Cây Dong Riềng Trên Đồng Đất Bắc Kạn
Năm nay là vụ thứ 3 tỉnh Bắc Kạn đưa dong riềng vào cơ cấu cây trồng mũi nhọn với quy mô đại trà, nhờ đó diện tích cây trồng này đã nhanh chóng được mở rộng lên tới gần 3.000ha, trong khi kế hoạch năm 2013 mới chỉ là 2.100ha. Sản lượng củ dong năm nay ước đạt 193.000 tấn.
Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao để chế biến, tiêu thụ hết sản lượng dong riềng cho bà con mà vẫn đảm bảo có lãi, tránh tình trạng bị đẩy giá xuống quá thấp gây thiệt hại cho nông dân.
Khởi nguồn cây dong riềng và nghề làm miến dong ở Na Rì
Cây dong riềng đã có mặt từ rất lâu ở Bắc Kạn, nhưng khởi nguồn cho việc chế biến từ củ dong ra làm miến thì phải kể đến mảnh đất Côn Minh (Na Rì) - nơi được coi là “làng nghề miến dong” đầu tiên của tỉnh.
Tại các thôn Lủng Vạng, Bản Lài xã Côn Minh, từ những năm 1960 nhà nào cũng trồng vài vạt dong riềng lấy củ về ăn, chưa biết đến nghề làm miến. Phải đến năm 1985, một số hộ gia đình từ Thái Bình lên khai hoang đã trồng dong để nghiền lấy tinh bột, vận chuyển về xuôi bán.
Khoảng những năm 1990 - 1991, chính những người dân miền xuôi lên Côn Minh lập nghiệp đã mang nghề làm miến dong đến mảnh đất này. Trong bản, hộ này phổ biến cho hộ kia cách làm miến, ban đầu chỉ để ăn vào dịp Tết, sau có khách qua đường mua miến về xuôi làm quà, vậy là miến dần trở thành hàng hoá. Do sản xuất bằng phương pháp thủ công nên sản lượng miến đạt thấp, hiệu quả kinh tế không đáng kể.
Miến dong được làm từ bột dong tinh khiết không pha trộn, không dùng hoá chất tẩy trắng, miến có màu đen đặc trưng, dai giòn, đậm đà đã khiến những khách hàng mỗi lần qua Côn Minh phải dừng chân ghé mua. Từ đó người làm miến nơi bắt đầu nghĩ cách để làm miến nhanh hơn, số lượng nhiều hơn nhằm cung cấp cho khách. Xuất phát từ yêu cầu đó, năm 2011, 17 hộ dân của Côn Minh đã cùng nhau thành lập ra Hợp tác xã Sản xuất và chế biến miến dong Côn Minh.
Những thành viên trong HTX đã cùng nhau tìm tòi học hỏi, đầu tư công nghệ làm miến hiện đại thay cho phương pháp thủ công trước đây, đó là công nghệ chế biến miến dong chạy bằng điện, nồi hơi tráng liên hoàn. Miến dong Na Rì đã dần có mặt trên thị trường không chỉ ở trong tỉnh mà còn vươn xa ra các tỉnh bạn, đặt nền móng cho sản phẩm mang thương hiệu miến dong Bắc Kạn sau này.
Có thể nhận thấy một thực tế đó là từ trước tới nay chưa một loại cây trồng nào ở tỉnh Bắc Kạn lại phát triển với tốc độ nhanh như cây dong riềng. Tới nay, cây dong riềng đã có mặt ở hầu khắp 8 huyện, thị trong tỉnh.
Năm 2010, sau những chuyến khảo sát thực tế, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã quyết định lựa chọn cây dong riềng làm cây trồng mũi nhọn với nhiều kỳ vọng nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho người dân.
Những chính sách hỗ trợ khuyến khích mở rộng diện tích canh tác dong riềng đã được tỉnh áp dụng như hỗ trợ giống, phân bón. Năm 2010 diện tích dong của tỉnh trồng là 354ha, năm 2011 nâng lên 578ha chủ yếu ở 02 huyện Na Rì và Ba Bể. Năm 2012 diện tích đã tăng gấp 3 đạt trên 1.800ha và năm 2013 này diện tích tăng đột biến, đến nay đã lên tới gần 3.000ha.
Cây dong riềng giờ đã vươn khắp các huyện, thị nhưng Ba Bể và Na Rì chiếm phần lớn diện tích và được xem như “vựa dong riềng” của tỉnh. Diện tích trồng dong riềng của huyện Na Rì dẫn đầu với 1.133ha và Ba Bể là 786ha, tiếp đó là Bạch Thông trên 300ha, Chợ Đồn 257ha, Pác Nặm 220ha. Huyện ít nhất cũng gần 80ha.
Với diện tích trồng dong tăng nhanh như vậy, sản lượng củ dong thu được sẽ lên tới trên 190.000 tấn, gây áp lực không nhỏ cho việc chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Vậy thực trạng hoạt động của các nhà máy, cơ sở chế biến dong và miến dong ở tỉnh Bắc Kạn hiện nay cũng như giải pháp mà tỉnh đặt ra cho vụ thu hoạch dong riềng sắp tới như thế nào sẽ được phản ánh trong những bài tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm
Trong tháng 10, diện tích nuôi thả cá tra trên toàn tỉnh Đồng Tháp là 138ha, sản lượng thu hoạch 36 ngàn tấn, tương đương cùng kỳ năm trước. Hiện giá cá tra ở mức 23.000 - 23.500 đồng/kg đối với cá kích cỡ 0,7 - 0,8kg/con. Mức giá này tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với tháng trước và tương đương cùng kỳ năm trước.
Đầu tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20 về việc ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Tại tỉnh Cà Mau, tình trạng kinh doanh mặt hàng tôm có chứa tạp chất đã giảm đến 90% khi các công ty, xí nghiệp đồng loạt không thu mua các mặt hàng tôm chứa tạp chất.
Trong khi nhiều hộ nông dân còn đang loay hoay tìm kiếm mô hình sản xuất phù hợp thì không ít người đã tự tìm ra hướng đi mới, đem lại lợi nhuận kinh tế ổn định cho gia đình. Mô hình trồng rong sụn kết hợp với nuôi cá ngựa của nông dân Lê Văn Hoàng, ở phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) là một hướng mới.
Liên bang Nga sẽ nghiên cứu khả năng cung cấp cho Việt Nam vật liệu di truyền cá hồi có nguồn gốc Nga và đề xuất một số loại cá thích hợp để tiến hành nghiên cứu khả năng thích nghi của loài này tại Việt Nam.
Thời gian qua, chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Bình Dương phát triển khá nhanh. Chi cục Thú y tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tham quan các mô hình để giúp người dân chăn nuôi bò sữa nâng cao kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận...