Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nguy Cơ Từ Gieo Sạ Sớm

Nguy Cơ Từ Gieo Sạ Sớm
Ngày đăng: 04/06/2013

Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang sau khi thu hoạch xong lúa Hè thu đã khẩn trương dọn đất để sạ lại vụ lúa Thu đông 2013, với mong muốn thu hoạch lúa trước khi lũ về. Điều này, đặt ra nhiều lo lắng cho ngành chức năng về khả năng ngộ độc hữu cơ và sâu bệnh.

Đang dọn đất chuẩn bị gieo sạ, ông Trịnh Tấn Sỹ, ở ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Cắt được miếng ruộng nào là tôi liền đốt đồng và cho máy vào xới đất, tranh thủ sạ lại càng sớm càng tốt, vì vụ Thu đông thường phải đối mặt với nước lũ”. Hiện nay, ông Sỹ đã gieo sạ được 1/3,7ha đất ruộng của gia đình, dự kiến khoảng 10 ngày nữa sẽ xuống giống toàn bộ diện tích. Nguyên nhân khiến ông Sỹ cũng như nhiều nông dân muốn sạ lúa sớm là do mới bắt đầu vào mùa mưa, thời tiết còn nắng, nước còn kém nên lúa sẽ lên đều. Còn để khoảng nửa tháng nữa, khi đó mưa dầm thiệt hại về giống nhiều hơn và tốn nhiều chi phí mướn nhân công giặm lúa. Điều quan trọng là, khi sạ sớm, bà con sẽ thu hoạch trước khi lũ về, năng suất, chất lượng lúa cũng cao và bán được giá hơn, không có áp lực về nhân công lao động và máy cắt…

Chính lý do này nên nhiều nông dân đã tranh thủ mọi cách để có thể đưa giống xuống ruộng, thậm chí có hộ còn ngâm giống trước 1 ngày khi cắt lúa để sạ đồng loạt với bà con xung quanh. Ông Trần Văn Mun, ở ấp 11, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Dù muốn hay không thì cũng phải sạ, do bà con xung quanh ai cũng làm thì mình phải làm theo. Gia đình tôi phải ngâm giống trước khi cắt lúa Hè thu mới theo kịp mọi người nơi đây”. Hiện ông Mun đã xuống giống toàn bộ 1,5ha đất ruộng của gia đình, dự kiến sẽ thu hoạch vào giữa tháng 8 tới.

Vụ Thu đông, đa phần nông dân sạ lại các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn (từ 85-90 ngày là thu hoạch), chủ yếu là giống IR 50404 và OM 4218. Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, để đảm bảo cho lúa không bị ngộ độc hữu cơ, nên để đất trống ít nhất 2 tuần trước khi xuống giống. Tuy nhiên, việc nông dân gieo sạ ngay sau khi thu hoạch như hiện nay rất dễ dẫn đến trường hợp cây lúa bị ngộ độc hữu cơ do lượng rơm rạ không được phân hủy trong điều kiện ngập nước, nhất là khi thu hoạch bằng máy, lượng rơm rạ còn sót lại trong ruộng rất nhiều. Để hạn chế ngộ độc hữu cơ, nhiều nông dân đã nghĩ ra cách đưa rơm lên bờ. Ông Nguyễn Văn Vũ, ở ấp 1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cho biết: “Sau khi cắt lúa xong, trời mưa không đốt rơm được nên tôi cũng như nhiều bà con nơi đây đã thuê nhân công thu gom rơm lại thành đống, sau đó mướn trâu kéo lên bờ cao. Với cách làm này, sẽ hạn chế tình trạng ngộ độc hữu cơ cho cây lúa sau này”.

Ngoài khả năng bị ngộ độc hữu cơ, một điều lo lắng khác là sâu bệnh sẽ tấn công. Bởi, hiện vẫn còn nhiều diện tích lúa Hè thu vẫn chưa thu hoạch nằm cạnh ruộng đã xuống giống. Khi diện tích lúa Hè thu cắt thì các trà lúa non này sẽ là nơi cư trú của nhiều loại dịch hại nguy hiểm, gây thiệt hại đến năng suất và chất lượng lúa sau này. Ông Vũ cho biết thêm: “Ruộng của tôi đã gieo sạ khoảng một tuần và đang phát triển tốt. Tuy nhiên, mấy ngày qua có một lượng rầy nâu đang di trú nên gia đình đang lo. Vì sau khi lúa Hè thu xung quanh cắt hết, rầy nâu sẽ sang cư trú trên các diện tích lúa non và khả năng truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá là rất lớn”.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Trần Ngọc Thể cho hay: Vụ Thu đông năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch xuống giống khoảng 60.000ha, đến thời điểm này, nông dân đã gieo sạ được hơn 100ha, sớm hơn gần 1 tháng so với cùng kỳ. Trong đó, Vị Thủy và Châu Thành A là 2 huyện có diện tích gieo sạ sớm nhất trên địa bàn tỉnh. Hiện các trà lúa trong giai đoạn từ 1-10 ngày tuổi, chưa xuất hiện dịch hại nguy hiểm nào. Mặc dù ngành nông nghiệp vẫn chưa đưa ra lịch xuống giống cụ thể, nhưng trong điều kiện thời tiết thuận lợi như hiện nay, việc người dân tranh thủ sạ sớm cũng phù hợp.

Tuy nhiên, một điều mà ngành đang lo lắng chính là tình trạng ngộ độc hữu cơ và sâu bệnh tấn công do bà con xuống giống ngay sau khi thu hoạch lúa. Dù có một số diện tích được người dân thu gom rơm và làm đất kỹ để hạn chế ngộ độc, nhưng vẫn không loại khỏi bất kỳ trường hợp dịch bệnh nào. Do vậy, chi cục đề nghị cán bộ nông nghiệp ở các địa phương phải kết hợp với nông dân thường xuyên thăm đồng ở từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, từ đó kịp thời phát hiện và điều trị có hiệu quả các dịch bệnh, sâu hại gây ra, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho nông dân…


Có thể bạn quan tâm

Nông Dân Trồng Rau Dền Trúng Mùa Được Giá Nông Dân Trồng Rau Dền Trúng Mùa Được Giá

Cụ thể, rau dền lấy hạt năng suất đạt 4 tấn/ha, giá thị trường dao động từ 30.000 - 34.000 đồng/kg tùy theo chủng loại và chất lượng, trừ các khoản chi phí đầu tư như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các chi phí khác, nông dân còn lãi 30 triệu đồng/ha. Ngoài ra, các loại rau màu khác cũng đạt khá như rau muống lấy hạt đạt 3 tấn/ha, giá từ 27.000 - 28.000 đồng/kg; ớt có giá từ 14.000 đồng - 15.000 đồng/kg, nông dân vẫn có lợi nhuận.

07/03/2015
Sông Hinh (Phú Yên) Vui Được Mùa Đậu Đỏ Sông Hinh (Phú Yên) Vui Được Mùa Đậu Đỏ

Trồng sắn mì nhiều năm làm đất bạc màu và củ ít, nên đầu tháng 9/2014, anh Ma Blý (xã Ea Bia, huyện Sông Hinh) đã quyết định chuyển 1,9ha đất rẫy trồng sắn của mình sang trồng cây đậu đỏ. Niềm vui đã đến với gia đình Ma Blý, khi đậu đỏ vừa được mùa, được giá.

07/03/2015
Lợi Lớn Từ Liên Kết Sản Xuất Cá Tra Lợi Lớn Từ Liên Kết Sản Xuất Cá Tra

Trước đây, mặc dù gia đình ông Tâm có 5.000 m2 diện tích đất vườn nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thường thiếu trước hụt sau. Đến năm 2000, phong trào nuôi cá tra ở một số nơi rầm rộ đã thôi thúc ông Tâm phải chuyển cách làm ăn. “Tôi đã đào và thả nuôi được 3ha diện tích mặt nước. Lúc ấy không đủ vốn, tôi phải mượn của dòng họ và vay ngân hàng. Hai năm đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm nên không lời nhiều…” - ông Tâm nhớ lại.

20/01/2015
Loạn giá hạt mắc ca Loạn giá hạt mắc ca

Số lượng hạt bán ra thị trường chưa nhiều, trong khi thông tin về loại cây mới này đang nóng lên từng ngày khiến giá thu mua mỗi nơi một kiểu.

09/04/2015
Nghệ An tập trung sản xuất giống thủy sản Nghệ An tập trung sản xuất giống thủy sản

Quỳnh Lưu, Hoàng Mai (Nghệ An) là trung tâm sản xuất giống thủy sản. Không chỉ cung cấp cho địa bàn trong tỉnh, những năm qua cùng với việc áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật, cộng với cơ chế khuyến khích của tỉnh, các cơ sở sản xuất giống ở đây phát triển nhanh đã trở thành trung tâm sản xuất giống có uy tín của cả khu vực Bắc miền Trung.

10/04/2015