Nhân Rộng Mô Hình Trồng Ngô Chịu Hạn Ở Bình Liêu (Quảng Ninh)
Với đặc điểm có diện tích đất trồng lúa và hoa màu chiếm tỉ lệ thấp, đa số đều là đất đồi cằn cỗi, một số nơi thường xuyên khô hạn, dinh dưỡng của đất thấp nên ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng cây trồng. Để tìm được cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai như vậy luôn là bài toán khó.
Đầu năm 2012, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) quyết định đưa mô hình trồng thâm canh ngô chịu hạn vụ Xuân vào thực hiện tại thôn Bản Ngày I, xã Vô Ngại với 2 loại giống LVN 61 và VN 8960 của Công ty Tư vấn và Đầu tư - Phát triển ngô (Viện Nghiên cứu ngô) với mục đích chọn được giống ngô chịu hạn phù hợp với địa phương để phát triển vùng trồng ngô theo hướng hàng hoá để phục vụ chăn nuôi và đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Khi mô hình thành công sẽ nhân ra diện rộng vào các năm tiếp theo.
Mô hình được tiến hành từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2012, tại thôn Bản Ngày I, xã Vô Ngại có diện tích 4 ha với 45 hộ đăng ký tham gia. Hộ thực hiện nhiều nhất là gia đình ông Trần Đức An với trên 3.000 m2, hộ thực hiện ít nhất là gia đình ông Trần Văn Lỵ 300 m2. Để việc trồng ngô của bà con đúng quy trình nhằm phát huy hiệu quả, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tiến hành tập huấn cho 45 hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình về đặc tính của giống, thời vụ trồng, cách chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại.
Trong suốt quá trình từ trồng cho đến thu hoạch Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều cử cán bộ chuyên môn phối hợp với cán bộ xã Vô Ngại và thôn Bản Ngày I theo dõi sát sao và hướng dẫn cụ thể từng bước thực hiện cũng như kịp thời kiểm tra sâu bệnh hại. Đồng thời cung cấp vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kịp thời nên kết quả thực hiện mô hình rất khả quan. Tổng thời gian sinh trưởng của giống VN 8960 và LVN 61 trong mô hình là 142 ngày, nhiều hơn các giống địa phương 17 ngày và quy định giống ở các vùng khác là 12 ngày do vụ xuân 2012 gặp rét đậm kéo lâu ngày. Khả năng chống đổ rất tốt do thân cây cứng và to khoẻ không bị đổ. Khả năng chống chịu tốt đối với khí hậu, thời tiết xấu và sâu bệnh hại ở vùng cao như Bình Liêu.
Hiệu quả của cây ngô LVN 61 và VN 8960 chịu hạn tại xã Vô Ngại đang là một mô hình điểm để nhân rộng ra những vùng khác trên địa bàn toàn huyện Bình Liêu. Qua thực tế, đây là giống ngô thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của vùng núi nói chung và đặc biệt là các vùng đồi núi, khô hạn ở Bình Liêu nói riêng. Từ trước đến nay, ở Bình Liêu các giống ngô năng suất chỉ đạt từ 3 đến 3,2 tấn/ha, tuy nhiên, giống ngô LVN 61 và VN 8960 đã được xác định là cho năng suất trung bình ở đây đạt 4,4 đến 5,2 tấn/ha. Đặc biệt là giống ngô đã chịu được hạn, phù hợp với các chân đất thiếu nước, đáp ứng được chuyển đổi cơ cấu mùa vụ.
Ông Trần Đức An cư trú tại xã Vô Ngại, cho biết: “Năm nay nhà tôi trồng giống ngô LVN 61 và VN 8960 thấy bắp to, hạt đều kín và năng suất hơn một số giống ngô khác đã trồng trước đó. Một trong những ưu điểm nổi bật của giống ngô này đó là, khả năng chịu hạn rất tốt, phù hợp với những vùng đồi, ruộng không có nước, phải chuyển đổi mùa vụ của chúng tôi… Hy vọng sau đợt trồng thí điểm này thì giống ngô chịu hạn LVN 61 và VN 8960 sẽ được nhân rộng trên địa bàn của huyện, giúp người dân có thêm một nguồn lợi kinh tế”.
Có thể bạn quan tâm
Cách đây 6 năm, khi ấy mắc ca còn là cây trồng xa lạ đối với nhà nông thì anh Nguyễn Văn Thạch, tổ 17, phường 2, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã mạnh dạn trồng 5 ha xen lẫn với cà phê.
Đất trồng chè phải có phản ứng chua, pH tốt nhất là 5,0 - 5,5; pH > 6 thì không nên trồng chè vì khi pH > 7 thì chè có thể bị chết, pH < 4 thì chè phát triển rất kém.
Hưởng ứng Tuần lễ Nước Quốc tế, từ ngày 23 -28/8, mạng thông tin toàn cầu của Tập đoàn Nestlé có trụ sở ở Vevey (Thụy Sỹ) đã đăng tải thông tin ghi nhận sáng kiến của nông dân Việt Nam trong việc giúp tiết kiệm nước trong việc trồng cà phê.
Theo kế hoạch, trong năm 2015, tỉnh Bình Định sẽ xây dựng thành công thương hiệu “Bò Bình Định”.
Vụ HT 2015, Cty CP Đầu tư thương mại và phát triển nông nghiệp ADI triển khai mô hình SX giống lúa thuần ADI30 (quy mô 1 ha) tại xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu (Nghệ An) được nông dân đánh giá cao.