Nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm
Ý thức chủ quan của người chăn nuôi và sự vào cuộc thiếu sâu sát, quyết liệt của chính quyền cơ sở trong công tác phòng chống dịch bệnh khiến nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1 ở Hà Tĩnh là rất cao...
Xã Phú Lộc (Can Lộc) đã có gia cầm chết vì H5N1 nhưng chốt kiểm dịch dựng sơ sài, không có rào chắn.
Sau khi nghe phản ánh của ngành chuyên môn về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm vừa xẩy ra ở xã Phú Lộc còn nhiều hạn chế, chúng tôi tìm về thôn Đông Thịnh, nơi đàn vịt của gia đình anh Phạm Nhật Thành bị mắc bệnh, ốm chết, buộc phải tiêu hủy 380 con.
Ngay trên đường vào nhà anh Thành, biển báo “nghiêm cấm mua bán, vận chuyển gia cầm vào ra trên địa bàn” đã được gắn nhưng không thấy sào ngăn cùng người trực gác. Đi sâu vào trong, vôi bột được rắc đầy đường mà gia cầm thì vẫn “tung tăng” khắp nơi.
Ngay trước sân nhà anh Thành, một đàn chim bồ câu bay nhảy cùng đàn gà con tìm kiếm thức ăn...
Anh Thành buồn bã nói: Chiều 15/9, khi ra thăm trang trại thì phát hiện một vài con vịt bỏ ăn, đi lại khó khăn.
Nghi vịt bị dịch tả, anh vội vàng mua thuốc về tiêm nhưng chỉ một tiếng sau, nhiều con lăn ra chết. Lúc này, anh mới báo với chính quyền địa phương, ngành chuyên môn.
Đàn vịt trên được anh mua ở Đức Thọ cách đây 2 tháng và đã tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm 14 ngày trước khi xẩy ra dịch.
Tuy nhiên, anh lại không nhận được giấy chứng nhận đã tiêm phòng của cán bộ thú y. Vì vậy, 380 con ốm chết và đem đi tiêu hủy sẽ không có cơ sở xác định đã được tiêm phòng.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Trần Hùng cho rằng: Theo quy định, sau khi tiêm vắc-xin cho gia súc, gia cầm, cán bộ thú y xã và huyện phải cấp giấy chứng nhận cho người dân để sau này khi dịch bệnh nguy hiểm xẩy ra có căn cứ làm thủ tục hỗ trợ cho họ.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lộc - Nguyễn Xuân Chương, nhận thức của người chăn nuôi trên địa bàn xã còn rất hạn chế; tỷ lệ tiêm phòng hàng năm đạt thấp.
Sau hơn 1 tháng triển khai tiêm vắc-xin định kỳ đợt II/2015, toàn xã mới tiêm được 2.000 liều trên tổng đàn khoảng 10.000 con gia cầm.
Qua đó cho thấy, ngoài ý thức của người dân thì cấp ủy, chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn.
Vừa qua, 1.000 con gia cầm của gia đình ông Võ Văn Nguyên ở thôn Bắc Trị, xã Thạch Trị (Thạch Hà) bị ốm chết và buộc phải tiêu hủy cũng chưa được tiêm phòng vắc-xin H5N1 theo định kỳ, môi trường chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh.
Vì vậy, trong thời điểm giao mùa, sức đề kháng của vật nuôi giảm nên dịch rất dễ phát sinh và lây lan.
Chi cục Thú y tỉnh đã tập trung chỉ đạo, cung ứng đầy đủ các loại vắc-xin để các địa phương triển khai tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đợt II/2015 từ 1/8 - 20/9.
Thế nhưng, theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, đến thời điểm này, tỷ lệ tiêm phòng bệnh cho gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh đạt quá thấp, chỉ mới hơn 12%. Trong đó, Can Lộc trên 3%, Thạch Hà gần 2%...
Vào thời điểm này, vật nuôi đã hết thời gian miễn dịch vắc-xin tiêm phòng đợt I/2015 nên nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trong thời gian tới rất cao.
Chi cục trưởng Chi cục Thú y Phạm Thanh Bình cho biết: Sở NN&PTNT cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1.
Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguy cơ, tác hại và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; khẩn trương rà soát, kiểm tra tổng đàn để tổ chức tiêm phòng bao vây triệt để, đảm bảo chất lượng; phát động làm tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi.
Đặc biệt là giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để phát hiện và xử lý kịp thời khi mới xuất hiện, tuyệt đối không được giấu dịch...; đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc báo cáo tình hình dịch bệnh định kỳ và đột xuất theo quy định.
Có thể bạn quan tâm
Theo ông Đinh Trung Kiên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), nghề nuôi trồng tu hài đã phát triển nhiều năm nay ở địa phương. Đến nay, Vân Đồn đã có khoảng 100 hộ gia đình và 3 doanh nghiệp nuôi tu hài, thu hút một lượng lớn lao động và mang lại thu nhập khá cao cho ngư dân trong vùng.
Hiện cả nước có 6.000 cơ sở chế biến có công nghệ thiết bị tương đối hiện đại, trong đó, hơn 2.000 cơ sở chế biến nông sản, 570 cơ sở chế biến thủy sản và 3.000 cơ sở chế biến gỗ. Một số ngành đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…, điển hình như thủy sản, nhân hạt điều, hồ tiêu, đồ gỗ...
Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, với 626.757 ha, trong đó có 567.000 ha rừng và gần 60.000 ha đất chưa có rừng. Đây là tiềm năng lớn để tạo bước đột phá cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên tiềm năng này chưa được khơi dậy một cách hiệu quả, bền vững.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế của ngành chức năng thì hiệu quả kinh tế của cây mía chưa cao, nhất là những diện tích mía tơ (năm đầu) lợi nhuận thấp (chỉ khoảng 3 triệu đồng/ha). Cũng do những vùng đất này trước bị bỏ hoang, nên dinh dưỡng trong đất kém, do đó phải chờ đến năm thứ 2, thứ 3 (mía gốc), nông dân mới có lợi nhuận từ 15 đến 20 triệu đồng/ha/năm.
Những vườn tiêu xanh tốt bời bời trên vùng đất Kông Chro (Gia Lai) là hình ảnh rất hiếm gặp. Tuy nhiên, đi qua 2 xã Yang Trung và Chơ Long, chứng kiến nhiều vườn tiêu cả ngàn trụ, năng suất không thua kém “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh dễ khiến người ta tò mò...