Xuất Khẩu Cá Tra Năm 2015 Khó Bứt Phá
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trị xuất khẩu cá tra năm 2014 đạt 1,76 tỷ USD, chỉ tăng 0,4% so với năm 2013. Quý I/2015, xuất khẩu cá tra chưa có dấu hiệu hồi phục do thị trường tiêu thụ vẫn trầm lắng, nội tại ngành cá tra còn nhiều bất cập và đang chịu tác động của một số chính sách mới.
Năm 2014, XK thủy sản của cả nước đạt 7,84 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2013; trong đó, tỷ trọng của XK cá tra trong tổng XK thủy sản giảm từ 26% năm 2013 xuống 22% (1,76 tỷ USD). EU và Mỹ là 2 thị trường tiêu thụ lớn nhất.
XK sang EU giảm 10,7% do nhu cầu giảm, yêu cầu kiểm tra hóa chất kháng sinh ngày càng khắt khe, trong khi phải cạnh tranh với các sản phẩm cá thịt trắng khác có nguồn cung dồi dào như cá tuyết. XK sang Mỹ giảm 11,5% một phần do mức thuế chống bán phá giá POR9 quá cao. Mới đây, kết quả chính thức mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới công bố, thuế chống bán phá giá POR10 mà nước này áp với cá tra philê đông lạnh của Việt Nam đã tăng gần gấp đôi so với kết quả sơ bộ.
Với mức thuế chống bán phá giá gần 1 USD/kg cho 24 doanh nghiệp cá tra Việt Nam đẩy giá cá tra bán tại Mỹ tăng cao, người tiêu dùng khó chấp nhận, gây ảnh hưởng lớn đến XK cá tra sang thị trường Mỹ. Dự kiến với mức thuế này, chỉ còn 3 doanh nghiệp Việt Nam có thể XK vào Mỹ do họ là công ty mới bắt đầu XK hoặc công ty có mức thuế thấp gần bằng không (0%) nhưng không có tên trong danh sách bị đơn của POR10. Nhiều khả năng sau khi đã giảm 11,5% trong năm 2014, XK cá tra vào Mỹ sẽ giảm nữa trong năm 2015.
Trước khó khăn này, XK cá tra đã chuyển hướng sang các thị trường khác như: Trung Quốc, Mexico, Brazil, ASEAN…và có được kết quả khá khả quan, bù đắp cho sự sụt giảm tại thị trường Mỹ và EU. Ở một số thị trường, ngoài cá tuyết, cá minh thái ra, thì cá rô phi cũng đang được ưa chuộng và xu hướng tiêu thụ gia tăng. Do vậy, cá tra Việt Nam phải cạnh tranh với đối thủ khá nặng ký là cá rô phi của Trung Quốc.
Trong khi đó, nuôi và chế biến cá tra trong nước vẫn đang trong tình trạng thiếu vốn. Mặc dù Chính phủ đã có chính sách giãn nợ cho người nuôi cá tra, nhưng người nuôi cá vẫn khó tiếp cận với vốn vay của các ngân hàng vì áp lực thủ tục, tài sản thế chấp. Trong bối cảnh thị trường trầm lắng, tác động của Nghị định 36 và xu hướng nuôi xen kẽ cá rô phi với cá tra, dự báo diện tích nuôi cá tra đạt 5,5 nghìn ha, với sản lượng khoảng 1 triệu tấn, ổn định so với năm ngoái.
Nhu cầu NK cá tra của các thị trường trong quý tới chưa có dấu hiệu hồi phục. Do vậy, XK trong quý I chưa thể phục hồi, XK chỉ có thể tăng từ quý II, sau khi một số hội chợ thủy sản quốc tế diễn ra. Trước tình hình này, VASEP dự báo XK cá tra trong năm 2015 có thể đạt khoảng 1,76 tỷ USD, tương đương năm 2014.
Có thể bạn quan tâm
Theo đánh giá của các nhà khoa học, việc ứng dụng thành tựu từ công nghệ cây trồng biến đổi gen (BĐG) sẽ góp phần tăng thêm sản lượng ngô cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Lâm Đồng đang bước vào mùa thu hoạch sầu riêng chính vụ. Theo các chủ vườn, năm nay loại trái cây này không chỉ được mùa mà còn được giá.
Từ bòn bon, măng cụt, bơ đến cả mãng cầu (na) trong nước đều đang lép vế hoàn toàn so với các loại trái cây nhập khẩu cùng loại.
Bệnh trắng lá mía do dịch khuẩn bào Phytoplasma gây ra. Đây là bệnh nguy hiểm trên cây mía và chưa có thuốc BVTV đặc trị.
Từ vùng đất cằn cỗi, trồng nhiều loại cây nhưng không thu lại lợi ích kinh tế cao, nhiều nông dân tại huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây gấc, bước đầu đã vươn lên làm giàu từ mảnh đất của mình.