Vân Đồn (Quảng Ninh) Phát Huy Thế Mạnh Ngành Thuỷ Sản
Với 160.000 ha diện tích mặt nước biển và gần 600 hòn đảo, thế mạnh của Vân Đồn là khai thác tiềm năng biển đảo, đặc biệt là ngành thuỷ sản. Do đó, thời gian qua huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã có nhiều nghị quyết chuyên đề nhằm tập trung nguồn lực phát triển bền vững lĩnh vực này.
Theo đó, Vân Đồn đã tập trung vào các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề theo hướng phát triển khai thác, đánh bắt thuỷ sản tuyến khơi.
Huyện đã từng bước tăng cường đầu tư về số lượng, chất lượng tàu thuyền, hiện đại hoá trang thiết bị nghề cá và kỹ thuật sơ chế sản phẩm cho lực lượng đánh bắt xa bờ. Hiện nay trên địa bàn huyện có 1.652 phương tiện tàu cá; trong đó tàu có công suất máy trên 90CV trở lên có 57 phương tiện. Cùng với việc phát triển khai thác, diện tích nuôi trồng thuỷ sản ngày càng được mở rộng.
Năm 1993, diện tích nuôi trồng trong toàn huyện mới chỉ có 100 ha, đến thời điểm này đã tăng lên 3.000 ha với nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như trai cấy ngọc, tu hài, ốc hương, cá song chấm… Trên địa bàn huyện hiện có 5 Công ty nuôi trai cấy ngọc (2 công ty 100% vốn của nước ngoài) đã giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động trên địa bàn huyện.
Sản lượng nuôi trai nguyên liệu đạt 28 triệu con/năm, nuôi cấy từ 15 - 16 triệu con, đạt tỷ lệ ngọc từ 20 - 25%. Bên cạnh đó, huyện đang tiếp tục thực hiện bảo vệ và khoanh nuôi các loài hải sản quý hiếm như bào ngư, sá sùng… trên các bãi triều ven biển ở Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng và Cái Bầu.
Nghề nuôi cá lồng bè của huyện Vân Đồn cũng đang phát huy được lợi thế, với 4.500 ô lồng tập trung ở các xã Thắng Lợi, Ngọc Vừng, Quan Lạn, Bản Sen, Đông Xá và thị trấn Cái Rồng.
Nhiều dự án nuôi cá lồng bè được thực hiện triển khai, với tổng số vốn vay hàng tỷ đồng từ Quỹ quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm và một số nguồn vốn khác, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhờ vậy, các chủ dự án và các hộ nuôi thu nhập trung bình đạt 30 - 100 triệu đồng/hộ/năm, đời sống của ngư dân cũng theo đó mà được nâng lên.
Đặc biệt, vài năm trở lại đây, huyện đã có cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn. Nhờ đó đến nay, đã tạo sự đa dạng về sản phẩm nuôi trồng, thiết thực tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Ngày càng có nhiều hộ đầu tư vào nuôi trồng tu hài, hàu Thái Bình Dương với sản lượng hàng trăm tấn/năm.
Mặc dù từ cuối năm 2011 khi dịch bệnh tu hài xảy ra trên diện rộng đã gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân khiến cho nghề nuôi trồng thuỷ sản ở Vân Đồn gặp không ít khó khăn. Để nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tiếp tục phát triển ổn định, huyện đã từng bước chuyển sang nuôi một số đối tượng mới như nghêu, ngao, ốc và nuôi cá lồng bè thay thế cho tu hài.
Đến nay, với sự chỉ đạo tích cực của địa phương và ngành chức năng, nhiều hộ gia đình đã chuyển dần sang một số đối tượng nuôi mới và bước đầu tạo sự ổn định cho nghề nuôi trồng thuỷ sản nơi đây.
Được biết, Vân Đồn cũng đang hướng cho người dân chuyển sang nuôi các loại thuỷ sản khác như nuôi ngao giá. Đây là loài nhuyễn thể hai mảnh có giá trị kinh tế cao.
Theo đánh giá của các kỹ sư nuôi trồng thuỷ sản thì loài nhuyễn thể này có sức chịu đựng với môi trường tốt, tỷ lệ sống cao và phát triển tốt, trọng lượng lớn và được thị trường ưa chuộng. Nếu như nuôi tu hài phải rất khó khăn trong chọn vùng nuôi thì ngao giá lại không kén đất nuôi, những vùng không thể nuôi được tu hài, ngao giá vẫn sống và phát triển tốt. Thời gian nuôi từ 12 - 13 tháng là cho thu hoạch, bình quân đạt 70 - 80 gam/con; nhiều lồng nuôi có những con đạt hơn 100 gam.
Thêm vào đó, nguồn giống sản xuất lại dễ hơn, hiện nay Công ty TNHH Đỗ Tờ (Vân Đồn) đã sản xuất được giống. Với việc khắc phục khó khăn bằng những giải pháp thiết thực nên 10 tháng năm 2014 tổng sản lượng thuỷ sản của huyện đạt 17,38 ngàn tấn. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 10,89 ngàn tấn, bằng 101% so với cùng kỳ; nuôi trồng đạt 6,49 ngàn tấn; hải sản khác trên 1.000 tấn.
Có thể thấy, việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản đang dần trở thành ngành sản xuất hàng hoá lớn, chủ lực của địa phương. Với những chính sách phát triển hợp lý, khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thuỷ hải sản, tin rằng Vân Đồn sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ trong những năm tới.
Nguồn bài viết: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201412/van-don-phat-huy-the-manh-nganh-thuy-san-2250942/
Có thể bạn quan tâm
Mô hình kinh tế tập thể trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và thương mại, dịch vụ đã tăng nguồn thu nhập cho người dân, góp phần tô điểm bức tranh kinh tế nông thôn huyện Tam Nông (Đồng Tháp) thêm nhiều khởi sắc.
Góp sức cùng cả hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) phục vụ chương trình "Tam nông", 4 năm qua tín dụng cho nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 41 của Chính phủ đã tạo ra “lực đẩy” trong sản xuất kinh doanh của hàng nghìn hộ trên địa bàn huyện Thanh Thủy, góp phần nâng cao thu nhập của người dân địa phương.
Vụ mùa năm 2015, Thanh Sơn gieo cấy 3.470ha/3.470ha cây lúa đạt 100% kế hoạch; diện tích lúa lai 1.605ha/1.600ha đạt 100,3% kế hoạch; diện tích lúa chất lượng cao 302ha/300 ha đạt 100,6% kế hoạch. Hiện tại, diện tích lúa vụ mùa ở Thanh Sơn đang sinh trưởng và phát triển tốt; một số diện tích trà mùa sớm đang trong quá trình đứng cái, làm đòng.
Dưa gang được mùa cộng với giá bán cao nên nhiều hộ dân tại huyện Thăng Bình rất phấn khởi.
Gia đình anh Lò Văn Hạnh, thuộc đội 15 xã Thanh Xương, huyện Điện Biên có khoảng 2.500m2 ruộng. Vụ chiêm xuân năm nay anh gieo toàn bộ bằng giống lúa chất lượng cao bắc thơm số 7 – loại giống siêu nguyên chủng do Công ty Giống lúa Thái Bình cung ứng. Nhờ chăm bón tốt, đúng quy trình nên vụ lúa này gia đình anh thu hoạch khoảng 1,6 tấn.