Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Các Mô Hình Do Dự Án VAC Xây Dựng Đều Có Thể Nhân Rộng

Các Mô Hình Do Dự Án VAC Xây Dựng Đều Có Thể Nhân Rộng
Ngày đăng: 25/12/2013

Tại Hội nghị tổng kết 3 năm triển khai và thực hiện dự án VAC ngày 5/1/2007 tại TP. Hồ Chí Minh, GS.TS Hà Minh Trung, Trưởng Ban quản lý dự án (Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam) cho biết, từ khi thực hiện đến nay, dự án đã xây dựng được hàng chục mô hình vườn cây ăn quả (CAQ) tiêu biểu trên diện tích 360,02 ha, trong đó 1/3 đã cho thu hoạch.

Đây sẽ là nguồn thu nhập lâu dài của các hộ tham gia dự án và là nơi tham quan học tập nghề vườn ở mỗi địa phương. Hiện có khoảng 780 hộ bước đầu có thu nhập hơn 700 triệu đồng từ vật nuôi và CAQ.

Cũng theo GS.TS Trung, tuỳ theo điều kiện tự nhiên của từng vùng mà dự án xây dựng theo ba loại mô hình tiêu biểu: Mô hình cải tạo vườn tạp và phát triển VAC miền núi, VAC hàng hoá và mô hình hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm VAC.

Năm đầu tiên, dự án đã xây dựng 31 mô hình VAC tiêu biểu tại 30 tỉnh, trong đó có 20 mô hình cải tạo vườn tạp và VAC miền núi; 8 mô hình VAC hàng hoá ở Lào Cai, Hà Tĩnh, Hà Tây, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Kiên Giang; 3 mô hình tiêu thụ sản phẩm VAC tại Bắc Giang, Ninh Thuận.

Từ năm thứ hai trở đi, cán bộ kỹ thuật của dự án và các địa phương thường xuyên “thăm viếng”, giúp nhà nông áp dụng đúng, hợp lý kỹ thuật chăm sóc và phát triển vườn CAQ. Tận dụng những khu đất trống, cán bộ dự án còn khuyến khích bà con chăn nuôi gà thả vườn, lợn, thỏ… để tăng thu nhập và tạo nguồn phân bón cho cây trồng.

Đến nay, dự án đã trồng mới và trồng bổ sung nhiều giống cây, loại cây và thiết kế lại vườn cho 20 mô hình cải tạo vườn tạp, 8 mô hình VAC hàng hoá. Cơ cấu giống CAQ chủ yếu là sạch bệnh lấy từ các viện nghiên cứu, trung tâm cây giống thuộc Bộ Nông nghiệp &PTNT như cam sành Nam Bộ, cam sành Hà Giang, quýt Lai Vung, bưởi Năm Roi, sầu riêng hạt lép Bến Tre, nho xanh Ninh Thuận…

Tỷ lệ cây trồng sống đến năm thứ ba phần lớn đạt hơn 90%, có vườn đạt 100% như ở Hà Nam, Kiên Giang, Vĩnh Long. Riêng một số mô hình ở Thanh Hoá và Đắk Lắk, do hạn hán kéo dài, vườn cây thiếu nước nên tỷ lệ sống chỉ đạt 50%. Các tỉnh Hội đã tích cực vận động nhà nông mua cây giống trồng bổ sung, nhờ vậy vẫn giữ được tỷ lệ cây trong vườn đạt trên 70%.

Việc bảo vệ, chăm sóc cây trồng cũng được chú ý nên mức độ sâu bệnh hại cây không đáng kể. Bà con bước đầu biết sử dụng các biện pháp bảo vệ thực vật an toàn như kỹ thuật bao trái bưởi, xoài… bằng bao giấy Đài Loan do Trung tâm Tư vấn Phát triển Nông nghiệp nông thôn (Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam) thực hiện lần đầu tiên tại HTX sản xuất và kinh doanh xoài Cát Chu và xoài Hoà Lộc ở Cao Lãnh - Đồng Tháp. Dùng bao giấy này vừa bảo vệ quả khỏi dịch hại, vừa làm cho quả có mẫu mã đẹp nên giá bán cao hơn so với xoài bình thường (đạt 7.000 - 8.000 đồng /kg).

Đối với các mô hình tiêu thụ sản phẩm VAC, điển hình phải kể đến tổ tiêu thụ nho Ninh Thuận. Mô hình được xây dựng vào cuối năm 2004, gồm 52 hội viên, với diện tích 8, 2ha. Ngay từ ngày đầu thành lập, tổ đã hướng dẫn hội viên phân loại quả, kiểm tra chất lượng trước khi đóng gói, giúp bà con đăng ký tên gọi xuất xứ. Hiện nay, bình quân mỗi ngày tổ đóng gói tiêu thụ 2 – 3 tấn, cá biệt có ngày lên đến 6 tấn.

Ngoài mô hình CAQ, mô hình chăn nuôi được thực hiện trong dự án cũng đã thành công ngoài mong đợi. Hiện có 25 mô hình, trong đó có 20 mô hình nuôi gà thả vườn, 4 mô hình nuôi lợn nái hướng nạc, 1 mô hình nuôi thỏ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Trìu, Chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, nhấn mạnh: “Dự án VAC đã có vai trò tích cực trong việc tăng thu nhập cho hội viên, nông dân và cải thiện môi trường. Số hộ tham gia dự án lên tới 780 hộ, vượt 160 hộ so với dự kiến ban đầu.

Việc xây dựng mô hình CAQ và chăn nuôi tiêu biểu tới đây sẽ được mở rộng lên khoảng 808 hộ. Như vậy, có thể thấy sức ảnh hưởng của dự án là khá lớn, hầu hết các mô hình đã xây dựng đều có thể nhân ra diện rộng. Đây sẽ là nền tảng để các địa phương có thể tận dụng lợi thế, phát triển thành những vùng chuyên canh, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, số lượng lớn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường”.


Có thể bạn quan tâm

Rơm Rạ Được Mùa, Trúng Giá Rơm Rạ Được Mùa, Trúng Giá

Trong khi nhiều nông dân ở các địa phương khác phải đốt rơm rạ ngay tại ruộng sau khi thu hoạch xong lúa để chuẩn bị dọn đồng, làm đất xuống giống cho vụ mùa tới thì tại các xã Vĩnh Xuân, Thiện Mỹ (Trà Ôn - Vĩnh Long), nhiều nông dân phấn khởi vì rơm rạ ngoài đồng được thương lái đến thu mua với giá khá cao, từ 1 triệu đồng/ha trở lên.

13/02/2015
Xung Quanh Thông Tin Về Rau An Toàn Ba Chữ Đừng Để Người Nông Dân Chịu Thiệt Xung Quanh Thông Tin Về Rau An Toàn Ba Chữ Đừng Để Người Nông Dân Chịu Thiệt

Những ngày qua, sau khi có thông tin về Công ty TNHH Sản xuất Chế biến rau an toàn (RAT) Ba Chữ (gọi tắt là Công ty Ba Chữ), xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội lấy rau không rõ nguồn gốc bán cho các siêu thị, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, làm rõ sự việc.

13/02/2015
Một Nông Dân Chế Tạo Máy Xịt Thuốc Một Nông Dân Chế Tạo Máy Xịt Thuốc

Ông Phạm Văn Trung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Lưu (Trảng Bàng - Tây Ninh) đưa chúng tôi đến ấp Phước Giang thăm gia đình ông Nguyễn Huỳnh Hắng (sinh năm 1963), một nông dân đã sáng chế và đang vận hành thử nghiệm máy xịt thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên ruộng lúa.

13/02/2015
Nông Dân Tích Cực Chăm Sóc Dưa Hấu Tết Nông Dân Tích Cực Chăm Sóc Dưa Hấu Tết

Hiện nay, nông dân trồng dưa hấu phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh đang ra sức chăm sóc những rẫy dưa với hy vọng có được vụ mùa bội thu. Qua khảo sát, trong vụ dưa hấu tết năm nay đa phần nông dân đều lựa chọn trồng giống dưa chất lượng cao, thẩm mỹ đẹp và được thị trường ưa chuộng.

13/02/2015
Làm Trang Trại Xanh Làm Trang Trại Xanh

Ông Phan Văn Minh, chủ trang trại trồng các loại đặc sản quýt đường, cam xoàn, sầu riêng, măng cụt tại ấp 4, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) là một nông dân có nhiều ý tưởng mới vì không ngại thử nghiệm những mô hình mới và là người đam mê sáng chế, tự cải tiến, chế tạo nhiều máy móc, dụng cụ trong nông nghiệp.

13/02/2015