Người Tiêu Dùng Đổ Xô Đi Mua Thực Phẩm Tích Trữ Đề Phòng Bão

Trước thông tin cơn bão số 2 (bão Rammasun) sắp đổ bộ vào khu vực Vịnh Bắc Bộ và đất liền kéo theo mưa to đến rất to, nhiều người tiêu dùng ở Hà Nội đã đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ đề phòng sau bão giá cả lại tăng vọt.
Theo khảo sát của phóng viên ngày 18/7 tại một số chợ như chợ Hôm, Đại Từ, Phùng Khoang, Ngã Tư Sở, Hoàng Văn Thái, Kim Liên…, hiện giá cả các loại rau, củ, quả và thực phẩm tươi sống như thịt, cá… vẫn có khá ổn định, chưa có biến động đáng kể, chỉ có một vài loại thực phẩm như thịt lợn, thịt gà giá tăng 1.000-2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, lượng khách tập trung mua tăng gấp 2-3 lần so với những ngày qua.
Cụ thể, rau muống có giá dao động từ 5.000-6.000 đồng/mớ, cải mơ giá 5.000 đồng/mớ, mùng tơi 3.000 đồng/mớ, rau ngót 4.000 đồng/mớ, cà chua 25.000 đồng/kg, lặc lè 15.000 đồng/kg, khoai tây 20.000 đồng/kg, ngọn bầu có giá 7.000 đồng/mớ…
Bên cạnh đó, một số loại thịt giá chỉ nhích nhẹ và duy trì ở mức 80.000-105.000 đồng/kg tùy loại như thịt nạc thăn giá 100.000 đồng/kg, ba chỉ, chân giò 90.000 đồng/kg, thịt vai 80.000 đồng/kg, sườn loại ngon giá 105.000 đồng/kg còn sườn cục giá 80.000 đồng/kg…
Các loại cá cũng chỉ dao động từ 45.000-75.000 đồng/kg như cá chép có giá 75.000 đồng/kg, cá trôi là 55.000 đồng/kg, cá rô phi có giá 45.000 đồng/kg…
Nhìn chung, giá cả các mặt hàng vẫn tương đối ổn định, song lượng khách mua lại tăng gấp 2-3 lần so với những ngày qua do tâm lý của nguời tiêu dùng lo ngại tình trạng giá thực phẩm tăng cao sau cơn bão như nhiều lần trước đây.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt (22 Hàng Đào, Hoàn Kiếm) khách mua hàng chia sẻ: “Hà Nội cứ mưa bão là giá thực phẩm, rau xanh tăng chóng mặt, thậm chí giá rau xanh đắt gấp 3-4 lần mà hàng vẫn khan hiếm khó mua. Rút kinh nghiệm, nghe tin sắp có bão tôi phải đi mua về tích ngay phòng mấy ngày tới có để dùng.”
Chung quan điểm, Bà Phạm Như Hằng (Định Công Hạ, Hoàng Mai) "tay xách nách mang" một mớ đồ lỉnh kỉnh đủ các loại thực phẩm cho biết, nghe tin bão sắp sắp đổ bộ là bà cùng hàng xóm xách giỏ ra chợ ngay, vừa mua hàng tích trữ, vừa đỡ phải đi lại trong những ngày mưa gió và còn tiết kiệm đuợc một khoản chi tiêu nhờ giá chưa tăng.
Thừa nhận chuyện dân đang ồ ạt đi mua thực phẩm về dự trữ tránh bão và tránh tăng giá, anh Trần Đức Dũng, tiểu thương chuyên bán rau tại chợ Hoàng Văn Thái cho biết, dân có tâm lý mua hàng về tích trữ, ăn dần đồng thời tránh phải mua hàng giá đắt cắt cổ trong những ngày bão nên hôm nay các loại rau củ quả bán khá chạy.
“Khác với những ngày truớc, khách mua chỉ chọn một vài loại rau dùng trong ngày thì hôm nay ai cũng mua thêm mấy loại rau nên bán rất chạy, mới 10 giờ sáng mà hàng hóa đã bán hết rồi,” anh Dũng hớn hở nói.
Theo lời anh Dũng, vì mọi người mua về tích trữ nên một số loại củ quả để được lâu ngày như bầu, bí, mướp, khoai tây, lặc lè… có lượng hàng bán ra cao gấp 5-6 lần ngày thường.
Bên cạnh đó, hàng thịt cũng tấp nập khách mua, chị Hoàng Thị Ánh, tiểu thương bán thịt vừa thái thịt vừa hớn hở cho hay: “Hôm nay, khách toàn mua hàng cả cân chứ không mua lẻ tẻ như trước nên đang lo ‘cháy hàng’.”
Theo chị Ánh, những hôm trước nắng nóng, lượng tiêu thụ thịt chậm hơn nhưng hôm nay thì khác dù nhập thêm hơn 10 kg thịt nữa nhưng vẫn bán hết sớm.
Có thể bạn quan tâm

Suốt 11 tháng qua, các doanh nghiệp và người chăn nuôi gà công nghiệp trong nước đều đang bán dưới giá thành. Ước tính với số lỗ khoảng 10 nghìn đồng/con gà như hiện nay, trong 11 tháng qua, ngành chăn nuôi đã lỗ gần 1.376 tỷ đồng.

Hiện nay, các loại cá đồng non như: cá lòng ròng, cá rô tăm tích, cá sặt sữa… đang được bày bán hầu khắp các chợ với giá trên dưới 200.000 đồng/kg. Những người “chạy chợ” thâm niên đã tham gia tàn phá tài nguyên, tận diệt nguồn lợi cá đồng với câu cửa miệng cũ rích: “Vì nhà nghèo mới đi bắt cá non bán để mua gạo kiếm sống”(!?). Thật là đáng trách!

Hiện đang là cao điểm mùa mưa, tuy nền nhiệt giảm, mức chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm không cao, nhưng môi trường ao nuôi luôn biến động, một số bệnh trên tôm nuôi sẽ phát sinh, như bệnh đỏ thân đốm trắng, bệnh mềm thân, hiện tượng tôm bị sốc do nhiệt độ tăng, giảm đột ngột, phát sinh khí độc dưới đáy ao, rong tảo cũng có cơ hội bùng phát.

Nghề truyền thống đánh bắt thủy hải sản của ngư dân Bến Tre rất phong phú, đa dạng. Từ nghề cào đơn, cào đôi… đến nghề câu mực hàng năm đem lại nguồn thu nhập lớn cho ngư dân. Trong đó, nghề câu mực phát triển nhanh, hiện toàn tỉnh có 140 tàu (câu tay 137 chiếc, câu giàn 3 chiếc), tập trung tại huyện Bình Đại và Ba Tri.

Có hồ, chẳng lẽ bỏ hoang, anh Phan Thanh Thánh (SN 1984) đầu tư trang bị hệ thống lọc nước sạch nuôi tôm nên thắng to!