Người trồng mía ở Hậu Giang được mùa trúng giá
Với mức giá này, nông dân có lợi nhuận từ 40 - 60 triệu đồng/ha, tùy theo năng suất cao hay thấp.
Đây là vụ mía mà nông dân có lãi cao nhất trong vòng ba năm trở lại đây.
Được mùa, trúng giá!
Đến nay, nông dân Hậu Giang thu hoạch hơn 4.500/11.587 ha mía (năng suất bình quân đạt 110 tấn/ha), tập trung ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy.
Những ngày này, có dịp đi vào vùng mía Phụng Hiệp mới cảm nhận nỗi vui mừng của bà con nơi đây.
Không khí thu hoạch mía rất nhộn nhịp, người đốn, người thu gom, vận chuyển, người thì cân mía đưa xuống ghe, cùng với tiếng cười, đùa vui…, phá tan bầu không khí vốn yên tĩnh ở chốn thôn quê…
Ông Nguyễn Thành Công ở ấp Phương Quới C, xã Phương Bình (Phụng Hiệp) đang thu hoạch 7 công mía giống ROC 16, hồ hởi: “Năng suất mía năm nay đạt khá cao, từ 100 - 110 tấn/ha; còn chữ đường cũng đạt trên 10 CCS.
Với giá như hiện nay, gia đình có lãi không dưới 40 triệu đồng, cao hơn gấp 5 lần so với vụ mía trước.
Nếu giá mía vẫn giữ được mức như thế này thì nông dân trồng mía năm nay sống khỏe”.
Còn ông Nguyễn Văn Đặng, ở ấp Hòa Hưng, thị trấn Búng Tàu (Phụng Hiệp), bùi ngùi nhớ lại: “Do khu vực này là vùng trũng nên mọi năm vào thời điểm này, nước đã ngập khỏi mặt liếp mía khá cao.
Sau khi nước rút, tôi phải chở khoảng 10 tấn mía còn sót lại trong quá trình thu hoạch 1 ha của gia đình về phơi khô làm củi.
Nhưng năm nay, tình trạng này không còn, mía được đốn tận gốc, năng suất tăng, trong khi giá mướn nhân công thu hoạch lại rẻ.
Phải chi vụ nào cũng như thế này thì khỏe biết mấy!”.
Theo ông Nguyễn Thế Tự, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, bình quân mỗi ngày, bà con thu hoạch từ 80 - 100 ha mía, với khoảng 250 chiếc ghe của thương lái sẵn sàng đi thu mua mía của bà con, rồi chở về các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, năm nay nhờ tổ chức phân vùng, chia thời điểm xuống giống, khi bước vào thu hoạch rộ thì sắp xếp nhà máy thu mua theo phân vùng này, nên tránh được tình trạng thu hoạch rộ cùng thời điểm dễ bị ép giá.
Mặt khác, lần đầu tiên Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã hỗ trợ 50 máy đo trữ đường tại rẫy mía, nhằm giúp cho cán bộ, người nông dân có thể tự kiểm tra, xác định trữ đường trước một bước tại rẫy mía của mình, để xác định thời gian đốn mía cho phù hợp…
Để cây mía phát triển bền vững!?
Theo đánh giá của ngành chức năng, việc giá mía năm nay tăng cao do nhiều yếu tố như: Giá đường trên thị trường gần đây nhích lên dần (từ 14.200 - 14.500 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ), lượng đường tồn kho tại các nhà máy còn ít, công tác chống buôn lậu đường qua các tỉnh biên giới được siết chặt.
Trong khi đó, sức tiêu thụ đường trong nước đang tăng mạnh, nhất là vào thời điểm bước vào mùa lễ, cưới, Tết, cuối năm.
Mặt khác, diện tích mía toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm khoảng 6.000 ha so với vụ trước (hiện chỉ còn gần 42.000 ha), riêng tỉnh Hậu Giang giảm khoảng 1.500 ha.
Vì thế, nhiều khả năng các nhà máy đường trong vùng sẽ gặp khó do không đủ nguồn mía nguyên liệu để ép theo kế hoạch đề ra, buộc phải tranh thủ đi thu mua, góp phần đẩy giá mía lên cao và dự báo giá sẽ ổn định đến cuối vụ.
Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Casuco, cho rằng: Việc giá đường đang ở mức cao, kéo theo giá thu mua mía nguyên liệu trong dân cũng tăng lên, bà con rất phấn khởi.
Hơn nữa, năm nay nước lũ ít nên không có áp lực thu hoạch mía chạy lũ, bà con không đốn mía tập trung mà ưu tiên thu hoạch những giống chín sớm trước, nên mía chở ra nhà máy đường đều bảo đảm đạt năng suất và chữ đường.
Từ đó, doanh nghiệp sản xuất có hiệu quả, nông dân đạt lợi nhuận cao.
Nhiều năm qua, người trồng mía ở Hậu Giang mới tìm lại được nụ cười.
Tuy nhiên, sẽ khó giữ được lâu, khi mà ngành mía đường trong nước đang đứng trước áp lực cạnh tranh rất lớn từ đường của một số nước lân cận, đặc biệt là Thái Lan.
Do đó, để cây mía phát triển bền vững, bài toán cần sớm được giải đó là ngoài việc chọn giống mía cho năng suất, chất lượng cao, thì phải hạ được giá thành sản xuất.
Hiện tại, giá thành sản xuất mía của Hậu Giang còn khá cao, từ 700 - 750 đồng/kg.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết: Ngành nông nghiệp tỉnh đang xây dựng đề án về cây con giống nông nghiệp, trong đó có cây mía để hỗ trợ giống cho bà con.
Song song đó, tỉnh cũng xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp thực hiện chương trình cánh đồng lớn ở vùng mía nguyên liệu trên địa bàn, với tổng diện tích ổn định khoảng 10 nghìn ha.
Giải pháp thực hiện là phát huy hiệu quả tối đa mối liên kết “bốn nhà”, như đã và đang thực hiện trên cây lúa.
Một khi hình thành nên những cánh đồng mía lớn, việc đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất sẽ dễ dàng hơn, tiết giảm được giá thành, nông dân có lợi cao, doanh nghiệp yên tâm sản xuất với vùng mía nguyên liệu ổn định theo hướng phát triển bền vững…
Có thể bạn quan tâm
Vụ sản xuất mía đường 2015 - 2016 đã bắt đầu vào mùa, thế nhưng rất nhiều nhà máy tại các tỉnh trọng điểm về mía đường như Tây Ninh, Sóc Trăng, Hậu Giang... đang như “ngồi trên đống lửa” vì không biết “bói” đâu ra nguyên liệu mía.
Việc trồng mới cao su cần nguồn vốn lớn, giá mủ rẻ, thời gian cho thu hoạch mất nhiều năm, nên người dân không còn mặn mà với cây cao su. Do vậy, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh tạm dừng kế hoạch trồng mới cao su năm 2015.
Tại Đồng Tháp, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp tổ chức Diễn đàn “Sản xuất cá tra theo chuỗi giá trị vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
Trong cuộc trao đổi với báo Đại Đoàn Kết tại thời điểm vừa kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), GS Võ Tòng Xuân dự báo, gạo Việt sẽ phải đối diện với viễn cảnh “màu xám”.
Việt Nam có thâm niên xuất khẩu gạo suốt 26 năm, còn Campuchia chỉ bắt đầu xuất khẩu từ năm 2008. Nhưng 3 năm trở lại đây, gạo Campuchia đã trở thành đối thủ cạnh tranh tiềm tàng với gạo Việt Nam.