yếu tố thời tiết mưa gió bất thường. Khi mà cách đây mấy ngày, trên 3ha lúa Hè thu, với giống OM 5451 của gia đình anh Trung đã thu hoạch xong và bán hết cho thương lái cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Thế nhưng số hạt bị nứt vỏ, lên cây trên bông chiếm tỷ lệ thấp hơn nhiều. “Chắc không phải do phun xịt thuốc dưỡng đâu mà khả năng thời tiết mưa liên tục kéo dài trong nhiều ngày làm cho độ ẩm cao nên kích thích lúa lên mộng, trổ càng ngay trên bông”, anh Trung quả quyết.
Suy luận của anh Trung hoàn toàn phù hợp với nhận định của cơ quan chuyên môn Hậu Giang. Theo ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện tượng lúa lên cây, ra rễ trắng ngay trên bông hoàn toàn là do yếu tố thời tiết gây nên. Qua ghi nhận bước đầu thì một số loại giống lúa cao sản, ngắn ngày không có thời gian ngủ nghỉ (miên trạng). Do đó, đến khi thu hoạch gặp phải thời điểm mưa gió kéo dài trong nhiều ngày, dẫn đến độ ẩm cao rất dễ xảy ra tình trạng kể trên. Tỷ lệ nhiều hay ít còn phụ thuộc vào độ chín, mức độ đổ ngã của ruộng lúa. Riêng hạt lúa nứt vỏ, cũng có thể một phần là do ảnh hưởng thuốc dưỡng bông…
Có thể bạn quan tâm
Sau hai năm thực hiện mô hình cấy và gieo thẳng lúa theo phương thức hàng rộng, hàng hẹp, nhiều nông dân Thái Bình đã thừa nhận hiệu quả của phương thức này, đó là: giảm 30% lúa giống, tăng năng suất 10%, giảm sâu bệnh và không còn dấu hiệu của bệnh vàng lùn, lùn sọc đen
Lũ bất ngờ lên nhanh khiến hàng nghìn nhà dân ở miền Trung bị ngập trong nước, giao thông bị chia cắt, đời sống khốn đốn. Tại tỉnh Quảng Trị, sáng 17/10 đã có gần 14.000 ngôi nhà bị ngập, nơi sâu nhất lên tới 2,5m
Hải Dương đã tuyển chọn và phát triển một số giống lúa chất lượng cao nhằm khuyến cáo, mở rộng diện tích giống lúa kháng rầy.
Tình trạng tôm chết xảy ra nhiều nhất trên diện tích nuôi công nghiệp ở các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Cái Nước, Phú Tân, Trần Văn Thời… với thiệt hại ước tính khoảng 20 tỷ đồng. Xã Lương Thế Trân thuộc huyện Cái Nước là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với hơn 30 ha nuôi tôm công nghiệp của 50 hộ dân bị thiệt hại hàng tỷ đồng
Sáng ngày 20/10, Bộ NN&PTNT tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện NĐ số 66/2006/NĐ-CP ngày 7/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Qua 5 năm triển khai, việc phát triển ngành nghề nông thôn ở các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế