Lo sản xuất bị ảnh hưởng vì biến đổi khí hậu
Thông tin cảnh báo trên được một số nhà chuyên môn đưa ra tại diễn đàn đối thoại chính sách: “Rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, các nguy cơ đối với doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” được tổ chức hôm nay 11-9 tại TP Cần Thơ.
Trao đổi thêm về vấn đề này với TBKTSG Online bên lề diễn đàn, ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, dẫn cảnh báo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng với kịch bản nước biển dâng cao 1 mét, thì chỉ trong khoảng 40 đến 50 năm tới, diện tích sản xuất lúa của ĐBSCL sẽ mất đi khoảng 2 triệu héc ta so với con số hơn 4 triệu héc ta hiện nay.
“Thậm chí, không thể nuôi được tôm, dù chúng ta nghĩ rằng tôm sống trong môi trường nước mặn, nhưng ở đây là nước mặn không xử lý, không kiểm soát được, thì việc nuôi tôm sẽ rất khó khăn”, ông cho biết.
Theo ông Lam, với việc ĐBSCL mất 50% diện tích sản xuất lúa trong tương lai, đồng nghĩa sản lượng lúa sẽ bị sụt giảm từ 25 triệu tấn/năm như hiện nay xuống chỉ còn trên dưới 12 triệu tấn/năm, “có nghĩa là lúc đó chúng ta sản xuất chỉ được khoảng 6-7 triệu tấn gạo/năm, đủ để nuôi sống người dân khu vực ĐBSCL và cả nước thôi, chứ không thể xuất khẩu được nữa”, ông cho biết
Ông Nguyễn Diễn, Phó giám đốc VCCI chi nhánh Đà Nẵng, cho rằng biến đổi khí hậu, nước biển dâng chẳng những “đẩy” nông dân rơi vào cảnh trắng tay vì cây trồng, vật nuôi không phù hợp để phát triển nữa, mà còn khiến hàng loạt doanh nghiệp rơi vào cảnh thu hẹp sản xuất hoặc bị phá sản.
“Sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, thì đầu vào của ngành này như cơ khí, phân bón, thuốc trừ sâu…, sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, còn đầu ra tức những công ty thu mua nông sản sẽ không có đủ nguồn nguyên liệu để làm, buộc họ phải giảm quy mô, thậm chí phải đóng cửa”, ông Diễn cho biết.
Hệ lụy của việc doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa sẽ dẫn đến việc người dân không có việc làm, không có thu nhập, tạo ra rất nhiều bất ổn cho xã hội.
Trong khi đó, ông Lam của VCCI Cần Thơ cho biết xét về mặt kinh tế học, khi nguồn cung nguyên liệu bị thiếu hụt, thì giá sẽ tăng lên do các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực tranh giành nhau mua.
“Như vậy, trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài chuyện cạnh tranh ở thị trường quốc tế, ứng phó với rào cản thương mại và những vấn đề về công nghệ, thì phải cạnh tranh lẫn nhau để giành nguyên liệu và như vậy doanh nghiệp trong nước sẽ tự “giết” nhau luôn”, ông Lam nói.
Để ứng phó với những nguy cơ có thể xảy ra như đã nêu ở trên, ông Diễn cho rằng cần áp dụng hai giải pháp, đó là giảm nhẹ và thích ứng.
Theo ông Diễn, muốn giảm nhẹ cần phải giảm sử dụng nguyên liệu hóa thạch, tức giảm phát thải khí nhà kính, “còn thích ứng là chúng ta phải chọn mô hình sản xuất, quy hoạch đất đai, chuyển đổi cây trồng…như thế nào đó cho phù hợp với quá trình của biến đổi khí hậu, duy trì được nguồn nguyên liệu phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến”, ông gợi ý.
Trong khi đó, theo ông Lam, chẳng hạn đối với mô hình cánh đồng lớn, trước giờ doanh nghiệp gắn kết với nông dân bằng cách lo đầu vào, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra, thì bây giờ phải có cái nhìn dài hạn để ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách hỗ trợ nông dân lo thêm vấn đề đê bao chống lũ, xử lý đất nhiễm mặn, nhiễm phèn…
Có thể bạn quan tâm
Trên địa bàn Hậu Giang, hiện nay chưa có khách hàng vay nuôi tôm, chỉ có khách hàng vay vốn để nuôi cá tra. Tính đến hết tháng 3-2014, tổng dư nợ cho vay nuôi trồng thủy sản trên toàn địa bàn là 2.098 tỉ đồng, chiếm 14,5% tổng dư nợ cho vay, trong đó chủ yếu cho vay nuôi cá tra, với dư nợ 1.025 tỉ đồng.
Cuối năm nay, Lý Sơn cũng sẽ có điện lưới quốc gia được thực hiện xuyên biển bằng cáp ngầm. Đây đều là những tiền đề quan trọng để thúc đẩy huyện đảo vốn giàu tiềm năng và có vị trí chiến lược quan trọng phát triển mạnh mẽ hơn về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng.
Ở thời điểm mà những ruộng lúa Xuân muộn vẫn còn đứng cái, hứng chịu cái nắng gắt gỏng chờ ngày trổ bông và đứng trước nguy cơ bị rầy nâu tấn công, phá hoại thì chỉ hơn chục ngày nữa thôi, người dân Nà Pâu, xã Lạc Nông (Bắc Mê) sẽ ăn mừng lúa mới. Một sự “đột phá” về chuyển đổi mùa vụ đang mang lại hiệu quả rõ nét nơi đây.
Để phát triển và nhân rộng mô hình tổ, đội khai thác thủy sản, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung vào các giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để ngư dân thấy được lợi ích của việc tổ chức khai thác hải sản theo tổ, đội, đặc biệt là các tổ, đội khai thác hải sản xa bờ, kết hợp với bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển.
Huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang có trên 500 ha mãng cầu xiêm, tập trung tập trung tại các xã Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh…Sau một thời gian giá tăng cao, nay giá đã giảm mạnh.