Trồng Rau Tại Nhà
Dù diện tích đất hạn hẹp, nhưng nhiều hộ dân ở thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) vẫn tận dụng được các khoảng trống để trồng rau, cải thiện cuộc sống gia đình.
Dọc theo tuyến đường Lê Hồng Phong, phường IV, mặc cho sự ồn ào hối hả của xe cộ, những chậu rau của gia đình chị Hồng Đào vẫn âm thầm phát triển tươi tốt. Chị Đào cho biết, tận dụng những chậu hoa tết còn lại ít đất cùng phân hữu cơ, chồng chị đã mang rau vào thay thế.
Hơn 40 chậu hoa kiểng nay đã đầy ắp các loại rau như xà lách, ớt, cải xanh, húng quế,… Khoảng không của hành lang trước nhà chị bây giờ đã phủ một màu xanh biếc của rau, thật mát mắt. Vườn rau của chị Đào đã tồn tại được gần một năm nay, góp phần phục vụ được một phần nhu cầu rau sống cho bữa ăn hàng ngày của gia đình. “Nhờ tích cực trồng rau mà tôi mới có những bữa ăn ngon.
Tôi cũng thấy an tâm khi cho trẻ con ở nhà ăn rau sống. Vì hiện nay, rau “bẩn” đầy ngoài chợ, không dám mua nhiều về để nấu cho trẻ ăn” - chị Đào nói. Những chậu rau còn là vườn thực tập sinh thái thực tế nhất của 2 đứa con của chị.
Sau giờ đi làm, anh Minh (chồng chị Đào) ra sân bắt sâu, hái rau, làm cỏ cùng các con. Đứa con trai hơn hai tuổi rưỡi của chị rất hào hứng tham gia. Chị Đào rất hài lòng vì sự đầu tư của chị nay đã có thành quả. Những chậu rau nhỏ xinh kia giờ đây đã giúp con chị được thỏa chí khám phá, học hỏi trong những năm đầu đời.
Còn đối với ông Phan Thanh Xuân, nhân viên bảo vệ tại Trung tâm Dạy nghề, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, ở phường V, thì tìm được niềm vui lao động trong lúc nhàn rỗi. Những luống rau trồng xà lách, cải xanh, rau đắng trên khoảng đất trống nhỏ sát vách trung tâm dạy nghề lúc nào cũng tươi tốt.
Ông nói: “Tôi tận dụng thời gian rảnh rỗi của mình trồng rau với mục đích ban đầu chỉ là có rau sạch ăn hàng ngày, đỡ phải đi chợ. Ai ngờ, bà con ở đây thấy rau tốt quá, lại không xịt thuốc hóa học nên cũng đến mua về ăn”.
Chỉ với 20.000 đồng tiền mua hạt giống, hàng tháng, những luống rau xanh đã giúp ông tiết kiệm được vài trăm ngàn tiền mua rau. Ngoài ra, ông còn thu vào trung bình hơn 600.000 đồng từ bán rau. Theo ông Xuân, trồng rau này cũng không khó, bởi loài này dễ tính, khả năng sinh trưởng mạnh lại mau thu hoạch.
Chỉ cần làm đất kỹ, tạo độ tơi xốp cho đất, khi sạ hạt giống trộn thêm một ít thuốc sâu để diệt kiến, từ đó không cần phun xịt gì thêm. Chăm chỉ tưới rau hàng ngày, nếu cần, bón ít phân đạm khi rau được 1,5 tuần. 25 ngày sau sạ là có thể hái rau ăn dần.
Ngoài khoảng thu nhập kha khá từ rau, với ông Xuân, trồng rau còn là thú vui, là cơ hội giúp vận động cơ thể. Khi đi làm về, ra nhìn luống rau xanh mơn mởn, vợ con ông cũng thấy khỏe khoắn, giảm căng thẳng hẳn sau những giờ mệt nhọc.
Trên thực tế, các “nông dân không chuyên” như ông Xuân, chị Đào còn định hướng đến sản xuất rau mầm trong nhà, trồng rau trong chai nhựa. Hình thức trồng rau này rất đơn giản, ít tốn chi phí đầu tư mà có thể tận dụng được tất cả các khoảng trống từ gầm giường, ban công đến vách tường. Đây sẽ là hướng đi mới cho nông thôn xanh du nhập đô thị.
Theo Trưởng trạm Bảo vệ thực vật thành phố Vị Thanh Lê Văn Tạo, hiện nay, mô hình trồng rau tại hộ gia đình đã được nhiều hộ gia đình ở thành phố Vị Thanh áp dụng. Ngay cả những hộ ở trung tâm thành phố như phường I, các hộ kinh doanh vẫn áp dụng như tiệm vải Trần Mén, tiệm bán hạt giống Trường Xuân,… Tuy mô hình này không thể cung cấp đầy đủ các loại rau, củ cho bữa ăn hàng ngày, nhưng cũng góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn cho gia đình.
Như vậy, ưu điểm của mô hình trồng rau tại nhà không chỉ tạo ra nguồn nông sản tươi sống, giá rẻ cung ứng tại chỗ cho dân cư thành thị, mà còn có tác dụng bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
Cuối tháng 6 âm lịch, cá linh theo con nước tràn về vùng đầu nguồn An Phú. Chẳng biết quá trình sinh sản của loài cá này bắt nguồn từ đâu nhưng khi về đến xã biên giới Vĩnh Hội Đông thì chúng đã to bằng đầu đũa ăn. Từ xưa, người dân vùng lũ không dùng từ “nhỏ” để gọi những con cá linh còn bé xíu, thay vào đó họ dùng từ “non”. Đây là cách gọi đã thành thói quen và cá linh non trở thành món ngon được nhiều người tìm mua khi chúng vừa xuất hiện tại các chợ.
Nhưng cá cơm Mũi Né vẫn được nhiều người ưa thích. Nhiều năm nay, cá cơm khô Mũi Né không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn xuất qua Trung Quốc, Đài Loan… Gần đây, một số thương nhân Hàn Quốc sang tận Phan Thiết đặt vấn đề mua cá cơm Mũi Né.
Trung tâm Thực nghiệm và chuyển giao khoa học - kỹ thuật huyện Phước Long (Bạc Liêu) vừa tổ chức hội thảo tổng kết mô hình nuôi ếch lai kết hợp nuôi cá trê vàng trong mùng lưới. Mô hình thực hiện thí điểm tại 2 xã Vĩnh Phú Đông và Hưng Phú.
Trước đây, dù không phải là sản phẩm khai thác chính nhưng ở Cà Mau sản lượng cá sặt bướm (cá sặt) cũng đạt hàng trăm tấn mỗi năm dưới dạng mắm đồng, khô sặt. Đó là chưa kể bán cá tươi ở các chợ và dùng trong gia đình nông thôn hàng ngày.
Xã An Ngãi (Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện có 230ha đất nuôi trồng thủy sản với sản lượng hàng năm đạt hơn 300 tấn hải sản. Tuy nhiên, mấy năm gần đây do nguồn nước bị ô nhiễm đã làm cho tôm bị thiệt hại nặng, khiến người nuôi trồng không mặn mà đầu tư nuôi tôm mà chuyển sang nuôi thử nghiệm giống cá mú.