Người Trồng Dưa Thấp Thỏm
Trong tình hình hiện nay, rủi ro của thị trường dưa hấu càng tăng gấp bội, khiến người trồng hoang mang.
Đứng ngồi không yên
Sáng ngày 4/6, chúng tôi có mặt tại xã Bình Nghi thuộc huyện Tây Sơn, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của cây dưa hấu ở tỉnh Bình Định.
Bởi Bình Nghi là địa phương đầu tiên của Bình Định du nhập cây dưa hấu từ Khánh Hòa về SX trên đồng đất quê nhà, sau đó hàng ngàn người dân ở đây rủ nhau đi khắp nơi thuê đất để trồng dưa hấu. Khoảng gần 20 năm nay, cây dưa hấu trở thành nguồn sống chính của người dân ở đây.
“Xã Bình Nghi có hơn 4.000 hộ dân thì đã có đến khoảng 2.000 hộ chuyên đi khắp nơi thuê đất để trồng dưa hấu, nhiều nhất là các thôn 2, thôn 3, thôn 4. Mỗi vụ, người dân ở đây du canh trồng đến hàng ngàn ha dưa hấu tại các tỉnh thuộc địa bàn Tây Nguyên và tỉnh Phú Yên.
Người dân các vùng nông thôn ở Bình Nghi được ở nhà cao, đi xe đẹp, có cuộc sống sung túc đều nhờ vào cây dưa hấu”, ông Võ Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Bình Nghi, cho biết.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, người trồng dưa hấu hoang mang, lo ngại, không biết vụ tới có nên trồng dưa hấu nữa hay không, vì lo thị trường Trung Quốc bất ổn, đây lại chính là thị trường duy nhất tiêu thụ dưa hấu của Việt Nam.
“Mặc dù việc giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, không biết đến khi vụ dưa chính của năm nay thu hoạch, thị trường Trung Quốc có còn nhập dưa hay không? Đến lúc ấy mà Trung Quốc không nhập dưa nữa thì kể như trắng tay”, ông Nguyễn Bá Lương, ở thôn 3, xã Bình Nghi (Tây Sơn- Bình Định), một người đã có 14 năm trong nghề trồng dưa hấu, lo lắng.
Ông Võ Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Bình Nghi, bày tỏ thêm: “Người trồng dưa đang đứng ngồi không yên cũng phải thôi, bởi nếu như trước đây các đại lý vật tư nông nghiệp chuyên phục vụ cho người trồng dưa ở Bình Nghi bán nợ thoải mái, bán dưa xong mới trả thì vụ này phải “tiền trao cháo múc”, có tiền mới bán hàng.
Điều này cho thấy không chỉ người trồng dưa mà đến các cơ sở bán VTNN cũng đang lo lắng về thị trường Trung Quốc. Nếu ngay bây giờ người trồng dưa không tính toán kỹ, cứ cắm đầu làm, đến khi bán không được là vỡ nợ hàng loạt”.
Tiến thoái lưỡng nan
Có nên trồng dưa vụ này hay không đang là vấn đề nan giải của người dân Bình Nghi? Bởi lẽ đất đai đã thuê xong xuôi, tiền cọc đã đặt, chỉ chờ ngày nhận đất để tháng 7 âm lịch tới là xuống giống, đến tháng 10 (ÂL) là thu hoạch vụ dưa sớm, đây cũng là thời điểm Trung Quốc bắt đầu nhập dưa của Việt Nam.
Nông dân Bùi Văn Ngọc đề xuất: “Qua nhiều năm mua bán dưa hấu tui thấy, ngoài thị trường Trung Quốc, dưa hấu còn được ăn mạnh ở các thị trường Lào, Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan…Chúng tôi rất muốn tiếp cận các thị trường này để không phải lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc”.
Giá thuê đất không phải rẻ, ở địa bàn tỉnh Gia Lai, nếu ai thuê sớm thì có giá từ 12 triệu đ/ha/vụ (4 tháng); nếu ai thuê sau, lúc đã hết đất thì phải chịu giá 15 triệu đ/ha/vụ. Đất ở Phú Yên còn cao hơn nhiều, nếu ai thuê trước thì 18 triệu đ/ha/vụ, thuê sau 25 triệu đ/ha vụ.
Trước những rủi ro tiềm ẩn đối với thị trường Trung Quốc, nhiều người trồng dưa ở Bình Nghi không dám chơi “canh bạc lớn”, có ý muốn hồi đất lại không thuê nữa, nhưng mọi thương lượng đều bất thành.
Ông Nguyễn Bá Lượng ở thôn 3, bộc bạch: “Từ đầu năm nay, 6 anh em tui hùn nhau lên xã Yamơ, huyện Chư-Prông (Gia Lai) thuê 13 ha đất tính để trồng dưa vụ tháng 7 đến tháng 10 (ÂL) thu hoạch cung ứng cho thị trường Trung Quốc, tiền cọc đã đặt hết rồi.
Nhưng nay thấy tình hình quá bất ổn, anh em bọn tui định thôi không trồng dưa vụ này nữa, nhưng các chủ đất cứ gọi điện bảo lên nhận đất miết. Khi bọn tui lên thương lượng xin chịu mất một ít tiền cọc, trả lại đất nhưng họ không chịu. Bọn tui đang tính toán nếu không trồng dưa thì nên trồng bắp hay đậu xanh để gỡ lại tiền thuê đất chứ không lẽ thuê đất rồi bỏ không”.
Ông Bùi Văn Ngọc cũng ở thôn 3, một trong những người đầu tiên ở xã Bình Nghi đến với cây dưa hấu từ năm 1998 cũng đang rất hoang mang. Theo ông Ngọc, trồng dưa hấu đầu tư rất cao, nếu đến khi thu hoạch mà bị “tắt” đầu ra thì kể như người trồng dưa phủi tay.
Bởi dưa hấu không như các loại nông sản khô, lúc này bán không được thì để khi khác bán; dưa hấu đến kỳ thu hoạch mà không hái sẽ bị chảy hạt, trái vỡ, hư hỏng hết.
Đã từng nhiều năm làm thương lái thu mua dưa chở đi Trung Quốc bán, ông Ngọc cho bết thêm: “Lúc còn đi mua bán, tui thường trò chuyện với các thương lái người Trung Quốc. Họ cho biết sau khi mua của Việt Nam, dưa hấu sẽ được đóng thành từng thùng, mỗi thùng 3 quả rồi dán tem Trung Quốc lên. Sau đó dưa hấu tiếp tục được cho lên xe để chở đi Mông Cổ, Pakistan… bán. Rõ ràng không chỉ có Trung Quốc mà dưa hấu vẫn còn nhiều thị trường tiềm năng khác”.
Có thể bạn quan tâm
Nông dân các huyện Cầu Ngang, Châu Thành (Trà Vinh) đang thu hoạch rộ vụ ớt chỉ thiên năm 2014. Giá ớt được thương lái mua 15.000 - 18.000 đồng/kg, với năng suất đạt khoảng 30 tấn/ha, sau khi trừ chi phí nông dân còn lời 150 - 300 triệu đồng/ha; mức lợi nhuận khá cao so với nhiều loại cây trồng khác.
Sau khi giá lúa nhích lên được vài ngày, mấy ngày qua giá lúa đã liên tục giảm trở lại. Nhiều nông dân, dù đã nhận tiền đặt cọc của thương lái nhưng vẫn không bán được lúa.
Những năm gần đây, nhiều gia đình ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp) mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, chuyển sang trồng mít Thái siêu sớm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gần một tháng nay, giá chuối già thu mua tại vườn tăng 3.000 đồng/kg so với đầu năm, ở mức 6.000 đồng đến 7.000 đồng/kg; chuối chưa già các chủ vựa cũng mua luôn.
Nhờ nuôi tôm hùm xuất khẩu, gần 3.000 hộ dân ở Thị xã Sông Cầu (Phú Yên) có cuộc sống ổn định, nhiều gia đình từ hai bàn tay trắng đến nay có thu nhập tới cả tỷ đồng.