Người Nuôi Gà Thiếu Vốn Tái Đàn

Gần đây, giá gà trên địa bàn tỉnh đã tăng từ 40.000 đồng/kg lên 65.000 đồng/kg. Với giá này, người chăn nuôi có lãi trên 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, việc tái đàn đang gặp nhiều khó khăn do người chăn nuôi thiếu vốn.
Giá gà tăng mạnh
Ông Nguyễn Mạnh Huy, chủ một gia trại chăn nuôi gà thịt ở thôn Hòa Ninh, phường Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn), tâm sự: Trong đợt dịch cúm gia cầm (DCGC) vừa qua, gia trại của tôi còn “kẹt” đến hơn 8.000 con gà ta nuôi thịt. Do DCGC hoành hành nên giá gà giảm mạnh; dù vậy tôi vẫn phải “bán đổ bán tháo” để thu hồi vốn vì gà đã quá tuổi xuất bán.
Hiện nay, khi tình hình dịch bệnh được khống chế, thị trường tiêu thụ mạnh, giá gà lập tức tăng từ 40.000 đồng/kg lên mức 65.000 đồng/kg, với mức giá này, người chăn nuôi đã có lãi trên 10.000 đồng/kg, tiếc là không có gà để bán. Hiện nay, thương lái đang thu gom gà rất mạnh để đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Bà Phan Thị Minh Thư, một thương lái thu mua gà thịt ở phường Bình Định, thị xã An Nhơn, cho biết: Sau khi DCGC được khống chế, thị trường tiêu thụ thịt gà trong cả nước đã ổn định, bắt đầu tăng mạnh trở lại.
Thời điểm này, mỗi ngày tôi nhận đến vài chục cuộc điện thoại đặt hàng ở các tỉnh, thế nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh trước đây nên số lượng gà thịt của các trang trại, gia trại xuất bán chưa được nhiều, không đủ cung ứng cho khách hàng. Mỗi ngày tôi mua được từ 500 - 600 con gà để đưa đi tiêu thụ, chỉ bằng một nửa so với thời điểm bình thường.
Theo ông Ngô Văn Thèo, Trưởng Phòng Chăn nuôi của Sở NN-PTNT, tỉnh ta có ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển khá mạnh. Trong đó, riêng tổng đàn gà trên địa bàn tỉnh thường xuyên được duy trì từ 4,2 đến 4,5 triệu con.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng DCGC hồi đầu năm nên đàn gà hiện giảm hơn một nửa; nhiều hộ chăn nuôi còn nghe ngóng tình hình dịch bệnh, chưa vội tái đàn. Sau khi DCGC được khống chế, giá gà tăng mạnh trở lại. Với người chăn nuôi, mức lãi 10.000 đồng/kg gà thịt là khá cao, nhưng hiện nguồn gà thịt cung ứng ra thị trường đang rất khan hiếm.
Chật vật tái đàn
Khi giá gà tăng cao, thị trường hút hàng, người chăn nuôi gia cầm trong tỉnh bắt đầu tái đàn. Tuy nhiên, chuyện tái đàn của các hộ chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn do hầu hết các gia trại, trang trại đang thiếu vốn. Trong khi đó, kênh đầu tư chính cho các chủ gia trại, trang trại chăn nuôi gia cầm trước đây là các đại lý thức ăn chăn nuôi, nhưng hiện nay các đại lý thức ăn chăn nuôi cũng đang “đuối” vốn.
Anh Trần Văn Năm, chủ một đại lý thức ăn chăn nuôi lớn ở thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước), cho biết: Qua thời điểm DCGC xảy ra, hầu hết người nuôi gà trên địa bàn huyện đều thua lỗ nặng, không còn khả năng trả nợ mua thức ăn chăn nuôi, đại lý của tôi đang bị người chăn nuôi nợ đến gần 7 tỉ đồng.
Do đó, mặc dù hiện nay nhu cầu mua nợ con giống và thức ăn chăn nuôi của những hộ nuôi gà tái đàn rất cao, nhưng hầu như đại lý nào cũng thiếu vốn, không thể đầu tư trước cho các hộ chăn nuôi.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, chủ trang trại chăn nuôi gà ở thôn Quảng Nghiệp, xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước), cho hay: “Sau khi DCGC được khống chế, trang trại tôi vẫn chưa có khả năng tái đàn. Trước đây các đại lý thức ăn chăn nuôi sẵn sàng ứng vốn hàng trăm triệu đồng để các trang trại, gia trại đầu tư chăn nuôi, nhưng thời điểm này thì hầu hết các đại lý đều từ chối.
Để có vốn tái đầu tư chăn nuôi, tôi cam kết sẽ hoàn đủ vốn khi xuất chuồng nhưng đại lý thức ăn cũng chỉ chấp nhận đầu tư thức ăn cho 2.000 con gà, trong khi quy mô chuồng trại của tôi có thể nuôi đến 7.000 con.
Do người chăn nuôi gia cầm thiếu vốn đầu tư tái đàn nên dù giá gà thịt đang tăng cao nhưng giá gà giống hầu như vẫn đứng yên. Ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh, ở thôn Xuân Mỹ, xã Phước Hiệp (Tuy Phước), cho biết: Hiện nay, giá gà giống của đơn vị bán ra vẫn đang ở mức khá thấp do việc chăn nuôi tái đàn khá chậm. Trước đây, khi DCGC chưa xảy ra, giá gà giống của đơn vị cung ứng thường xuyên ở mức từ 23.000 - 25.000 đồng/con. Hiện nay, giá gà giống đang ở mức 13.000 đồng/con nhưng sức mua còn khá chậm.
Theo ông Cao Văn Khanh, trước khó khăn của người chăn nuôi trong việc tái đàn, Công ty của ông không chỉ bán gà giống giá thấp mà còn thực hiện kích cầu bằng cách chấp nhận bán nợ cho những trang trại lớn, có tiềm năng, để tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi tái đàn.
Có thể bạn quan tâm

Vụ ĐX 2014- 2015 Hậu Giang gieo cấy hơn 75.000 ha lúa, gần 10% diện tích đã được các DN bao tiêu sản phẩm, không chỉ giúp nhà nông giảm áp lực đầu ra hạt lúa mà còn tháo gỡ một phần khó khăn cho địa phương.

Theo đó, thông qua dự án Bộ NN-PTNT sẽ có thêm những kinh nghiệm để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành. Hơn nữa, việc tiếp cận các dự án theo từng công đoạn để giúp tạo ra chuỗi giá trị cho từng ngành hàng nông sản, qua đó góp phần nâng cao giá trị gia tăng, giảm chi phí cho các mặt hàng nông sản chính.

Mô hình được nuôi thử nghiệm tại hộ bà Trịnh Thị Thơ (thôn 3), với diện tích 450 m2 mặt nước, mật độ nuôi 1 con/m2, trong đó cá trắm đen 360 con, còn lại là cá chép V1 và cá mè. Chi cục hỗ trợ 100% con giống, thức ăn, kỹ thuật.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ nằm giữa đầm nuôi trồng thuỷ sản rộng mênh mông tại khu 12, phường Hà An, ông Khang kể cho chúng tôi nghe quá trình lập nghiệp từ nuôi trồng thuỷ sản. Năm 2005, vị trí ao đầm hiện tại của gia đình ông chỉ là đồng đất hoang hoá, cỏ lau mọc đầy.

Xã Ia Bă từ lâu được xem là mảnh đất có nhiều tiềm năng trong việc nuôi cá nước ngọt theo hình thức quảng canh của huyện Ia Grai. Thời gian gần đây, mô hình này đang được Hội Nông dân địa phương dành nhiều sự quan tâm, nhằm giúp bà con tiếp tục sản xuất hiệu quả, ổn định cuộc sống.