Một Số Khuyến Cáo Trong Nuôi Tôm Công Nghiệp
Vụ mùa năm 2011-2012, ở Cà Mau, dịch bệnh tôm chết gây thiệt hại nặng nề cho nuôi tôm công nghiệp. Đến nay vẫn chưa có kết luận chính xác nguyên nhân tôm chết và cũng chưa có giải pháp khắc phục tôm chết hiệu quả.
Năm 2011, Viện Nuôi trồng thuỷ sản II kết luận tôm chết do ngộ độc tố thuốc trừ sâu. Kết luận đó cơ bản là đúng, nhưng trong thực tế, còn một nguyên nhân cơ bản nữa là do môi trường ngộ độc không khí (khí hậu biến đổi bất thường gây ra hiện tượng tôm chết đột ngột).
Qua khảo sát trên 10 khu vực cả 3 đơn vị: Đầm Dơi, Cái Nước, TP Cà Mau, tôm chết từ 70-90%, cho thấy mấy nguyên nhân chính: Những đầm nuôi có nhiều vụ nuôi trồng, đất bị thoái hoá, ô nhiễm. Nguồn nước cấp không bảo đảm, thiếu đầm lắng, lọc chưa được tốt.
Xử lý diệt khuẩn thường có chất thuốc trừ sâu hoặc dùng thuốc diệt khuẩn cao, làm tồn lưu, ô nhiễm nguồn nước và đáy đầm nuôi tôm. Xung quanh đầm nuôi là một vùng đất trống, không có cây cỏ để điều hoà, ổn định môi trường.
Từ 3 nguyên nhân chính nói trên dẫn tới tôm chết hàng loạt.
Cũng qua khảo sát khu vực nuôi tôm nói trên, liền kề đó có trên 30 hộ nuôi tôm với 126 đầm. 30 hộ này nuôi đạt từ 90% trở lên, hộ nuôi lâu nhất 12 năm, ít nhất là 2 năm. Đây là một thành công lớn trước tình hình dịch bệnh tôm chết. Nguyên nhân nuôi được xác định do khâu xây dựng cải tạo đầm nuôi bảo đảm: Có đầm lắng ít nhất bằng 25-30% diện tích của đầm nuôi.
Cải tạo đầm bảo đảm sạch đất ô nhiễm, nhất là đáy đầm nuôi. Xung quanh đầm nuôi trồng cây xanh tạo thảm thực vật, chiếm ít nhất 20% của diện tích nuôi tôm.
Về khâu lấy nước: lắng, lọc chu đáo nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm. Xử lý nước diệt khuẩn, các chất không có nguồn gốc thuốc trừ sâu. Trong quá trình nuôi dùng vi sinh, khoáng chất suốt vụ nuôi.
Thả tôm nuôi mật độ thưa: Giống có xét nghiệm PCR, sú thả từ 12-18 con/m2, thẻ thả từ 50-70 con/m2. Thức ăn chất lượng tốt, quản lý thức ăn không thiếu, không thừa. Bảo đảm quạt cung cấp ô-xy đều và đủ.
Qua khảo sát thực tế, chúng tôi kết luận, nhiễm độc thuốc trừ sâu và ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí; khi thời tiết thay đổi nhanh vượt quá sự chịu đựng dẫn tới tôm chết đột ngột hoặc kéo dài.
Để giải quyết tôm chết và hạn chế thấp nhất cho người nuôi, chúng tôi xin khuyến cáo: Về quy hoạch nuôi tôm công nghiệp nên tính đến môi trường, khí hậu, thảm thực vật cho con tôm sống và phát triển.
Về xây dựng đầm nuôi, phải có đầm lắng nước chiếm từ 25-30% diện tích đầm nuôi (bảo đảm lắng nước cung cấp vào đầm nuôi).
Xung quanh đầm nuôi phải giữ phần bờ đê trồng cây xanh (không trồng cây bạch đàn, tràm gió, những loại cây có chứa tinh dầu), thảm thực vật chiếm 20-30% của diện tích nuôi (đây là điều kiện quan trọng điều hoà khí hậu để tôm sống). Đầm nuôi phải được phơi khô và không có sình đen, ô nhiễm đáy đầm.
Phải có kinh lấy nước, thoát nước riêng. Khi lấy nước đưa vào đầm lắng phải bảo đảm không bị ô nhiễm. Xử lý, diệt giáp xác, vi khuẩn, không sử dụng hoá chất có nguồn gốc thuốc trừ sâu. Nên dùng vi sinh khoáng chất suốt vụ nuôi.
Thả tôm giống phải xét nghiệm PCR. Mật độ thả nuôi, tôm sú từ 12-18 con/m2, tôm thẻ chân trắng từ 50-70 con/m2 (thả thưa). Thức ăn phải bảo đảm chất lượng tốt.
Quản lý thức ăn quá trình nuôi tốt, cho tôm ăn không dư, không thiếu. Quạt cung cấp ô-xy bảo đảm đủ, theo dõi không để thiếu ô-xy. Quá trình nuôi phải theo dõi chặt chẽ diễn biến tôm suốt vụ nuôi để xử lý kịp thời.
Sử dụng hoá chất diệt khuẩn: Cần hạn chế diệt khuẩn liên tục, nếu thấy tôm trong đầm nước bị nhiễm khuẩn thì mới diệt khuẩn, khi diệt khuẩn xong sau 24-48 giờ thì dùng khoáng chất, vi sinh suốt vụ nuôi.
Đã kiểm chứng qua thực tế, những người nuôi tôm tuân thủ quy trình này đều đạt hiệu quả. Trong 2 năm gần đây thời tiết thay đổi liên tục, gây thiệt hại lớn đối với người nuôi tôm nên không cách nào khác là phải chủ động tìm cách khắc phục nó.
Mọi góp ý xin gởi về Hội Thuỷ sản Cà Mau, số 20A, Nguyễn Tất Thành, phường 8, TP Cà Mau
Có thể bạn quan tâm
Giá đường được hỗ trợ bởi thông tin thời tiết bất lợi tại các nước sản xuất đường hàng đầu thế giới.
Trồng xen canh dưới tán cây vườn, không cần chăm sóc, bón phân nhưng chỉ sau vài tháng, người dân núi Cấm kiếm được cả chục triệu đồng.
Thông thường vào thời điểm giáp hạt, giá sản phẩm thường cao, nhưng với cà phê năm nay lại khác. Đến nay, chuẩn bị vào mùa thu hoạch cà phê mới (khoảng cuối tháng 10 tới) nhưng giá vẫn ở mức thấp.
Cá ngừ là mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam chỉ đứng sau cá tra và tôm. Trong năm 2014, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt trên 400 triệu USD.
Sáng (22/9), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng tổ chức hội thảo Xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam.