Sơn tra, vối thuốc- hai loại cây cần phát triển ở vùng cao
Với mục tiêu tận dụng đất đai, tăng thu nhập trên diện tích rừng mà không ảnh hưởng, có hại đối với sinh trưởng và phát triển hệ sinh thái rừng; góp phần bảo đảm an ninh môi trường, giảm nhẹ thiên tai, tăng khả năng sinh thuỷ, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học của động, thực vật rừng; tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác nhận khoán bảo vệ rừng, hạn chế tối đa cháy rừng xảy ra trong mùa hanh khô hàng năm. Dự án trồng cây sơn tra, cây vối thuốc trong rừng phòng hộ được triển khai tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giai đoạn 2016 - 2020 sẽ mở ra hướng đi mới trong công cuộc xoá đói giảm nghèo cho người dân.
Theo kế hoạch, tổng diện tích trồng cây sơn tra đến năm 2020 trên địa bàn huyện Trạm Tấu là gần 2.000ha, huyện Mù Cang Chải là trên 3.000ha; ước tính đến năm 2020 cung cấp cho thị trường từ 2.000 - 3.000 tấn quả, nâng mức thu nhập từ diện tích rừng phòng hộ có trồng cây sơn tra lên 80 triệu đồng/ha đồng thời giảm đến mức thấp nhất tình trạng cháy rừng trong mùa khô hanh.
Ông Đinh Thanh Ba - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu cho biết: “Với đặc thù của huyện vùng cao, địa hình bị chia cắt bởi các dãy núi cao và suối sâu, độ dốc lớn, diễn biến thời tiết phức tạp, mùa khô hanh thường kéo dài từ tháng 10, 11 năm trước đến tháng 4, 5 năm sau, trình độ dân trí thấp, diện tích ruộng nước bình quân đầu người ít, tập quán canh tác lạc hậu, tình trạng chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy vẫn còn khá phổ biến ở một số xã vùng sâu, bởi vậy năm nào trên địa bàn huyện cũng xảy ra tình trạng cháy rừng vào mùa khô hanh. Huyện xác định việc bảo vệ, giữ rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng không những bởi rừng điều hòa, ổn định khí hậu, giữ nước, bảo vệ mùa màng mà lợi ích từ kinh tế rừng đem lại cũng góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân.
Chính bởi vậy, khi nhận được kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái về việc triển khai Dự án trồng cây vối thuốc, cây sơn tra trong rừng phòng hộ trên địa bàn huyện, đơn vị đã xây dựng kế hoạch trình UBND huyện, tham khảo và xin ý kiến các ngành chức năng của huyện, đồng thời phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát diện tích rừng sơn tra hiện có, diện tích trồng bổ sung trong rừng tự nhiên nghèo kiệt và diện tích trồng trên đất trống quy hoạch rừng phòng hộ tại các xã nằm trong Dự án được triển khai”.
Theo đó, tổng diện tích chăm sóc và cải tạo rừng sơn tra hiện có được thực hiện tại 5 xã là: Bản Mù 238ha, Bản Công 170ha, Xà Hồ 200ha, Làng Nhì 90,3ha và Tà Xi Láng 110ha, tổng diện tích là 808,3ha. Tổng diện tích trồng xen cây sơn tra trên đất rừng phòng hộ là 990,1 ha, được thực hiện tại 6 xã là: Bản Mù 262,7ha, Bản Công 53,4ha, Xà Hồ 171,2ha, Trạm Tấu 109,8ha, Pá Lau 144,4ha và xã Làng Nhì là 248,6 ha. Tổng diện tích trồng trên đất trống quy hoạch cho phòng hộ là 180ha, được thực hiện tại 2 xã: Bản Mù 80ha và xã Tà Si Láng 100ha. Đồng thời, xác định các hạng mục đầu tư chăm sóc, cải tạo diện tích rừng sơn tra hiện có, trồng mới bổ sung trong diện tích rừng tự nhiên phòng hộ; xây dựng 5 vườn ươm sản xuất giống cây lưu động tại các xã: Bản Mù, Bản Công, Trạm Tấu và Làng Nhì để sản xuất cây giống tại chỗ phục vụ nhân dân trồng rừng nhằm giảm bớt chi phí vận chuyển cây giống và nâng cao chất lượng cây giống sản xuất tại vườn ươm.
Trên cơ sở đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện đã tiến hành các buổi họp tại những xã thực hiện Dự án để tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương hiểu rõ lợi ích từ việc trồng cây sơn tra, cây vối thuốc đối với môi trường và cuộc sống của nhân dân. Tiến độ thực hiện: năm 2016 chăm sóc, cải tạo 808,3ha rừng sơn tra hiện có; năm 2017 sẽ tiến hành trồng mới bổ sung trong diện tích rừng tự nhiên phòng hộ tại xã Bản Mù 262,7ha, trồng mới trong diện tích đất trống quy hoạch phòng hộ 180ha; năm 2018 trồng mới bổ sung trong diện tích rừng tự nhiên phòng hộ tại xã Bản Công, Xà Hồ là 224,6ha, chăm sóc rừng phòng hộ năm 2 là 180ha; năm 2019 trồng mới bổ sung trong diện tích rừng tự nhiên phòng hộ tại xã Pá Lau, xã Trạm Tấu là 254,2ha, chăm sóc rừng trồng phòng hộ năm 3 là 180 ha; năm 2020 trồng mới bổ sung trong diện tích rừng tự nhiên phòng hộ tại xã Làng Nhì là 248,6 ha, chăm sóc rừng phòng hộ năm 4 là 180ha; thời gian trồng vụ hè thu từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm.
Theo kế hoạch, năm 2017 xã Bản Mù sẽ được trồng mới bổ sung trong diện tích rừng tự nhiên phòng hộ với diện tích tương đối lớn: 262,7 ha cây sơn tra, cây vối thuốc. Ông Sùng A Lù - Chủ tịch UBND xã Bản Mù cho biết: “Nhận thức rõ lợi ích và tầm quan trọng của cây sơn tra, cây vối thuốc, sau khi nhận được kế hoạch của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu, xã đã tiến hành khảo sát diện tích thực địa, lựa chọn địa điểm thuận lợi để làm vườn ươm cây giống, phối hợp cùng cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện tiến hành tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu được lợi ích của cây sơn tra, cây vối thuốc. Trước mắt là vận động nhân dân nâng cao ý thức trong việc giữ rừng bằng việc giao khoán cho nhân dân chăm sóc, bảo vệ, khai thác diện tích rừng sơn tra hiện có; khi có kế hoạch trồng mới sẽ tiến hành và tiếp tục giao khoán cho người dân chăm sóc, bảo vệ và khai thác giá trị kinh tế của diện tích rừng sơn tra trồng mới bổ sung".
Cũng giống như Bản Mù, theo kế hoạch, năm 2018, xã Bản Công sẽ tiến hành trồng bổ sung trong diện tích rừng tự nhiên phòng hộ là 50 ha, trồng dưới tán rừng là 50 ha và trồng 20 ha sơn tra mắt ghép và cây vối thuốc. Ông Hoàng Minh Thuật - Phó chủ tịch UBND xã Bản Công cho biết: Với đặc điểm về vị trí tương đối thuận lợi, gần trung tâm thị trấn song do diện tích đất rừng của địa phương ít nên kế hoạch của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện giao không nhiều. Nhiều năm qua, địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia giữ rừng và bảo vệ rừng tương đối tốt, lợi ích từ kinh tế rừng đã giúp cho người dân đáng kể trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Khi nhận được kế hoạch giao, xã đã phối hợp cùng cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện tiến hành xây dựng vườn ươm với diện tích 5ha tại xã để ươm cây giống, phối hợp cùng Tổ chức Nông lâm Thế giới xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Hiểu được ý nghĩa mục đích và lợi ích mà kinh tế rừng mang lại, nhiều hộ dân còn đăng ký thêm để trồng song do diện tích có hạn nên cũng chỉ giới hạn ở kế hoạch được giao.
Dự án trồng cây sơn tra, vối thuốc trong rừng phòng hộ giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai trên địa bàn 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ là đơn vị đầu mối giúp 2 huyện thực hiện có hiệu quả Dự án, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh đã phối hợp với 2 địa phương hoàn thiện việc chỉnh sửa Dự án lần 2 để xin ý kiến thẩm định của Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trước khi tiếp tục hoàn thiện Dự án trình UBND tỉnh phê duyệt.
Theo ông Đào Công Trình - Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp tỉnh thì khi Dự án được triển khai sẽ có có hiệu quả to lớn về mặt xã hội, môi trường và kinh tế đối với người dân 2 huyện vùng cao đặc biệt khó khăn này.
Có thể bạn quan tâm
Tỉnh Cà Mau hiện có diện tích tự nhiên là 529.488ha, trong đó diện tích nuôi tôm 266.000ha (chiếm 40% cả nước, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long).
Huyện Bát Xát hiện có 280,5 ha nuôi thủy sản. Trong đó, diện tích cá nước ấm trên 278 ha (gồm 17,3 ha nuôi thâm canh; 30,2 ha nuôi bán thâm canh; 111,3 ha nuôi quảng canh cải tiến và 119,73 ha nuôi theo hình thức quảng canh), tập trung chủ yếu ở các xã: Cốc San, Quang Kim, Bản Qua, thị trấn Bát Xát. Diện tích nuôi cá nước lạnh gần 2 ha, tập trung tại xã Y Tý và xã Dền Sáng.
Để giải quyết những tồn tại của ngành cá ngừ, giúp ngành này phát triển xứng với tiềm năng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Dự thảo Đề án tổ chức, khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Với đề án này, tỉnh Khánh Hòa sẽ là trung tâm giao dịch cá ngừ của cả nước.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát và phối, kết hợp giữa các ngành, các đơn vị và chính quyền địa phương cùng với sự chủ động sáng tạo của người nuôi nên nhìn chung các chỉ tiêu kế hoạch nuôi trồng thủy sản trong năm 2014 đạt khá.
Cùng lãnh đạo thôn Kép, xã Việt Tiến (Việt Yên) đi một vòng quanh trang trại chăn nuôi của gia đình ông Hà Chuẩn Chinh thuộc địa bàn thôn cho thấy, từ xa đã bốc lên mùi xú uế nồng nặc. Màu nước thải đen ngòm của trang trại chảy ra kênh mương, đồng ruộng liền kề.