Nguyên Chủ tịch T.Ư Hội Nông Dân Việt Nam Nguyễn Đức Triều tận tụy, nhân ái, nghĩa tình
Ông mở toang cửa, lần lượt nắm chặt tay từng người chúng tôi, tươi cười: “Lâu quá rồi nhỉ! Nhớ các cậu quá!”.
Ông đưa chúng tôi vào phòng khách, tự tay pha trà, rót cho mỗi người một ly, rồi hỏi chúng tôi từ chuyện sức khỏe, công việc, tới chuyện nhà cửa, vợ con.
Ông vẫn vậy: Thân thiện, lạc quan, trách nhiệm và đầy nhiệt huyết.
Nhân cách ấy không ra đời ngẫu nhiên
Ông Nguyễn Đức Triều (sinh năm 1942), trong một gia đình ND nghèo ở Đông Trà, Tiền Hải, Thái Bình.
3 năm sau, nạn đói Ất Dậu tràn đến làng ông.
Ông thấm thía thế nào là đói khát. Cảnh bần cùng của bố mẹ, người ND quê ông đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách và sự lựa chọn con đường đi của ông sau này.
“Hàng ngày phải đi bộ cả chục cây số đến trường trong cái đói triền miên.
Sau giờ học, dưới cái nắng 35- 40 độ, lao ngay ra đầu làng, khi thì tìm kiếm… phân trâu, phân bò, lúc vớt bèo hoa dâu, hái lá điền thanh để về ủ thành phân cho mẹ bón lúa”- ông Triều nhớ lại.
Tuy nghèo đói là vậy, nhưng ông Triều được nuôi dưỡng trong một gia đình có truyền thống “trọng chữ hơn trọng miếng ăn”.
Ông kể: “Có lần thầy giáo chủ nhiệm đến nhà chơi.
Mẹ cố giữ thầy lại để mời cơm trưa.
Nhà không còn hạt gạo nào.
Trong lúc thầy bảo bài cho tôi, mẹ lẻn cửa sau, qua nhà hàng xóm vay mấy bơ gạo và dăm quả trứng.
Sợ thầy thấy nên phải tuồn các thứ qua hàng rào rồi đi cửa trước vào nhà”.
Ông Nguyễn Đức Triều bên người vợ- bà Trần Thị Hương, người đã theo sát cả cuộc đời của ông.
Gia cảnh đói nghèo, nhưng lại được giáo dưỡng trong tình nhân ái của người mẹ đã tạo nên một Nguyễn Đức Triều vừa tận tụy, mẫn cán, vừa nhiệt huyết, quyết liệt, nhưng lại đầy lòng nhân ái trên mỗi chặng đường ông qua và từng cương vị ông đảm nhiệm.
Trưởng thành từ đồng ruộng
Năm 1961, học hết cấp hai, Nguyễn Đức Triều thi vào Trường Trung cấp nông nghiệp Trung ương, sau ra công tác mới vào học hàm thụ đại học.
Sau khi tốt nghiệp, năm 1964, Nguyễn Đức Triều được phân về Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam công tác.
“Viện trưởng Bùi Huy Đáp là người ảnh hưởng lớn đến cuộc đời tôi”- ông Triều khẳng định.
Nhận công tác, Viện trưởng phân ông về Hợp tác xã (HTX) Tân Hưng Hòa ở xã Tán Thuật, huyện Kiến Xương, Thái Bình, nơi đang triển khai thí điểm thâm canh tăng năng suất lúa xuân.
Với kiến thức được học, tràn đầy nhiệt huyết và đam mê, chàng trung cấp trẻ háo hức trở lại quê nhà.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, phải đến khi được điều về Hải Hậu (Nam Định) công tác dài hạn, rồi trở thành lãnh đạo địa phương này thì tài năng của ông Nguyễn Đức Triều mới được bộc lộ hết.
Cũng chính Hải Hậu đã nuôi dưỡng, tôi luyện để ông trưởng thành nên nhà quản lý, nhà lãnh đạo nhiệt huyết, tận tụy, hết lòng vì ND trên cương vị là Chủ tịch UBND huyện, rồi Bí thư Huyện ủy Hải Hậu và Chủ tịch Hội NDVN sau này.
“Khi điều tôi về HTX Hồng Thắng thuộc xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, nơi đang triển khai làm thí điểm vụ lúa xuân mà sau này làm nên “bước ngoặt” trong nền nông nghiệp nước nhà, Viện trưởng Bùi Huy Đáp dặn dò: Chuyến đi này của cậu mà thành công tức là cậu đã làm được một việc có ý nghĩa to lớn rồi đó...”- ông Triều nhớ lại.
Gói quần áo vào chiếc ba lô bạc phếch, cưỡi lên chiếc xe đạp cà tàng, ông Triều rời viện ở Văn Điển (Hà Nội) túc tắc đạp về Hải Hậu.
Sau một thời gian thành công tại HTX Tân Hưng Hòa, Tết Mậu Thân năm 1968 ông Nguyễn Đức Triều được điều về HTX Hồng Thắng (Hải Anh).
Lúc này Hải Hậu đang bắt đầu triển khai giống lúa mới trân châu lùn NN-8, giống lúa ngắn ngày cho năng suất cao nhất thời bấy giờ.
Đây là giống lúa được nhập về từ Viện Lúa thế giới để cấy, do đích danh Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng cán bộ và nhân dân Hải Hậu 10kg thóc giống.
HTX Hồng Thắng được giao triển khai.
“Chúng tôi huy động bà con ND làm đất “Nhấc chân lên ruộng không còn vết/Bốc bùn lên lọt hết kẽ tay”.
Đấy, đất là phải tơi, nhuyễn như vậy.
Khi mạ được gieo, chúng tôi huy động bà con thay nhau túc trực và bảo vệ cả ngày lẫn đêm.
Ngày thì gõ mõ khua chiêng xua đuổi chim chóc.
Đêm thì đốt lửa đuổi chuột.
Trời mưa rét như cắt vào da thịt, vậy mà ai cũng vui”- ông Triều nhớ lại.
Cuối cùng thì trời không phụ công người.
Tháng 6.1969 cả cánh đồng của HTX Hồng Thắng lúa chín đều, vàng ươm như trải chiếu, những bông lúa vàng trĩu hạt.
Ngày 10.6.1969 Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm Hải Anh.
Đứng trên cánh đồng vàng ươm như thảm lụa, Thủ tướng vui mừng khôn xiết.
Thủ lĩnh của nông dân
Năm 1993 ông Nguyễn Đức Triều trở thành Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội NDVN, sau gần 3 năm đảm nhiệm công việc ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
7 năm trên cương vị đứng đầu Hội NDVN ông cùng tập thể Ban chấp hành T.Ư Hội để lại dấu ấn hết sức đậm nét trong tiến trình phát triển của Hội NDVN.
Hội không chỉ làm tốt công tác tham mưu cho Đảng và Chính phủ trong việc hoạch định chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chính sách từng bước nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của người ND, mà còn chủ động chỉ đạo, xây dựng tổ chức Hội ND ngày một vững mạnh.
Phát triển nhiều phong trào trong đó có phong trào ND thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, làm giàu, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam.
Là người đứng đầu Hội NDVN Chủ tịch Nguyễn Đức Triều luôn là người tận tâm với công việc.
Ông sống nhân hậu, chí tình, chí nghĩa.
Tôi có may mắn là được làm việc dưới quyền ông một thời gian; nhiều lần được tiếp xúc, làm việc với ông, rồi tháp tùng ông đi công tác các địa phương.
Chưa bao giờ tôi chứng kiến ông to tiếng, quát nạt cấp dưới của mình, cho dù đó là chú lái xe hay chị nhân viên tạp vụ.
Mỗi lần đi địa phương, nhất là khi quay trở lại mảnh đất Hải Hậu, sau giờ làm việc, ông thường đi thăm hỏi các cụ già trong làng, gia đình chính sách, các gia đình đặc biệt khó khăn; những cơ sở từng cưu mang ông lúc cơ hàn, giúp đỡ ông trưởng thành.
Món quà cũng chỉ là cân đường, hộp sữa do vợ ông sắm trước mỗi chuyến đi, nhưng đầy ân nghĩa, gặp ông ai cũng ôm chầm lấy ông: “Ôi, bác Triều, bác Triều đây rồi!”.
Có thể nói Báo Nông Thôn Ngày Nay luôn có một chỗ đứng đặc biệt trong tâm khảm của vị Chủ tịch bộn bề công việc.
Thi thoảng, dăm bữa, nửa tháng ông lại ghé thăm, hỏi han, dặn dò chúng tôi cần tiếp tục cải tiến cách trình bày tờ báo, nâng cao chất lượng thông tin, nhất là các vấn đề liên quan sát sườn tới cuộc sống của người ND; các vấn đề “điện-đường-trường-trạm”.
Cũng có lúc do hưng phấn, anh em làm công tác tòa soạn chúng tôi đẩy vấn đề đi quá mức cần thiết trên mặt báo; hay những khi bị bạn đọc, hoặc người được nêu trong bài viết phản ứng, thậm chí là kiện đến Chủ tịch Hội, ông Triều đều gọi chúng tôi lên phân tích có lý, có tình để chúng tôi rút kinh nghiệm và trưởng thành hơn trong nghiệp vụ.
Tôi nhớ có lần, vào ngày Chủ nhật, ông cho mời chị Mai Nhung - lúc đó là Tổng Biên tập báo và tôi đến nhà ông ăn trưa.
Sau bữa cơm, ông Triều nói có nhà thơ nổi tiếng “kiện” Báo Nông Thôn Ngày Nay vì bài viết của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn “nói xấu” ông ta trên mặt báo.
“Tớ đã xin lỗi anh nhà thơ rồi, nhưng cũng bảo anh em văn chương trêu nhau như vậy là tỏ “cái chân tình, thân thiện”, yêu quý nhau đấy chứ.
Cậu ấy vui rồi.
Nhưng các cậu cũng nên hết sức cẩn trọng nhất là khi đụng chạm đến các nhà thơ, nhà văn”- ông cười.
Chị Mai Nhung mặt ửng hồng, cười bẽn lẽn.
Người phụ nữ phía sau ông Chủ tịch
“Tôi có được như ngày hôm nay, công lớn là thuộc thuộc về bà ấy”- ông Triều nhìn vợ khi bà đưa ra 3 ly cà phê.
Ông bảo bà ngồi xuống bên cạnh ông, bà cáo lỗi định đi, ông nắm tay bà kéo lại.
Biết là “không thoát” được, bà nhẹ nhàng ngồi bên ông.
“Những ngày còn trẻ, mình liên tục công tác xa nhà, vài ba tháng, có khi hàng năm trời mới về thăm nhà, mà cũng chỉ ngày trước ngày sau lại đi.
Chăm bố mẹ già, ba đứa con ăn học nên người đều một tay bà ấy lo toan cả.
Nói thật, nếu không có bà ấy mình chẳng làm nên trò trống gì cả”- ông Triều kể.
Có thể nói trong cuộc sống gia đình ông Triều là người hết mực thủy chung.
17 tuổi đã được cha mẹ cưới cho bà Trần Thị Hương, người đang ngồi cạnh ông đây.
Ông là người trưởng thành rất sớm.
Ở tuổi 35 ông đã là Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu.
Ở tuổi 42 ông là Chủ tịch UBND Hải Hậu, 46 tuổi ông là Bí thư Huyện ủy Hải Hậu, Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam Ninh, Uỷ viên Trung ương Đảng.
Trẻ trung, đẹp trai, năng động, “quyền cao, chức trọng” ông Nguyễn Đức Triều là “hình mẫu lý tưởng” của không ít các cô gái xinh đẹp đương thời.
“Đã là con người ai chả có lúc rung động trước cái đẹp, nhưng hình ảnh người vợ quê tần tảo, chịu thương chịu khó, chăm sóc bố mẹ già, nuôi nấng con cái để mình yên tâm công tác và có được chút thành công, nên không thể phụ lòng vợ con được”- ông Triều nói.
Trời đã sang chiều, ông nắm tay bà tiễn chúng tôi ra tận đầu ngõ, rồi ông dặn: “Khi nào rỗi lại đến chơi nhé!”.
Chưa bao giờ tôi chứng kiến ông to tiếng, quát nạt cấp dưới của mình, cho dù đó là chú lái xe hay chị nhân viên tạp vụ.
Mỗi lần đi địa phương, nhất là khi quay trở lại mảnh đất Hải Hậu, sau giờ làm việc, ông thường đi thăm hỏi các cụ già trong làng, gia đình chính sách, các gia đình đặc biệt khó khăn; những cơ sở từng cưu mang ông lúc cơ hàn, giúp đỡ ông trưởng thành.
Có thể bạn quan tâm
Theo UBND tỉnh An Giang, đến nay toàn tỉnh thu hoạch lúa Hè Thu được 221.610 ha, đạt 96,3% diện tích xuống giống, năng suất bình quân ước đạt 5,76 tấn/ha; hoa màu thu hoạch 22.571, đạt 94% diện tích xuống giống.
Chiều 16/9, Văn phòng SOCODEVI (tổ chức phi chính phủ tại Canada) đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT.
Mới đây, ông Lê Văn Hận, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ thị xã cho phép thực hiện dự án trồng cam sành không hạt.
Trong tháng 8, nông dân huyện Long Hồ (Vĩnh Long) đã thu hoạch 5.653 tấn trái cây các loại, so với cùng kỳ năm trước tăng hơn 2,2%.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, hiện toàn tỉnh có khoảng 1.000ha đất trồng chanh không hạt, tập trung nhiều nhất là ở các xã Đông Thạnh, Đông Phước A… của huyện Châu Thành, tăng 980ha so với năm 2009.