Nhân Lực Hái Cà Phê Ở Tây Nguyên Thiếu Trầm Trọng
Niên vụ thu hoạch cà phê năm nay, bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên không chỉ buồn vì cà phê mất mùa, mất giá… mà còn đứng trước tình cảnh không thuê được nhân công thu hoạch vì khan hiếm.
Tìm hiểu về vấn đề này, một số người dân trồng cà phê tại huyện Krông Cư Kuin (Đăk Lăk) cho biết, để thu hái cà phê chính vụ, mỗi hecta phải tốn từ 60 - 70 ngày công. Vì vậy, mỗi hộ dân phải thuê thêm từ 4 - 5 lao động/ngày để thu hái cho kịp thời vụ và tránh mất trộm cà phê.
Ông Bùi Văn Thanh - xã Ea Wi - chia sẻ: Nhà có 7 sào cà phê đang vào mùa thu hoạch rộ. Năm nay, nông dân chúng tôi làm ăn thua lỗ nặng, ngoài việc cà phê mất mùa, mất giá, thì hiện nay gia đình nào cũng không thuê được người hái cà phê. Nhân công thời điểm này lên tới 180.000 - 200.000 đồng mà cũng không thuê được. Biết là cà phê mất giá nhưng không hái không được vì để lâu quả chín rụng hết.
Cũng chung tình cảnh như các hộ dân ở Cư Cuin, ông Lê Văn Thân - xã Hòa Đông, huyện Krông Păk - chia sẻ: “Thời điểm này mọi năm, gia đình tôi đã thuê được 7 nhân công, đủ để thu hái 2 ha cà phê, nhưng đến nay, tôi vẫn chưa tìm được ai. Năm ngoái, gia đình tôi thuê nhân công thu hái cà phê khoảng 150.000 - 160.000 đồng/người/ngày, nay tăng lên 180.000 đồng/người/ngày, mà cũng chỉ tìm được 2 người từ quê Thanh Hóa vào”.
Tỉnh Đăk Nông cũng vậy. Niên vụ 2013 - 2014, toàn tỉnh có gần 80.000 ha cà phê, với sản lượng ước đạt trên 120.000 tấn và phải tập trung thu hoạch chỉ trong vòng 1 - 2 tháng, vì vậy, lượng nhân công cần lên đến hàng trăm ngàn người. Cùng thời điểm này năm ngoái, giá thuê nhân công bao ăn chỉ từ 150 - 160.000 đồng, nhưng năm nay, giá dao động từ 180 - 190.000 đồng, thậm chí ở xã Đăk Búk So, huyện Tuy Đức, người dân phải trả 200.000 đồng/người/ngày.
Nhiều vườn cà phê đã chín rộ nhưng không ít nhà vườn vẫn chưa tìm được nhân công thu hái. Bởi vậy, ngoài việc cà phê mất mùa, mất giá, nhiều nông dân lo lắng bởi nguy cơ mất cắp và tiêu hao sản lượng do cà phê chín rụng không thu hái kịp. Theo ông Lê Thanh Trúc - xã Cư Jut, tỉnh Đăk Nông: “Đến thời điểm này, chúng tôi không tìm được người thu hoạch cà phê, mặc dù giá thuê cao hơn mọi năm nhưng vẫn khan hiếm. Nhiều gia đình phải nhờ bà con ở quê vào hái giùm nhưng cũng chỉ ít gia đình thu xếp được…”.
Tại các địa phương ở Tây Nguyên đang xuất hiện một “thị trường lao động” phức tạp. Bên cạnh việc người dân các nơi đến làm thuê chân chính, một số người câu kết, tạo đường dây làm ăn bất chính, lừa đảo, phát sinh tình trạng trộm cắp và các hiện tượng tiêu cực khác.
Có thể bạn quan tâm
Theo Trạm thú y Đắk Mil, toàn huyện hiện có gần 44.000 con gia súc, gia cầm các loại. Thời điểm này, để chủ động phòng bệnh cho vật nuôi, đội ngũ thú y các xã đang tích cực tiêm phòng các loại vắc xin.
Thời điểm này, nông dân trồng đậu phộng trên địa bàn huyện Lấp Vò đang bước vào kỳ thu hoạch rộ, năng suất đạt từ 30-35 giạ/công, giá bán hiện tại ở mức ổn định 255.000 đồng/giạ. Nhiều nông dân cho biết, với giá này có thể thu lợi nhuận từ 3-4 triệu đồng/công.
Hiện dâu được nhà vườn bán cho thương lái với giá dao động từ 6 ngàn đến 11 ngàn đồng/kg, tùy theo loại.
Anh Trần Duy Hùng ở xóm 10, xã Diễn Thành là người có thâm niên trồng cây dưa hấu từ năm 2002 đến nay trong huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Lô vải quả tươi đầu tiên từ Việt Nam đã được đưa đến Canada bằng đường hàng không vào tối 10/6.