Khan hiếm nguồn thủy sản ngoài tự nhiên
Hiện ngành chức năng vẫn chưa thể xử lý triệt để tình trạng đánh bắt thủy sản bằng xung điện.
Chị Võ Thị Mộng Phương, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp làm nghề thả vó trên sông. Tuy nhiên, công việc kiếm cá của chị trong thời gian gần đây khá vất vả, có ngày thả vó năm hoặc sáu lần, rồi ngồi đợi mãi nhưng chẳng thấy “cá chạy”.
Chỉ tay về phía vài ba cái vó còn lại trong xóm, chị Phương chia sẻ: “Đánh bắt lúc này may rủi lắm. Hồi đó, mấy con kênh trong Lung Ngọc Hoàng, cá rất nhiều. Tôi thả vó rồi kéo lên là lấy rổ xúc. Nào là cá rô, cá lóc, cá ngát, thậm chí có tôm càng xanh… thấy ham! Nhưng bây giờ, chỉ lưa thưa một hai con, đủ ăn là mừng rồi. Nhiều người chán, cuốn vó lên bờ”.
Một chuyến câu lưới mang “đầy ắp tôm, cá” trở về, giờ chỉ còn trong ký ức của nhiều người dân gắn nghiệp mưu sinh với mùa nước nổi.
Ở những vùng lung trũng, sản lượng cá, tôm sụt giảm đáng kể. Sinh sống ở ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, bằng nghề trồng sen, giăng lưới đã mấy năm nay, chị Phạm Thị Oanh trăn trở nhiều về việc đánh bắt ngày càng thất thu.
Gần một năm nay, gia đình chị chuyển sang đào ao nuôi cá thay cho việc đánh bắt tự nhiên. “Khoảng chừng 5 năm trước, tới mùa nước lên tôi đem tay lưới trăm thước ra ruộng giăng dễ có vài kg cá, chứ bây giờ được vài con thôi. Nhiều lúc thèm, muốn kiếm một con cá dầy để ăn cũng không phải dễ. Cá chạch, thời này cũng hiếm hoi lắm!”, chị Phạm Thị Oanh cho biết.
Việc đánh bắt thủy sản ngày càng trở nên khan hiếm không chỉ là nỗi trăn trở của người dân, mà còn kéo theo nghề bán ngư cụ cũng trở nên trầm lắng.
Chị Trần Thị Út Quyên, chủ tiệm lưới Út Quyên, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, thông tin: “Đáng buồn là vài năm trở lại đây, hễ bà con tới mua ngư cụ đánh bắt thủy sản là tôi cứ nghe than phiền, cá không còn nhiều như trước nữa. Lượng khách vì thế mà cứ giảm dần theo từng năm. Cái nghề bán ngư cụ và đánh bắt mùa nước nổi không còn ăn nên làm ra như xưa nữa…”.
Theo ngành chuyên môn, thực trạng khan hiếm nguồn thủy sản xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do khai thác quá mức, nhất là việc dùng nhiều hình thức đánh bắt mang tính tận diệt bằng lưới mắt nhỏ, lưới mùng…
Mặt khác, lưu lượng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng nhiều, dẫn đến tận diệt nguồn cá trong nội đồng. Trong khi đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của thủy sinh vật.
Vấn đề khá phổ biến hiện nay là việc đánh bắt không có chọn lọc. Chưa kể thị trường ngư cụ cũng trở nên phong phú với nhiều phương tiện đánh bắt mới. Theo đó, người dân sử dụng lờ dây (hay quen gọi là 12 cửa ngục) để đánh bắt các loại cá có kích thước rất nhỏ dưới lòng sông.
Khi nguồn cá tự nhiên khan hiếm thì việc nuôi cá trong ao, vèo càng trở nên phổ biến ở nông thôn, với hình thức này, nhiều người còn tận dụng lượng cá nhỏ trong tự nhiên đem về cắt hoặc xay nhuyễn làm mồi.
“Cá phi, cá sặc, mè vinh, nhỏ bằng hai, ba ngón tay là tôi kể cá vụn. Giăng lưới, tát mương gì cũng bắt hết, cá lớn tôi đi bán, cá nhỏ đem về cắt ra, rồi thả vào vuông. Dính ốc tôi cũng bắt luôn, không bỏ thứ gì. Chứ bây giờ cá không còn, thả uổng lắm”, anh Ngô Thanh Hậu, ở ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, thừa nhận.
Theo bà Lê Kim Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hậu Giang, mặc dù ngành chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp chế tài, xử lý, kết hợp với vận động tuyên truyền bảo vệ nguồn thủy sản tự nhiên, nhưng các hoạt động đánh bắt mang tính tận diệt, trong đó có hình thức dùng xung điện khai thác vẫn còn diễn ra rải rác. Do đó, để bảo vệ nguồn thủy sản tự nhiên, đòi hỏi sự chung tay phối hợp giữa người dân với ngành chức năng.
“Thời gian tới, Chi cục Thủy sản sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như thông qua hội nghị, phát tờ rơi, panô. Đồng thời, kết hợp với các địa phương mở nhiều đợt kiểm tra sâu sát hoạt động đánh bắt thủy sản, đặc biệt là trong cao điểm mùa nước nổi năm nay, nhằm hạn chế tình trạng đánh bắt trái phép dẫn đến tận diệt nguồn lợi thủy sản”, bà Lê Kim Ngọc nhấn mạnh.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Hậu Giang, trong 6 tháng đầu năm 2015, ngành chức năng đã tịch thu tiêu hủy 27 xuyệt điện, vận động nộp là 49; tịch thu phạt 6 trường hợp, xử phạt hành chính 7 triệu đồng đối với chủ sử dụng.
Có thể bạn quan tâm
Phương pháp nuôi này phụ thuộc con giống tự nhiên, chi phí xây dựng cơ bản thấp, chi phí sản xuất hạn chế, nhưng hiệu quả tương đối cao. Có rất nhiều loại đá khác nhau để làm vật bám tùy thuộc vào từng địa phương như đá vôi làm vật bám rất tốt, đá cuội, đá san hô… Kích cỡ đá trung bình 2-4 kg/hòn và dao động từ 1-10 kg/hòn. Đá được chuyên chở bằng thuyền hoặc ghe rải đều trên bãi có hàu giống xuất hiện. Năng suất đạt 0,5-1,5 kg hàu nguyên con/hòn đá.
Tại Hội nghị quốc tế Mối đe dọa về lạm dụng thuốc trừ sâu trong hệ sinh thái lúa - Tìm kiếm giải pháp khắc phục do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức tại Hà Nội vào sáng nay (16/12), các chuyên gia của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) cho biết việc sử dụng thuốc trừ sâu sai mục đích hoặc phun thuốc bừa bãi đã vô tình tiêu diệt nhiều loài thiên địch bắt mồi, làm gia tăng dịch bệnh.
Hiện nay, nấm xanh đang được nhân rộng tại các địa phương và hầu hết bà con nông dân đều quan tâm đến mô hình này. Cán bộ bảo vệ thực vật thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A Nguyễn Thanh Phong cho biết: Được sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, địa phương đã gieo cấy nấm xanh khoảng 15ha lúa Đông xuân tại ấp 3B. Từ thực tế cho thấy, mô hình nấm xanh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân trong công tác phòng trừ sâu hại, đặc biệt là không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Theo báo cáo của ngành BVTV và phản ảnh của một số Sở NN-PTNT các tỉnh phía Bắc thì tình hình sâu bệnh hại trên cây lạc đang có chiều hướng phát triển mạnh, gây hại nặng trên diện rộng, đặc biệt là những vùng chuyên canh lạc như Ninh Bình, Nghệ An, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…
Giống B-TE1 có xuất xứ từ đâu và được các cơ quan chức năng đánh giá như thế nào?