Trồng rau cho có ăn là không khó!
Anh Đặng Văn Tuyền ở thị trấn Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), là một trong 9 hộ trồng rau cung ứng nguồn rau ổn định cho HTX SX-TM-DV An toàn - Tiện lợi.
Chắt chiu từng vụ
Anh Đặng Văn Tuyền, hộ trồng rau ở khu phố Láng Sim, thị trấn Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) cho biết, nhà anh chỉ có 2 sào đất trồng rau, nhưng chịu khó tính thật kỹ chu kỳ phát triển của từng loại rau và siêng làm đất cho tơi thoáng thì mỗi năm cũng xoay vòng được từ 10 - 11 vụ rau, thu lợi từ 10 - 14 triệu đồng/sào/vụ. “Năm 2005, gia đình tôi được hỗ trợ 50% vốn đầu tư thiết bị (làm hệ thống tưới tự động, nhà lưới) theo chương trình dự án phát triển trồng rau sạch của ngành Nông nghiệp tỉnh, được tư vấn kỹ thuật mới về gieo trồng, chăm sóc rau xanh.
Thu hoạch các vụ rau sau đó tăng thấy rõ”- anh Tuyền nói. Nhờ vậy mà 10 năm qua, anh Tuyền và các hộ trong dự án phát triển trồng rau sạch ở khu phố Láng Sim đều làm ăn khấm khá. Loại rau “truyền thống” của đất Láng Sim là xà lách, cải xanh, cải ngọt, cải thìa và rau thơm các loại, chủ yếu cung ứng cho thị trường trong tỉnh. Chỉ với giá 10.000 – 12.000 đồng/kg rau cải các loại và từ 30.000 – 50.000 đồng/kg rau thơm các loại, nguồn thu từ vài tấn rau mỗi ngày sau khi trừ chi phí đã giúp cho các hộ chịu khó tích cóp như hộ anh Tuyền mua sắm thêm máy bơm, máy phát điện, lắp đặt hệ thống tưới phun sương cho những ngày nắng… để tăng sản lượng thu hoạch và duy trì nguồn rau xanh cung ứng ra thị trường theo mối hàng ngay cả vào mùa khô hạn.
Anh Đinh Xuân Hoài, tổ 3, ấp Tân Trung, xã Châu Pha (huyện Tân Thành) cũng cho hay, với 4 sào đất, nhà anh chỉ chuyên trồng cải xà lách, hành, ngò, cũng cho nguồn thu sau khi trừ chi phí 12 – 14 triệu đồng/sào/vụ. Năm 2014, anh làm được 10 vụ, thu về 500 triệu đồng/năm/4 sào. Năm nay, anh Hoài thuê thêm mảnh đất 1.300m2, thuê thêm nhân công để mở rộng nghề trồng rau. Anh Hoài nói: “Trời cho mình ở vào cái vùng đất mưa thuận gió hòa thì phải chịu khó làm ăn. Nhất là bây giờ địa phương đã đầu tư hồ Tân Trung đầy nước, thuận lợi cho việc trồng rau. Hồi đầu năm nay, tôi vừa mua thêm máy bơm 2 ngựa, 300m đường ống, bơm nước từ hồ về tưới sướng cả tay. Hôm nào coi tiết trời khô hanh thì mình bơm về trữ ở giếng để tưới đều, nhất là cho các vạt rau sắp thu hoạch”- anh Hoài kể.
Mở rộng đầu mối tiêu thụ
Tuy nhiên, vấn đề đầu ra của sản phẩm vẫn luôn là trở ngại không nhỏ trong nghề trồng rau. Anh Hoài nói: “Hạt tiêu, hạt điều thì còn trữ được, chớ còn bó rau, ký ớt là phải bán liền, đắt rẻ gì cũng phải bán. Nhiều hôm rau dội chợ nhìn cả vạt rau không nhổ được cứ vàng vọt đi mà buồn”. anh Hoài cho biết thêm, hiện nay các hộ dân đều tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Ngoài cung ứng về chợ đầu mối, nhiều hộ dân đi chào hàng cho các nhà hàng lớn, các mối bán rau cho ghe đi biển. Anh Nguyễn Văn Từ, một hộ trồng rau khác ở ấp Tân Trung nói: “Tuy nhiên, số tiêu thụ theo đường này không nhiều. Chúng tôi rất muốn đưa rau vào bán ở siêu thị nhưng chưa biết cách nào để vào được”.
Khác với các hộ trồng rau ở xã Châu Pha, một số hộ dân ở thị trấn Phước Bửu đã tham gia và được bao tiêu một phần sản phẩm qua HTX SX-TM-DV An Toàn - Tiện Lợi do bà Nguyễn Thị Mai Phương làm chủ nhiệm. Mô hình hoạt động của HTX khá đơn giản, nhưng hiệu quả: Đặt hàng và thu mua mỗi ngày rau xanh của 9 xã viên HTX, và cung ứng thẳng cho người tiêu dùng, các cơ sở du lịch, bếp ăn tập thể.
Bà Phương cho hay, HTX đã nhập dây chuyền sơ chế và bảo quản rau an toàn công suất 1 tấn/ngày từ Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN-PTNT). Thực phẩm sau sơ chế được đóng gói, trữ ở hệ thống kho làm mát và cung ứng đến tận tay các bà nội trợ, các nhà trẻ, nhà hàng, các khu du lịch trên địa bàn huyện. Phương thức thu mua, sơ chế và bảo quản rau an toàn theo mô hình này không chỉ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn giúp gia tăng giá trị hàng hóa của các loại rau xanh đang trồng tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Cũng từ đây các cán bộ di truyền giống đã lai tạo chọn lọc thành công một giống lúa cao sản ngắn ngày, trồng được ba vụ trong năm trong tất cả các vùng sinh thái đồng bằng: hạt rất dài (> 7,5 mm), chất lượng cơm không thua kém các giống lúa mùa địa phương quang cảm ở thượng nguồn Mekong (Thái Lan, Campuchia).
Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc, hóa chất xử lý môi trường ao nuôi cũng thường xuyên hơn trong suốt vụ nuôi. Tuy nhiên, người ta chưa quan tâm các ảnh hưởng của nó đến sức khỏe người sử dụng và có những biện pháp phòng trừ.
Hơn 150 con bò sữa nhập ngoại cùng hơn 2 tỉ đồng kinh phí hỗ trợ phát triển đã được đổ về thí điểm ở 4 huyện gồm Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng và Thanh Liêm. Đến năm 2006, đàn bò sữa ở Hà Nam đã có lúc tăng lên gần 400 con.
Hơn 1.100 ha bãi triều nuôi ngao của tỉnh Thanh Hóa với sản lượng hàng năm khoảng hơn 15.000 tấn đã đem lại thu nhập cao cho nhiều ngư dân của tỉnh. Thế nhưng, từ đầu năm 2013 trở lại đây, đầu ra cho con ngao xuống thấp khiến cho nghề nuôi ngao gặp nhiều khó khăn.
Nói đến Lục Ngạn (Bắc Giang) không thể không nhắc đến cây vải thiều. Tuy không phải là quê hương của cây vải tổ nhưng Lục Ngạn lại là nơi trồng vải thiều nhiều nhất nước và có kỹ thuật canh tác cũng vào loại chuyên nghiệp nhất. Trong 22.000 ha cây ăn quả các loại của huyện, vải thiều chiếm đến 18.000 ha.