Nhà Nông Đột Phá Công Nghệ Cao
Nhiều nông dân TP.HCM đã bắt đầu đột phá vào công nghệ cao như: Nhà kính, hệ thống tưới phun sương..., thậm chí sẽ đầu tư vào công nghệ sinh học.
Tận dụng những kiến thức của một kỹ sư cơ khí, anh Nguyễn Thanh Phong (xã An Phú, huyện Củ Chi) đã bỏ ra gần 3 tỷ đồng để tự xây dựng nhà kính trồng lan hồ điệp. Anh cho rằng, nếu không dám mạo hiểm tiếp cận ứng dụng khoa học kỹ thuật, những công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thì sẽ rất khó đột phá để nâng cao giá trị sản xuất. Hiện anh đang trồng hơn 20.000 gốc lan hồ điệp đang trong quá trình thu hoạch hoa.
Đồng quan điểm với anh Phong, chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền (thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi)- chủ một vườn lan rộng 4ha, cũng cho biết làm nông bây giờ, nhất là trong điều kiện ở TP.HCM nếu không dám đầu tư, tận dụng chất xám trên đồng ruộng, ứng dụng công nghệ cao thì rất khó thành công. Hiện chị đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng hệ thống tưới phun sương và nhà lưới cho trang trại lan.
Chị Thanh Huyền cho biết đang có kế hoạch đầu tư hệ thống cấy mô để nhân giống lan. “Tôi đã sang nước ngoài xem hệ thống cấy mô rồi. Tôi cần trang bị kiến thức thêm trước khi đầu tư hệ thống này” - chị nói. Theo chị Huyền, chi phí đầu tư hệ thống cấy mô và công trình nghiên cứu cũng chỉ khoảng 1 tỷ đồng.
Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Tủi – Trưởng phòng Kinh tế (Hội Nông dân TP.HCM), chương trình chuyển giao công nghệ cao cho nông dân ở TP.HCM đang diễn ra khá chậm. Tại xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) - một xã điểm trong chương trình chuyển giao công nghệ cao của thành phố, việc chuyển giao cho đến giờ cũng mới chỉ là cây, con giống, các lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp và một số mô hình nhà lưới, hệ thống tưới phun sương, máy vắt sữa bò.
Ông Mai Văn Nhắc – cán bộ khuyến nông xã cho biết cả xã cũng chỉ có chưa đến chục hộ trồng lan được Trung tâm Khuyến nông TP.HCM hỗ trợ hệ thống tưới phun sương và nhà lưới. Lý giải điều này, chị Nguyễn Thị Nguyên Trinh – Trưởng phòng Quản lý kế hoạch và chuyển giao công nghệ (Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM) cho biết giữa cung - cầu còn khập khễnh.
Nông dân luôn tính đến hiệu quả kinh tế, tính an toàn… trước khi quyết định đầu tư công nghệ. Tuy nhiên, một chủ vườn lan ở Củ Chi lại cho rằng nguyên nhân là do công nghệ được chuyển giao giá thành còn khá cao.
Theo tính toán của nông dân trồng lan tại TP.HCM, đầu tư một nhà kính rộng 1.000m2 giá thành khoảng 3 tỷ đồng, cùng diện tích nhà lưới là 400 triệu đồng. Theo chị Nguyên Trinh, trong thời gian tới trung tâm sẽ đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ sinh học cho nông dân TP.HCM và các tỉnh, thành trong nước.
Có thể bạn quan tâm
Bà Thức cho biết, vì trồng thử nên bà không quan tâm lắm đến việc phòng trị bệnh cho ớt, nhưng tính toán lại, tổng cộng diện tích bờ ruộng khoảng 2 công, cả vụ ít nhất cũng thu hoạch được 200kg ớt/công, hiện giá bán là 20.000 đồng/kg, bà sẽ thu về hơn 10 triệu đồng. Bà Thức chia sẻ “Hôm vừa rồi trồng mùa thuận thì thấy trái dữ lắm, giá 15 ngàn/kg trở lên thì thấy có ăn”.
Ngày nay, xu hướng sản xuất theo hướng an toàn đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong vấn đề an toàn thực phẩm. Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) là những nguyên tắc được thiết lập nhằm bảo đảm một môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ, không để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và các khả năng nhiễm bẩn thực phẩm, an toàn cho người tiêu thụ.
Việc thâm canh tăng vụ thời gian qua luôn tiềm ẩn nguy cơ sản sinh nhiều loại dịch hại trên đồng ruộng. Theo nhiều nông dân, từ đầu mùa khô đến nay, trên nhiều cánh đồng trong tỉnh Sóc Trăng đã xuất hiện chuột cắn phá với tình hình căng thẳng hơn các năm trước.
Mùa mưa năm nay đến muộn hơn nên lịch xuống giống các cây trồng cạn ở vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ chủ yếu sử dụng nước mưa như cây bắp lai, cây đậu đều bị chậm lại. Những trà bắp tỉa đón mưa tại khu vực này mọc không đều, bị chết cây, héo lá; việc bón phân định kỳ không thực hiện được.
Trong mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Ngành Nông Nghiệp khuyến khích và áp dụng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến hàng hóa nông – lâm - thủy sản để thúc đẩy sản xuất hàng nông sản chất lượng cao trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, vừa phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, thúc đẩy thương mại-dịch vụ phát triển.