Ông Tư Đại Ba Ba Ở Mỹ Tú
Ông Hồ Văn Đại mà mọi người ở ấp Mương Khai, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) thường quen gọi ông với cái tên rất thân thiện là Tư Đại ba ba, ông là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương, nhờ việc nuôi ba ba hiệu quả, đến nay ông đã có được một cơ ngơi đáng để nhiều người mơ ước.
Con đường trở thành… ông chủ ba ba
Ông Tư Đại năm nay 58 tuổi thì cũng có đến 10 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi ba ba. Sau những năm lăn lộn với mọi thứ nghề, nhưng đều thất bại. Năm 2004, ông quyết chí làm giàu bằng nghề nuôi ba ba. Qua tìm hiểu sách báo và cán bộ khuyến nông cùng một số người nuôi ba ba, ông thấy nuôi ba ba là một hướng làm ăn hay, vì con ba ba không “khó tính” lắm, kỹ thuật chăm sóc cũng đơn giản mà giá bán lại cao, nguồn tiêu thụ ổn định nên ông quyết tâm đầu tư tiền của, cải tạo ao để nuôi ba ba.
Ban đầu do vốn ít nên ông chỉ nuôi trên 300 con, mặt khác chưa có kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi ba ba nên ba ba chậm lớn, hiệu quả không cao. Nhiều người xung quanh khuyên ông không nên nuôi vì từ trước đến nay ở địa phương chưa có ai nuôi.
Không chịu thất bại, ông tiếp tục học hỏi cách nuôi ba ba của các nơi khác, đồng thời đọc thêm sách báo hướng dẫn cụ thể, tiếp tục thuê người vét bùn, mở rộng ao nuôi.
Bởi vậy, chỉ đến năm 2010, số lượng ba ba giống của gia đình ông đã tăng lên 28 nghìn con. Trong đó, 4.000 con được hỗ trợ từ Trạm khuyến nông huyện Mỹ Tú và 24.000 con giống do ông tự đầu tư cùng với 6 ao nuôi được ông cải tạo, xây dựng trên đất vườn trồng cây ăn trái không hiệu quả (0,5 ha).
Những năm gần đây thị trường tiêu thụ khá ổn định, năm vừa qua ông đã thu được 200 triệu từ bán ba ba thịt (1 ao) (giá bán ba ba thịt loại 1 là 380.000 đồng/kg) và 40 triệu đồng từ bán ba ba giống.
Nhiều kinh nghiệm trong nuôi ba ba
Nhiều hộ nuôi tại địa phương “trắng tay” thì gia đình ông Tư Đại hầu như không bị ảnh hưởng. Ông Đại cũng cho biết, khi nắm chắc đặc tính của chúng và các biện pháp kỹ thuật thì ba ba thực ra rất dễ nuôi, cách chăm sóc không có gì phức tạp. Theo kinh nghiệm của ông, ao nuôi ba ba cần có mức nước sâu 1,8 - 2m, mùa lạnh mức nước không được dưới 0,5m, nếu ao có điều kiện thay nước, có thể nuôi ở mật độ 5 đến 6 con/m2; ao không có điều kiện thay nước, nuôi mật độ 4 con/m2.
Ông đã ngăn 1/4 diện tích ao nuôi để trồng bông súng vừa giúp lọc nước vừa là nơi để ba ba nghỉ ngơi, phơi nắng, phòng chống bệnh nấm da. Nếu ao thường xuyên được thay nước không cần thả lục bình hay trồng bông súng mà thả nẹp tre để ba ba trèo lên phơi nắng. Một phần diện tích đáy ao cần đổ cát sạch để ba ba nằm nghỉ.
Theo ông Đại, thức ăn của ba ba gồm 2 loại chính là động vật tươi sống và thức ăn công nghiệp. Thông thường, ông cho ba ba ăn bằng cá tươi, ốc bưu… Nếu ba ba nhỏ cần đập vỏ lấy thịt ốc, ngoài ra cho ba ba các loại cá vụn, xác động vật chết. Với ba ba thịt, nên cho ăn ở một điểm cố định. Lượng thức ăn chỉ cho vừa đủ, tránh để dư thừa gây ô nhiểm nguồn nước, những ngày trời nắng đẹp ba ba ăn mạnh thì cho ăn hai bữa một ngày.
Bên cạnh việc nuôi ba ba, ông còn trồng nhiều loài cây trong vườn như vú sữa, đu đủ, xoài, cây kiểng… cũng mang về cho ông nguồn thu nhỏ.
Với những kết quả đã đạt được, nhiều năm qua ông luôn được Hội nông dân huyện trao tặng danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”.
Anh Võ Văn Thái, cán bộ Trạm khuyến nông huyện Mỹ Tú cho biết: “Ông Đại luôn biết sáng tạo trong sản xuất, địa phương đã biểu dương và khen thưởng kịp thời. Tới đây, mô hình nuôi ba ba của ông Tư Đại sẽ được nhân rộng cho bà con trong vùng học tập, Trạm sẽ mở lớp tập huấn, và hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho bà con nông dân".
Có thể bạn quan tâm
Cồn Cống là cù lao nhỏ nằm kẹp giữa hai vàm Cửa Tiểu và Cửa Đại trên sông Tiền, thuộc huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Với một mặt hướng thẳng ra Biển Đông, Cồn Cống không khác gì chốt tiền tiêu thiên nhiên, ngày đêm canh giữ vùng biển hạ lưu sông Tiền.
Làm thế nào để tiêu thụ hết sản lượng thanh long sản xuất ra với giá cả hợp lý, tăng thu nhập cho nông dân…? Đó là mục tiêu để mô hình liên kết doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân tiêu thụ thanh long và cung ứng vật tư nông nghiệp được hình thành.
Nhiều đề tài, dự án trồng nấm bước đầu có hiệu quả như “Xây dựng mô hình SX nấm dược liệu, nấm thực phẩm cao cấp” của Cty nấm Thuận Thái, “Xây dựng nhân rộng mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu” của Trường CĐ Công nghệ & kinh tế Bảo Lộc, “Xây dựng mô hình trồng một số loại nấm ăn có giá trị dinh dưỡng cao” của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm NLN Lâm Đồng...
Theo đánh giá của huyện, trong 6 tháng qua, tình hình nuôi tôm biển cực kỳ khó khăn, tôm chết hàng loạt dẫn đến nhiều thiệt hại lớn cho người nuôi. Năm nay, tiến độ thả giống nuôi tôm biển rất chậm, toàn huyện chỉ thả khoảng 13.000 ha so kế hoạch 16.000 ha, đạt 85% kế hoạch năm, so cùng kỳ giảm 14% (2.231 ha).
Phòng chống dịch bệnh thủy sản đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách trong bối cảnh nước ta tiếp tục đẩy mạnh XK và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, hệ thống quản lý giám sát dịch bệnh, thú y thủy sản ở các địa phương lại chưa thống nhất và xuyên suốt, thiếu đội ngũ cán bộ, thiếu nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ chế chính sách về thú y thủy sản... Hàng năm, dịch bệnh vẫn xảy ra ở nhiều địa phương và người nuôi thủy sản vẫn phải âm thầm chịu đựng tổn thất!