Nhà Vườn Trồng Thanh Long Đang Cần Hỗ Trợ
Nếu xét về ưu thế, Trà Vinh cũng như các tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây thanh long ruột đỏ (thanh long), nhất là từ khi dự án ngọt hóa Nam Mang Thít đưa vào sử dụng.
Tuy hiện nay trồng thanh long đã có phong trào mạnh, nhưng các cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo nhà vườn về bài học “cung” lớn hơn “cầu”, về giá cả đầu ra mà các tỉnh, thành bạn đã và đang gặp phải nhiều khó khăn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), toàn tỉnh hiện có gần 100ha thanh long. Trong đó, diện tích cho trái chiếm khoảng 70%, năng suất từ 18-22 tấn/ha/năm, được trồng tập trung tại các huyện Càng Long (gần 60ha) và rải rác ở Cầu Kè, Châu Thành và Tiểu Cần. Đặc biệt, có gần 23ha thanh long của Hợp tác xã (HTX) Thanh long ruột đỏ xã Đức Mỹ, huyện Càng Long đã được chứng nhận VietGAP.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, giống thanh long được trồng trên địa bàn tỉnh hiện nay là thanh long Long Định 1. Đây là loại giống tốt, trọng lượng từ 0,35-0,8 kg/trái, trái có hình dáng đẹp, năng suất, chất lượng cao và đạt chuẩn xuất khẩu. Cây cho trái 01 năm sau khi trồng, năng suất từ 06-10 kg/trụ/năm, cây 02 năm tuổi năng suất đạt 10-12kg/trụ/năm và cây sau 03 năm tuổi trở lên đạt từ 25-30 kg/trụ/năm (sản lượng tương đương 20-25 tấn/ha/năm).
Thực tế, đối với thổ nhưỡng của tỉnh, thanh long dễ trồng, cho trái quanh năm, thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, sinh trưởng tốt, ra hoa tập trung, tỷ lệ đậu trái cao và ruột màu đỏ, khi ăn có mùi thơm, vị ngọt đặc trưng, vỏ mỏng hơn trái thanh long thường nên hiện nay đang được người tiêu dùng ưa chuộng.
Với chức năng và nhiệm vụ của ngành, những năm qua, Sở NN-PTNT luôn chú trọng chuyển giao khoa học-kỹ thuật trên cây trồng vật nuôi. Riêng đối với cây thanh long, Sở đã chỉ đạo Hội Làm vườn, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật trồng thanh được 09 lớp cho 405 lượt nông dân; chỉ đạo các bộ phận chuyên môn trực thuộc tổ chức tuyển chọn những hộ trồng thanh long giỏi tham gia “Hội thi trái ngon, an toàn” khu vực Nam bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh và “Hội thi trái ngon” tại tỉnh Tiền Giang, tham dự Festival Cần Thơ, MDEC Vĩnh Long, “Hội chợ giống nông nghiệp” tại Thành phố Hồ Chí Minh…
Qua đó, đã đạt 01 giải nhất, 03 giải nhì, 02 giải ba và 02 giải khuyến khích. Thông qua đó, tạo điều kiện cho các nhà vườn giao lưu học hỏi, tiếp cận tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong trồng và chăm sóc thanh long cũng như nắm bắt cơ hội, tìm đầu ra cho trái thanh long.
Sở cũng đã chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn tập huấn, hướng dẫn các hộ nông dân xây dựng tổ hợp tác và HTX phù hợp với Luật Hợp tác xã năm 2012; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Phòng NN-PTNT của các huyện tạo điều kiện cho nhà vườn trồng thanh long tham gia các kỳ hội chợ, hội thảo các buổi tọa đàm về kỹ thuật, cách xử lý ra hoa cũng như phòng trừ dịch bệnh và liên kết chuỗi được tổ chức trong và ngoài tỉnh.
Từ những thuận lợi trên, đến nay cây thanh long hoàn toàn có đủ các điều kiện phát triển. Đặc biệt, Trà Vinh là vùng đất phù sa có thể trồng cây ăn trái trên 30.000ha, trong đó có thể phát triển diện tích thanh long từ 4.000-5.000ha, có đủ điều kiện về mọi mặt để thực hiện cho thanh long ra hoa rải vụ quanh năm nhưng vẫn đạt năng suất cao, nhưng với điều kiện là thị trường đầu ra phải ổn định.
Dự án Nam Mang Thít đã được khép kín, hoàn chỉnh, đảm bảo nguồn nước sông không nhiễm mặn và có thể cung cấp nguồn nước mặt dồi dào đủ để tưới trong mùa nắng cũng như thoát nước trong mùa mưa và hầu hết các địa phương trồng thanh long đều có mạng lưới điện quốc gia phủ kín, giao thông thủy, bộ thuận lợi.
Đặc biệt, các nhà vườn trồng thanh long trong tỉnh đã tích lũy được kinh nghiệm trong sản xuất cây giống, kỹ thuật trồng và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Thêm nữa trong thời gian gần đây các Sở, ngành trong tỉnh đã chú ý, bước đầu hỗ trợ nông dân nghiên cứu, đánh giá tính thích nghi và xây dựng thương hiệu VietGAP đối với trái thanh long.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, hiện nay nhà vườn thanh long đang gặp phải những khó khăn nhất định. Đó là, diện tích thanh long hiện nay chủ yếu do trồng tự phát, quy mô nhỏ, phân tán, nhận thức của nhà vườn về sản xuất hàng hóa và tiêu thụ có hợp đồng bao tiêu sản phẩm lâu dài, bền vững chưa thật thấu đáo.
Cái khó nhất hiện nay là tỉnh chưa đưa cây thanh long vào quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, nên chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể, nhà vườn thiếu thông tin về thị trường, giá đầu ra thường bấp bênh, việc gắn kết công đoạn sản xuất-thu mua chỉ mới bắt đầu, kết quả còn rất khiêm tốn và chưa được tổ chức chặt chẽ.
Đặc biệt, cơ sở bảo quản và hợp đồng với các hệ thống phân phối chợ đầu mối, trung tâm thương mại...hầu như chưa có; độ đồng đều, hình dáng, kích thước, trọng lượng, màu sắc… của trái thanh long do các nhà vườn trồng hiện nay chưa đồng bộ, còn khác biệt.
Việc tổ chức theo hướng VietGAP mới bắt đầu hình thành, các yếu tố đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn bất cập. Các tổ hợp tác, HTX sản xuất mới bước đầu hình thành và có quy mô sản xuất nhỏ, ít vốn, năng lực mở rộng sản xuất kinh doanh hạn chế và chưa tạo được thương hiệu có uy tín trên thị trường, thiếu thông tin và dự báo thị trường xuất khẩu từ các cơ quan có chức năng của Nhà nước...
Tại cuộc hội thảo liên kết chuỗi tiêu thụ thanh long, được tổ chức tại xã Đức Mỹ, huyện Càng Long vừa qua, lãnh đạo Sở NN-PTNT đã khẳng định: Để cây thanh long của Trà Vinh được phát triển và vươn xa, cần xây dựng các tổ hợp tác, HTX sản xuất đạt chứng nhận VietGAP. Đồng thời, sớm xây dựng vùng nguyên liệu với kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng gắn với thương hiệu.
Đặc biệt, phải có sự ký kết hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp, chú trọng nâng cấp các vườn giống đầu dòng để sản xuất cây giống tại chỗ đạt chất lượng và không ngừng áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất như xử lý ra hoa rải vụ, giảm chi phí trong sản xuất, giảm giá thành… nhằm tăng lợi nhuận… Thực hiện các điều đó, ngoài nông dân còn phải có sự vào cuộc của các sở, ngành hữu quan.
Có thể bạn quan tâm
Điều đáng nói là sau khi bị mất trộm, nông dân báo cho chính quyền và cơ quan chức năng sở tại nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc ghi nhận vụ việc chứ chưa tìm cách ngăn chặn, nên “hoa tặc” vẫn cứ lộng hành.
Hiện giá cacao tươi bán tại vườn đạt hơn 5.000 đồng/kg, hạt khô có giá 56.000 đồng/kg, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với được mùa, được giá, một số doanh nghiệp còn xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Ngồi dự một hội thảo nhưng chị Kim Oanh – nhân viên một công ty truyền thông có trụ sở tại quận Tân Bình (TP.HCM), liên tục nhắn tin, gọi điện cho một người bà con ở Long Thành (Đồng Nai) nhắc họ phụ chăm sóc vườn rau do chị thuê đất trồng, cung cấp cho cả gia đình...
Theo ông Trần Văn Bé Tư, Bí thư Đảng ủy xã Tam Bình (huyện Cai Lậy), vùng chuyên canh sầu riêng lớn của tỉnh, giá sầu riêng thương lái thu mua trên dưới 70.000 đồng/kg đối với giống sầu riêng Mong Thong, trên 60.000 đồng/kg đối với giống sầu riêng Ri 6, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với tháng trước.
Trong bối cảnh người trồng cà chua ở Đà Lạt được mùa nhưng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, siêu thị Big C đã tổ chức chương trình bán hàng đặc biệt không lãi từ 27/10 đến 02/11/2014 trên toàn hệ thống để hỗ trợ người trồng cà chua vượt qua khó khăn.