Lương Thấp, Tự An Ủi Mình
Ông Lại Văn Hiếu, Giám đốc TTKN Hà Nam cho biết, là tỉnh thuần nông, người dân Hà Nam chủ yếu sống nhờ vào nông nghiệp, nên rất cần tư vấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của KNVCS. Đặc thù là mỗi KNVCS chỉ được đào tạo một chuyên ngành nhất định. Trong khi đó, SX nông nghiệp của địa phương lại đòi hỏi KNVCS phải có kiến thức về nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì vậy KNVCS phải liên kết lại thành từng tổ, nhóm nhằm hỗ trợ địa phương SX.
"Vì chỉ có một chuyên môn nhất định, nên khi xuống cơ sở tập huấn, KNVCS vấp phải nhiều câu hỏi khó của bà con về lĩnh vực không đúng chuyên ngành của mình. KNVCS trở nên lúng túng, có trả lời nhưng không đúng chuyên môn", ông Hiếu nói.
Từ thực trạng trên, đầu năm 2011 TTKN Hà Nam đã triển khai mô hình liên kết nhóm KNVCS, thành phần gồm đầy đủ lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, thú y…) hoạt động theo vùng, giúp đỡ, hỗ trợ nhau về kiến thức để việc tập huấn có hiệu quả. Đến nay 100% số KNVCS đã thực hiện liên kết nhóm, trung bình mỗi huyện thành lập từ 4 đến 6 nhóm, tổ chức tập huấn thường xuyên, KNVCS thay nhau trả lời bà con bất cứ câu hỏi gì còn thắc mắc.
Phụ cấp "kịch trần" 830.000 đồng/tháng
Việc liên kết KNVCS bước đầu đem lại hiệu quả SX. Ngoài ra KNVCS cũng có thêm kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau về kiến thức chuyên ngành. Anh Nguyễn Văn Quân, cán bộ KNVCS xã Nguyễn Úy (huyện Kim Bảng) chia sẻ: “Với một chuyên ngành trồng trọt như tôi hiện nay thì không thể đáp ứng được nhu cầu của người dân. Từ khi liên kết KNVCS, chúng tôi được làm rất nhiều việc. Thậm chí có ngày phải "chạy sô" đến tối mới về được đến nhà”.
Tuy nhiên, đa số KNVCS đều phàn nàn bởi mức phụ cấp hiện nay quá thấp. Vì thế nhiều người không mặn mà với công việc của mình. Anh Quân cho biết, sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng nông nghiệp, chuyên ngành trồng trọt, anh về làm cán bộ khuyến nông xã, ban đầu mỗi tháng chỉ được phụ cấp vài trăm nghìn. Mới đây lương được tăng lên mức "kịch trần" là 830.000 đồng/tháng. "Kiến nghị mãi cũng chỉ được mức lương đó, nhưng so với KNVCS nơi khác trong tỉnh còn cao hơn, nên đành tự an ủi mình thôi".
Cũng theo anh Quân, mức phụ cấp khuyến nông như hiện nay là quá bèo, không đủ tiền mua xăng xuống cơ sở tập huấn cho bà con, chứ chưa nói đến tiền cho con cái ăn học. Để đảm bảo cho cuộc sống gia đình, anh phải làm thêm nhiều việc khác như trồng rau màu, mở cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.
Là người cao tuổi nhất trong nhóm KNVCS huyện Kim Bảng, ông Lê Xuân Phường, 53 tuổi (xã Tượng Lĩnh) đã có thâm niên 30 năm công tác khuyến nông. Song đến nay mức phụ cấp của ông cũng chỉ được 580.000 đồng/tháng. Hàng ngày ngoài công việc chuyên môn, ông Phường còn phải làm thêm việc khác. Người dân trong làng, ngoài xã nhờ việc gì ông đều làm hết, khi thì hướng dẫn trồng trọt, khi thì tiêm vacxin cho gia súc, gia cầm.
Ngoài ra ông Phường còn kiêm phụ trách mảng bảo vệ thực vật trong xã, phụ cấp cũng được thêm 415.000 đồng/tháng. “Mình không làm nhiều việc thì con cái mình chết đói hết. Mang tiếng làm cán bộ, đi làm suốt ngày thế mà có tiền đâu? Trước đây chỉ làm khuyến nông, con cái xin tiền nộp học hay nhà có tí việc gì là phải đôn đáo vay mượn khắp nơi”, ông Phường tâm sự.
Bên cạnh các tổ liên kết KNVCS, toàn tỉnh Hà Nam có 250 câu lạc bộ khuyến nông với 2.500 lượt hội viên thường xuyên tham gia. Ngoài ra, các câu lạc bộ còn phối hợp với các tổ chức đoàn thể như hội nông dân, hội phụ nữ… để tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các hội viên.
Chị Trương Thị Thủy, cán bộ KNVCS xã Ngọc Sơn (Kim Bảng) cho biết, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Thủy sản Nha Trang chị về địa phương làm việc, đến nay mới được một năm. “Nông dân chỉ cày cấy, thu hoạch theo thời vụ, không có nghề phụ thì họ ở nhà nghỉ ngơi. Hôm nay không thích ra đồng thì mai ra. Còn những KNVCS như tôi thì không kể nắng mưa, ngày nào cũng có mặt ngoài đồng. Nghĩ cũng ngại, mỗi lần có đứa bạn đám cưới là lại phải ngửa tay xin tiền mẹ. Nhiều lúc muốn bỏ quách nghề để tìm việc khác, nhưng bỏ rồi cũng chẳng biết làm cái gì”.
Khi hỏi về cơ chế chính sách cho đội ngũ KNVCS, ông Kiều Tuấn, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Kim Bảng cho biết, toàn huyện có 19 KNVCS, được chia thành 3 nhóm (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản), các KNVCS đang được hưởng phụ cấp của "ngành dọc" từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, tùy theo bằng cấp mà phụ cấp mỗi mức khác nhau. Thực tế khối lượng công việc của KNVCS rất nhiều, nhưng phụ cấp chẳng được bao nhiêu. Chúng tôi chỉ còn cách động viên họ gắn bó với nghề, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để anh em làm thêm, trang trải cuộc sống.
Ông Lại Văn Hiếu thừa nhận do hưởng chế độ quá thấp nên chưa khuyến khích KNVCS tích cực hoạt động. Thời gian tới Trung tâm sẽ đề xuất nâng mức phụ cấp cho khuyến nông viên như cán bộ thú y, BVTV nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới KNVCS.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình đang được thực hiện với 50ha gieo cấy giống lúa Nàng Xuân và 1,5ha gieo cấy giống lúa nếp Lang Liêu tại 2 xã Tư Mại và Thắng Cương. Qua tham quan đầu bờ, các đại biểu đánh giá cao những ưu điểm vượt trội của 2 giống lúa này so với giống đối chứng Khang dân 18 như thời gian sinh trưởng tương đương với Khang dân, khả năng kháng bệnh khá, chống đổ tốt và hiệu quả kinh tế cao
Xóm Phủ, xã Toàn Sơn (Đà Bắc - Hòa Bình) cách thị trấn Đà Bắc gần 10 km nằm chênh vênh trên lòng hồ. Xóm có 76 hộ, chủ yếu là người Dao sinh sống dựa vào trồng ngô, sắn, trồng rừng và đánh bắt thủy sản. Ngoài những nghề trên, việc phát triển chăn nuôi được bà con chú trọng bởi lợi thế gần rừng có nhiều nguồn thức ăn. Hầu hết các hộ trong xóm đều chăn nuôi từ 1 - 2 con đến hàng chục con lợn. Giống chủ yếu là lợn lai, lợn địa phương với hình thức bán chăn thả. Nhận thấy lợi thế, thời gian qua, Dự án AFAP đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn rừng và lợn địa phương. Dự án đã đầu tư cho xóm 11 con lợn giống (9 con lợn địa phương và 2 con lợn rừng) cho 9 hộ chăn nuôi tiêu biểu của xóm.
Do nắng nóng kéo dài, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 12.000 ha lúa thiếu nước. Ngành NN- PTNT đang chỉ đạo các Cty thủy nông thực hiện việc bơm nước liên tục để cứu lúa.
Đi khắp vùng bãi dọc sông Lam huyện Hưng Nguyên, vùng đồi núi của Nam Đàn, hay những diện tích lạc vùng đất cát pha Nghi Lộc, tất cả là một màu vàng trắng do cháy của ngô, màu xanh héo rũ xơ xác của lạc. Đã lâu lắm, chưa bao giờ cây màu vụ xuân của tỉnh Nghệ An đối mặt với hạn hán khốc liệt và thiệt hại nặng nề đến thế.
Nghị định 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa đã được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-7-2012. Theo đó, hàng năm, ngân sách nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước; hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.