Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Trồng Sắn Lao Đao Vì Nhà Máy Ethannol

Người Trồng Sắn Lao Đao Vì Nhà Máy Ethannol
Ngày đăng: 16/10/2013

Một mặt muốn bỏ sắn, một mặt vẫn muốn trồng để nghe ngóng tiến độ thi công của nhà máy nhiên liệu sinh học là tình trạng hiện nay của các hộ dân trồng sắn xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ.

Với nhiều người dân các xã Khả cửu, Đông cửu và Thượng Cửu của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, thu nhập chính vẫn là từ trồng sắn. Vì vậy, năm 2011 nhiều gia đình ở đây đã đăng ký tham gia dự án trồng sắn nguyên liệu phục vụ nhà máy ethanol. Thế nhưng, hiện tại nhà máy này đang hoạt động rất cầm chừng khiến người dân rơi vào cảnh khó khăn, không biết sắn trồng ra có bán được hay không.

 Anh Nguyễn Quang Thắng - xã Khả Cửu là một trong nhiều người dân đã được lựa chọn tham gia dự án trồng sắn nguyên liệu phục vụ nhà máy ethanol từ năm 2011. Tuy nhiên, do đến giờ nhà máy còn chưa xây xong, nên anh và các hộ khác đành phải bán sắn cho các thương lái nhỏ lẻ mà không có một hợp đồng kinh tế ràng buộc nào. Giá cả, sản lượng tiêu thụ hoàn toàn do người mua định đoạt. Năm nay, chỉ còn hơn tháng nữa là thu hoạch sắn và anh Thắng cũng như nhiều người dân vẫn luôn ở tình trạng phấp phỏng lo âu cho đầu ra của loại cây này.

“Gia đình tôi trồng hơn 3.000 ha sắn, nhà máy hứa thu mua sắn ổn định với giá 1.200 đồng/kg sắn tươi. Tuy nhiên, sau đó nhà máy không thực hiện được như đã hứa, nên chúng tôi phải bán cho thương lái và bị ép giá chỉ còn 1.000 đồng/kg”, anh Thắng cho hay.

Theo như kế hoạch, nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol duy nhất tại miền Bắc được đặt tại huyện Tam Nông, Phú Thọ sẽ đi vào hoạt động từ 2011, thế nhưng đã hơn 1 năm nay nhà máy này vẫn tồn tại như một công trình bỏ hoang. Lý do là bởi lãi suất, giá cả vật tư đã tăng cao so với dự kiến, khiến công ty không thể đủ vốn để tiếp tục triển khai dự án. Do đó, dù đã hoàn thành 90% khối lượng, nhà máy vẫn phải “đắp chiếu nằm chờ”. Không chỉ thiệt hại về kinh tế cho chủ đầu tư mà tình trạng đình trệ còn kéo theo nhiều hệ lụy khác.

“Do dự án dừng lại nên tất cả chương trình được lên kế hoạch trước đó để phát triển vùng nhiên liệu phải thay đổi. Vì vậy, sau này nhà máy hoàn thành, việc phát triển vùng nguyên liệu chắc chắn gặp nhiều khó khăn”, ông Đặng Đình Đăng - Trưởng phòng nguyên liệu Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí cho hay.

Cả thôn Bái, ở xã Đông cửu, huyện Thanh sơn, từng có thời điểm nhà nhà vui mừng vì sự kiện xây dựng nhà máy ethanol. Thế nhưng, bây giờ những lò sấy sắn khô đã phải chuyển sang làm chuồng nuôi lợn. Cả thôn giờ chỉ còn gia đình anh Trần Văn Dự là đang làm ăn thật sự với cây sắn, khi anh vừa trồng nhiều nhất xã, vừa buôn sắn.

10 năm nay, có hai cái xe ô tô để vận chuyển sắn, nhưng anh Dự cho biết nếu cứ giữ tình trạng các nhà máy chế biến sắn như hiện nay không chỉ bà con bị ép giá, mà người đi buôn như anh cũng không ngoại lệ. “Nhà máy độc quyền ép giá chúng tôi, chúng tôi buộc phải mua thấp giá nguyên liệu từ bà con”, anh Dự nói.

Anh Hà Minh Sứ - Trưởng thôn Bái, xã Đông Cửu cho biết, cũng nhờ có nhà máy ethanol năm 2010-2011 giá sắn lên cao đỉnh điểm. Năm ngoái, hầu hết mọi gia đình trong thôn ai ai cũng trồng sắn. Riêng gia đình anh cũng trồng liền 5ha. Thế nhưng, năm nay nhà máy ethanol vẫn chưa biết khi nào đi vào hoạt động, nên diện tích trồng sắn lại giảm 200ha.

Toàn huyện Thanh Sơn có 1500ha sắn, nhưng từ khi có chuyện nhà máy ethanol chậm tiến độ, cây sắn càng không được coi trọng. Dân tự quyết định trồng hay bỏ, còn chính quyền lại buông tay trong quản lý. Hệ lụy từ việc hoạt động cầm chừng hay dừng nửa chừng của các nhà máy ethanol đang đè nặng lên vai nông dân trồng sắn.


Có thể bạn quan tâm

Mở Rộng Quyền Khai Thác Mặt Nước Biển Ven Bờ Cho Ngư Dân Mở Rộng Quyền Khai Thác Mặt Nước Biển Ven Bờ Cho Ngư Dân

Theo ông Nguyễn Lương Hiền, Chủ tịch Hội Nghề cá Thừa Thiên-Huế, đây là mô hình đồng quản lý giữa nhà nước và cộng đồng ngư dân. Việc các địa phương ven biển giao quyền khai thác mặt nước biển ven bờ giúp ngư dân tránh đánh bắt bằng các phương tiện theo lối tận thu, hủy diệt; giảm bớt chi phí trong công tác quản lý.

15/07/2014
Hiệu Quả Trồng Màu Trong Nhà Màng Hiệu Quả Trồng Màu Trong Nhà Màng

Trong đó, việc trồng rau màu trong nhà màng là một trong những mô hình đã và đang mang lại hiệu quả đáng kể cho nông dân. Qua đó, góp phần tăng sản lượng, nâng chất lượng nông sản cũng như đóng góp tích cực trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.

04/12/2014
Bình Định Hỗ Trợ Ngư Dân 639,5 Tỉ Đồng Mua Nhiên Liệu, Bảo Hiểm Và Máy HF Tầm Xa Bình Định Hỗ Trợ Ngư Dân 639,5 Tỉ Đồng Mua Nhiên Liệu, Bảo Hiểm Và Máy HF Tầm Xa

Chính sách hỗ trợ ngư dân đã tạo bước chuyển đổi mạnh mẽ về ngư trường và ngành nghề khai thác thủy sản; tăng số lượng tàu có công suất lớn với các thiết bị hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi bám biển khai thác thủy sản, tăng thu nhập, góp phần bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

15/07/2014
Bão Rammasun Giật Cấp 16 Đang Hướng Vào Biển Đông Bão Rammasun Giật Cấp 16 Đang Hướng Vào Biển Đông

Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 7h ngày 16/7, vị trí tâm bão Rammasun ở vào khoảng 14,2 độ Vĩ Bắc; 120,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

16/07/2014
Đẩy Mạnh Xúc Tiến Thương Mại Gà Đồi Yên Thế (Bắc Giang) Đẩy Mạnh Xúc Tiến Thương Mại Gà Đồi Yên Thế (Bắc Giang)

Ngày 1-12, tại huyện Yên Thế (Bắc Giang), Sở Công thương Bắc Giang phối hợp với UBND huyện Yên Thế tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế. Tham dự hội nghị có đại diện một số sở Công thương, đơn vị tiêu thụ, kinh doanh gà đồi tại Hà Nội, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh... và hộ chăn nuôi trên địa bàn.

04/12/2014