Người Nuôi Tôm Lao Đao Vì Dịch Bệnh
Lịch thả tôm nuôi chính vụ năm 2014 mới bắt đầu được khoảng 2 tháng, nhưng đã có 16 ha tôm nuôi của trên 50 hộ ở thôn Vĩnh Thọ, xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) xảy ra tình trạng tôm chết hàng loạt sau khi thả giống được 7 đến khoảng 60 ngày tuổi. Số lượng hồ nuôi có tôm bệnh chiếm đến hơn 90%, nguy cơ mất trắng đang cận kề.
Theo chân ông Trần Thanh Quảng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Phú chúng tôi ra khu vực nuôi tôm tập trung ở bãi Thổi, thôn Vĩnh Thọ. Hàng trăm hồ lót bạt, hồ đất nuôi tôm nằm tĩnh lặng, hiếm hoi lắm mới thấy được vài hồ còn chạy mô tơ để cung cấp dưỡng khí nuôi tôm.
Những hồ khác chỉ thấy mặt nước nổi rêu, không khí bốc mùi hôi thối do tôm chết quá nhiều. Gương mặt của người nuôi tôm ai nấy đều lộ rõ vẻ lo lắng, chán nản.
Anh Đặng Văn Khanh, thôn Vĩnh Thọ là một trong những hộ có diện tích nuôi tôm lớn nhất ở đây. Sở hữu 30.000m2 ao nuôi tôm, từ đầu vụ I đến nay, gia đình anh đã thả nuôi 2 đợt, nhưng đợt nào tôm cũng bị dịch bệnh.
Ngắn từ vài ngày, dài hơn khoảng tháng rưỡi là tôm có hiện tượng nổi đốm trắng, tím thân, bệnh lây lan rất nhanh và tôm chết hàng loạt, thiệt hại ước tính trên 1 tỷ đồng. Anh cho biết: “Vụ tôm này, gia đình tôi thiệt hại trên 1 tỷ đồng, các hộ khác cũng thiệt hại và mất trắng, người thì trăm triệu, người thì vài chục triệu đồng. Cứ tình hình như thế này thì chúng tôi không biết phải làm thế nào”.
Cùng chung cảnh ngộ với anh Khanh, gia đình anh Trần Đình Nghĩa hiện có 6 hồ nuôi tôm với tổng diện tích gần 4.000m2. Vụ I năm nay, gia đình anh đã chi hơn 50 triệu đồng để mua tôm giống về thả nuôi. Nhưng chưa tới 20 ngày nuôi, tôm bắt đầu nổi đốm trắng và chết hàng loạt.
Anh Nghĩa và các hộ dân khác đang rất trông chờ sự vào cuộc tích cực của các cơ quan có liên quan nhằm tìm hiểu rõ nguyên nhân dịch bệnh và có hướng khắc phục.
Theo người nuôi tôm xã Nghĩa Phú, liên tiếp trong 3 năm gần đây, tình hình dịch bệnh ở tôm diễn ra rất phức tạp, năm nào cũng xảy ra tình trạng tôm bệnh và chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi. Công sức, tiền của “ra đi” vì dịch xuất hiện và lây lan nhanh chóng.
Tìm hiểu về nguyên nhân xuất hiện dịch, nhiều người dân cho biết có thể do tôm giống không đảm bảo chất lượng, nuôi thả tràn lan; công tác vệ sinh hồ nuôi chưa đảm bảo và thời tiết không thuận lợi. Thêm vào đó, sau khi dịch bệnh xuất hiện trên tôm, các hộ nuôi lại xử lý nước thải không đúng cách, xả nước thải trực tiếp ra khu vực xung quanh vùng nuôi nên đã làm dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Hiện nay, chính quyền địa phương đang tổ chức khảo sát danh sách hộ nuôi tôm bị dịch bệnh để đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ. Ông Trần Thanh Quảng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Phú cho biết: “Vụ I/2014, xã Nghĩa Phú có 16 ha thả nuôi tôm, nhưng đến nay có hơn 90% bị dịch bệnh. Chính quyền địa phương đang khảo sát và sẽ báo lên trên để hỗ trợ thuốc men và hướng dẫn xử lý cho bà con”.
Có thể bạn quan tâm
Sau 5 tháng triển khai, “Chuỗi liên kết cá tra – Tafishco” – mô hình thí điểm đầu tiên ở ĐBSCL và trong cả nước đã mang lại nhiều tín hiệu rất khả quan. Vụ mùa đầu tiên đã được thu hoạch với mỗi kg cá công ty bao tiêu với giá 24.300đ/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân đạt lợi nhuận trên 2.000đ – mức lợi nhuận được xem là tốt nhất trong vài năm trở lại đây.
Ngay từ đầu năm 2014, các ngành của huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã chỉ đạo các xã, doanh nghiệp và ngư dân ở các địa phương ven biển chủ động khắc phục khó khăn, tập trung chuyển đổi cơ cấu nghề, áp dụng các công nghệ mới vào khai thác thủy sản, góp phần nâng cao đời sống của bà con ngư dân.
Năm 2014, tỉ lệ thiệt hại trên tôm nuôi của tỉnh Sóc Trăng khá cao (trên 41%), tuy nhiên sản lượng vẫn đạt trên 80.000 tấn theo kế hoạch đề ra. Kết quả ấy là do người nuôi tôm đã chuyển đổi cơ cấu giống từ nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng một cách hợp lý.
Ngày đầu tuần tháng 1, sau chuyến đi biển cuối năm gặp trục trặc về máy móc, tàu câu mực lớn nhất Đà Nẵng ĐNa 90567 được ngư dân Trần Văn Mười cho lên đà bảo dưỡng. Phút rảnh rỗi, Trần Văn Mười tâm sự: “Tuy năm nay mất mùa mực, song giá mực cao hơn năm ngoái khoảng 25.000 đồng/kg, nên thu nhập cũng khá cao so với các nghề khác.
Sò huyết được nuôi xen canh với tôm, cua tại các vuông nuôi thủy sản vùng nước mặn của Cà Mau, tập trung nhiều ở huyện Cái Nước. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước thống kê cả huyện có trên 6.600ha sò huyết, tập trung nhiều ở xã Đông Thới và Trần Thới.