Người Hrê Nuôi Gà Hmông Ở Quảng Ngãi
Hai năm nay, giống gà H'mông đã được "khai sinh, lập trại" tại vùng đất Sơn Hà, Sơn Tây. Nhiều gia đình nông dân Hrê nơi đây tiếp thu kiến thức mới, đầu tư công sức vào nuôi giống gà này với mong ước đổi đời.
Mô hình nuôi gà H'mông lần đầu tiên được triển khai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện miền núi Sơn Hà (có 8 hộ dân tộc Hrê nghèo ở thị trấn Di Lăng được chọn làm điểm, mỗi hộ nuôi 40 con). Các hộ nuôi được Trạm Khuyến nông huyện đầu tư con giống, hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng, chăm sóc. Sau 4 tháng nuôi, gà đã đạt trọng lượng 2,2 đến 2,5 kg/con. Bình quân thu nhập của hộ nuôi sau khi xuất bán gà khoảng 10 triệu đồng.
Ông Đinh Văn Trung - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: "Mô hình này được đầu tư thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ. Sau khi nghiên cứu, Trạm Khuyến nông xác định giống gà H'mông phù hợp với tập quán chăn nuôi, điều kiện khí hậu nên quyết tâm đưa về nuôi thử nghiệm". Ông Trung bảo rằng, ngoài mục tiêu giúp bà con Hrê trên địa bàn tổ chức phát triển chăn nuôi (có nhiều ưu điểm vượt trội), cải thiện cuộc sống thì việc đưa gà H'mông (giống gà vốn chỉ được nuôi ở các tỉnh phía Bắc) còn có mục đích cải tạo giống gà địa phương.
Tại huyện Sơn Tây, mô hình nuôi gà H'mông được triển khai thí điểm tại xã Sơn Long. Từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo bền vững 30a, huyện Sơn Tây đã mua và cấp phát 4.000 con gà giống H'mông cho 50 hộ nghèo xã Sơn Long nuôi, tìm hướng thoát nghèo. Mỗi gia đình được nhận 80 con. Trước khi nhận gà giống, Trạm Khuyến nông huyện đã tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cách làm chuồng trại đảm bảo điều kiện sinh trưởng, phát triển cho gà; đồng thời tiêm vacxin phòng bệnh, để quá trình nuôi gà giống hạn chế dịch bệnh.
Chúng tôi được cán bộ Trạm Khuyến nông Sơn Hà dẫn đi "thực tế" ở trại gà của gia đình vợ chồng anh Đinh Văn Nam và chị Đinh Thị Giấy. Trên khoảnh vườn rộng chừng 200 m2 được anh Nam khoanh lưới B40, giữa khuôn viên ấy một "ngôi nhà sàn nhỏ" bằng gỗ làm chỗ cho bầy gà H'mông ngủ và đẻ trứng. Chị Giấy cho biết: "Nuôi gà H'mông dễ lắm, không tốn nhiều thời gian. Mình có thể tận dụng lúc rảnh rỗi để cho ăn. Đến định kỳ thì tiêm chủng, khi trời chuyển thì cho ăn tăng cường thêm một số loại thức ăn để gà khỏe, không bị ốm".
Trước khi chúng tôi đến, gia đình chị Giấy mới bán 10 cặp gà và mấy chục trứng. Chị Giấy bảo, để góp với số tiền bán mì chuẩn bị xuống phố mua thêm một chiếc xe máy mới.
Dù có nhiều ưu điểm, song không phải gia đình Hrê nào nuôi gà H'mông cũng gặp thuận lợi. Theo ông Đinh Văn Trung - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Sơn Hà thì: "Kỹ thuật nuôi không phải là vấn đề người nuôi băn khoăn. Cái lo lắng nhất là đầu ra cho sản phẩm". Với cung cách sản xuất mang nặng tính "tự cung tự cấp" nên dường như các gia đình này chưa biết cách "mang sản phẩm" của mình ra thị trường tiêu thụ. Đầu ra của gà thịt hoàn toàn thông qua tư thương nên giá bán luôn bấp bênh. Mặt khác, do chăn nuôi với quy mô nhỏ, thời vụ nên khi có "đơn đặt hàng" thường xuyên thì các hộ nuôi lại không đáp ứng được. Thực tế "cung chưa gặp cầu" đã gây thiệt thòi cho người nuôi gà H'mông. Biết vậy nhưng nông dân Hrê Sơn Hà vẫn chưa tìm được cách thích ứng thị trường.
Mô hình "người Hrê nuôi gà H'mông" ở Sơn Hà được đánh giá là đạt yêu cầu của một mô hình thí điểm nhưng nó có thực sự là mô hình hiệu quả kinh tế, giúp đồng bào Hrê xóa nghèo hay không còn là vấn đề của... "đầu ra". Việc này đang cần có sự hợp tác của 3 nhà: Nhà nước, nhà nông và nhà tiêu thụ!
Có thể bạn quan tâm
Giá thức ăn viên (thức ăn công nghiệp) tiếp tục tăng; giá bán cá tra nguyên liệu lại giảm đã đẩy người nuôi cá tra rơi vào khó khăn. Để đối phó với áp lực lỗ vốn, nhiều hộ nuôi quyết định chuyển sang cho ăn thức ăn tự chế để cầm cự.
Hiện nay, toàn tỉnh Bến Tre có đàn heo trên 400.000 con. Từ việc nuôi heo dạng gia đình (mỗi hộ chỉ vài con), trong những năm gần đây, người chăn nuôi chuyển dần sang nuôi qui mô theo hình thức trang trại.
Theo đó, trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long, thuộc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, đã khảo nghiệm hiệu quả sử dụng bóng compact chống ẩm Điện Quang 20W thay thế cho đèn sợi đốt 60W để xử lý thanh long ra hoa trái vụ trên quy mô 1 ha ở vườn thanh long 3 tuổi, tại trạm thực nghiệm thanh long Hàm Minh. Sau 19 ngày thắp đèn, mỗi đêm trung bình 10 giờ đã cho kết quả: so với sử dụng bóng sợi đốt 60W thì bóng compact chống ẩm 20W có khả năng tiết kiệm 2/3 lượng điện năng tiêu thụ, giảm tỉ lệ bóng hư hỏng khi gặp mưa gió từ 7,8% xuống 0,5%.
Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (TTKNKN) Hà Tĩnh thực hiện mô hình nuôi cá diêu hồng thương phẩm trong ao đất tại xã Đức Lạng - huyện Đức Thọ. Đây là đối tượng trong thời gian qua được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Hà Tĩnh xây dựng ở một số địa phương như: huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà và đã cho kết quả tốt về mặt kinh tế cũng như kỹ thuật nuôi.
Để giúp cá mau lớn, giảm rủi ro bệnh tật, hiện nay nhiều “đại gia” nuôi cá tra ở miền Tây thuê hẳn cả đội ngũ “ôsin” hút bùn chuyên nghiệp, chỉ cáng đáng mỗi việc “tẩy” sạch chất cặn bã dưới đáy ao.