Nhà nông bị trói theo tỷ giá
Việc tỷ giá được điều chỉnh tăng như thời gian qua ngoài một phần không nhỏ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu được hưởng lợi thì với một nền sản xuất còn dựa nhiều vào nhập khẩu, có lẽ những tác động tiêu cực đang khó bề khắc phục.
Tỷ giá ảnh hưởng đến giá nhập khẩu phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… Đây là những mặt hàng thiết yếu của sản xuất nông nghiệp mà chúng ta vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu, có nghĩa là bị “trói” theo tỷ giá.
Bị “trói” theo tỷ giá
Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam thừa nhận tỷ giá tăng sẽ gây khó cho các DN thức ăn chăn nuôi, vì chi phí nhập khẩu chiếm 60- 65% trong tổng chi phí. DN nhập khẩu sản phẩm để sản xuất thức ăn chăn nuôi bị tăng chi phí do tỷ giá tăng sẽ khiến giá thành thức ăn chăn nuôi tăng. Người chăn nuôi theo đó sẽ phải mua thức ăn giá cao.
Tăng tỷ giá khiến tăng giá nhập phân bón, thức ăn chăn nuôi rồi tăng giá bán, hệ lụy cuối cùng vẫn là người tiêu dùng. Ảnh chụp tại chợ lợn xã An Nội, Bình Lục, Hà Nam. Ảnh: Mạc Li
Theo phản ánh của hiệp hội, một số DN thương mại trong ngành đã tăng giá khô đậu tương từ 100-150 đồng/kg tại khu vực miền Bắc.
Cũng theo thông tin từ hiệp hội này, mặc dù các các DN nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đang tìm nguồn cung mới từ Nga, châu Âu, Nhật Bản... để tận dụng cơ hội khi đồng bản địa của các nước này cũng đang giảm mạnh và do đó giá nguyên liệu nếu nhập từ các nước này sẽ giảm so với đồng USD hơn khi nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, quá trình mở rộng nguồn cung này cũng không thể ngay lập tức. Chính vì vậy, trước mắt nguồn nhập khẩu của các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn sẽ từ Trung Quốc là chủ yếu.
Cùng nỗi khổ của DN thức ăn chăn nuôi, các DN phân bón cũng điêu đứng vì tỷ giá tăng.
Ông Vũ Duy Hải- Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinacam, một DN chuyên kinh doanh phân bón khẳng định: Tỷ giá từ đầu năm đến nay tăng 5% thì giá thành nhập khẩu phân bón cũng sẽ phải tăng 5%. Tính cụ thể trung bình mỗi tháng chúng tôi nhập khẩu khoảng 20 triệu USD nguyên liệu thì nay sẽ phải tăng thêm 100.000USD mỗi tháng.
“Năm nay, Vinacam dự kiến nhập khẩu khoảng 300-350 nghìn tấn phân bón các loại. Trong đó, khoảng một nửa nhập từ Trung Quốc (chủ yếu phân DAP, SA…). Hiện với giá kali nhập theo tỷ giá cũ, Vinacam bán 7.300 đồng/kg, nhưng một thời gian nữa, khi các mặt hàng khác thiết lập mặt bằng giá mới, chúng tôi sẽ bán lên 7.450-7.500 đồng/kg”- ông Hải cho biết.
Nông dân gặp khó
" Việc tỷ giá tăng do điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước vừa qua sẽ được đẩy vào giá phân bón theo thị trường. Và như vậy, khách hàng, tức là nhà nông cũng sẽ phải gánh chịu”.
Theo nhiều chuyên gia, suy cho cùng việc tăng tỷ giá cũng không quá ảnh hưởng đến DN nhập khẩu các mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi... Bởi DN thì bao giờ cũng nước nổi thuyền nổi, tăng giá nhập đương nhiên họ cũng sẽ tăng giá bán. Hệ lụy cuối cùng là người tiêu dùng, cụ thể là nông dân sẽ gặp khó khăn.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu lâu năm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cho rằng: Thực tế người nông dân luôn là đối tượng bị động trước những chính sách điều chỉnh. Sản phẩm họ làm ra luôn bị trung gian ép giá, trong khi nguồn nguyên liệu đầu vào thì phụ thuộc vào giá của DN nhập khẩu. Đa phần họ phải chấp nhận trước sự tăng giá của các nguyên liệu đầu vào.
Ghi nhận của thị trường những ngày qua, sau khi tỷ giá tăng mạnh tới 3% trong vòng 1 tuần, giá thức ăn gia súc, gia cầm đã rục rịch tăng thêm 5.000 - 7.000 đồng/bao. Trong khi giá thành sản phẩm chăn nuôi bán ra không dễ gì tăng kịp vì kinh tế khó khăn.
Anh Đức Hải- chủ một trang trại nuôi gà tại xã Tiến Xuân, Lương Sơn, Hòa Bình cho biết: “Người ta cứ bảo nước lên thì thuyền lên. Mua nguyên liệu giá cao thì bán sản phẩm giá cao. Nhưng đâu có dễ như vậy vì còn phải cạnh tranh nhiều yếu tố”.
Một chủ trại gà ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai cho biết, tỷ giá mới đây lại được điều chỉnh tăng thêm thì giá thức ăn chăn nuôi kiểu gì cũng lại tăng. Những năm biến động tỷ giá trước đó cũng vậy, những người chăn nuôi như ông chủ trại gà này chỉ được giải thích rằng: Do tỷ giá tăng nên giá thức ăn phải tăng vì nhập khẩu. DN sản xuất cám phải tốn thêm tiền mua nguyên liệu nên giá bán sản phẩm phải tăng lên. “Giá thức ăn tăng chắc chắn sẽ làm đội giá thành chăn nuôi trong khi giá xuất chuồng chăn nuôi của bà con thì thấp, thử hỏi nông dân làm sao không khỏi lo lắng. Đấy là còn chưa kể giá con giống, thuốc thú y cũng phải nhập khẩu tăng lên nữa”-ông chủ trại gà nói.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, ngành nông nghiệp hiện nay đang phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Do vậy, sau mỗi lần tỷ giá tăng, gánh nặng chi phí sẽ lại đổ dồn lên vai người nông dân… “Đợt điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 3% của ngân hàng mới đây, người nông dân sẽ lại “méo mặt” vì chi phí”- ông Thắng nói.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày gần đây, khi nhiều vùng dưa hấu trong tỉnh Hải Dương đang chuẩn bị được thu hoạch thì gặp mưa lớn liên tiếp, thiệt hại cả về năng suất, chất lượng và giá bán.
Mặc dù đạt được nhiều thành quả trong thời gian qua nhưng nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn tiềm ẩn rủi ro. Tại hội nghị “Nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2007 - 2012 và những định hướng trong thời gian đến” được Sở NN&PTNT Quảng Nam tổ chức vừa qua đã đề ra nhiều giải pháp phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là với đối tượng nuôi chủ lực - tôm thẻ chân trắng.
Vào nhà ông Trần Văn Lèo (60 tuổi), khóm 2, thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) chỗ nào cũng tủ lớn nhiều hộc. Thoạt đầu, không hiểu tại sao gia đình ông lại sử dụng nhiều tủ, dạng tủ lưu giữ hồ sơ ở các cơ quan, như vậy? Nhưng có ngờ đâu, mỗi hộc tủ là “khung trời” sinh sống của một con rắn hổ hèo.
Với nguồn vốn Khuyến nông Quốc gia, Trạm Khuyến nông huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã đầu tư thực hiện mô hình nuôi vịt thịt theo hướng an toàn sinh học, với quy mô 2.500 con vịt siêu thịt, có 5 hộ dân tham gia, tập trung ở các xã: Mỹ Long, Mỹ Hội, Tân Hội Trung và Tân Nghĩa.
Theo Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mô hình cánh đồng mẫu lớn đang phát triển mạnh ở khu vực Nam Bộ, đặc biệt là vùng ĐBSCL với những nông dân thuần thục trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa.