Người Hậu Giang Trồng Mía Chưa Có Lợi
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, niên vụ mía 2014-2015, toàn tỉnh xuống giống được 12.558ha mía, tập trung ở huyện Phụng Hiệp, TX.Ngã Bảy, TP.Vị Thanh và một phần huyện Long Mỹ. Hiện các ruộng mía đang ở độ tuổi từ 7-9 tháng, dự kiến trong tuần tháng 9 tới đây một số địa phương sẽ tiến hành thu hoạch.
2 nhà máy đường trên địa bàn tỉnh là Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) và Công ty Mía đường cồn Long Mỹ Phát thời gian qua cũng đã triển khai ký hợp đồng bao tiêu mía với nông dân. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, mặc dù có hợp đồng bao tiêu với nhà máy đường nhưng nhiều năm qua, người trồng mía chưa được hưởng nhiều quyền lợi từ hợp đồng.
Điển hình như trong vụ mía tới đây, Casuco đưa ra mức giá bao tiêu cho nông dân là 830 đồng/kg, mía 10 chữ đường và cân tại cầu cảng nhà máy hoặc xí nghiệp. Chính sự ràng buộc về địa điểm cân mía mà nông dân không có lợi từ hợp đồng vì không có phương tiện để vận chuyển.
Ông Nguyễn Văn Đua, nông dân trồng mía ở ấp Phó Đường, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho rằng: “Đa số nông dân bán mía tại ruộng cho thương lái, trong khi quy định của hợp đồng bao tiêu là nông dân phải giao mía tại cầu cảng nhà máy, nghĩa là nông dân phải chịu chi phí vận chuyển mía từ ruộng đến cầu cảng. Đó là chưa kể mức giá doanh nghiệp đưa ra bao tiêu không cao hơn bao nhiêu so với mức đầu tư mà chúng tôi bỏ ra”.
Theo thống kê sơ bộ của người trồng mía tại huyện Phụng Hiệp, năm nay, mọi chi phí đầu tư cho cây mía như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công chăm sóc và thu hoạch,... đều tăng so với cùng kỳ nên giá thành sản xuất vụ mía này khoảng 760 đồng/kg. Trong khi, giá bao tiêu của Casuco là 830 đồng/kg, nếu nông dân phải chịu chi phí chuyển mía đến nhà máy thì tính ra không có lãi.
Khác với Casuco, để giải quyết bài toán về quy định địa điểm cân mía, niên vụ mía năm nay, Công ty Mía đường cồn Long Mỹ Phát triển khai hình thức bao tiêu mía là “mua xô” tại ruộng với giá 700 đồng/kg.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt lợi của việc mua mía xô tại ruộng là nông dân không phải tốn chi phí chở mía đến nhà máy, không cần đo chữ đường thì cũng kèm theo mặt hạn chế là mức giá bao tiêu hiện tại còn thấp so với giá thành sản xuất. Nhiều nông dân trồng mía cho rằng, nếu bán với giá 700 đồng/kg thì coi như vụ này nông dân bị lỗ vốn là cái chắc.
Với hai hình thức bao tiêu này, người trồng mía trên địa bàn tỉnh năm nay thật sự chưa mấy thấy thỏa đáng với công sức mà mình bỏ ra sau gần một năm chăm sóc.
Có thể nói, do mấy năm liền phải chịu cảnh “mía đắng” vì giá cả thấp dẫn đến lỗ lã nên có không ít người dân lâm vào cảnh nợ nần, cuộc sống đầy khó khăn. Chính vì vậy, nông dân ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã “ngán ngẫm” và đang quay lưng với cây mía, bắt đầu “công cuộc” chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Hiện, một mùa thu hoạch mía chuẩn bị bắt đầu và người dân đang kỳ vọng các ngành chức năng, nhà máy đường cần có sự nghiên cứu, tính toán lại về những quy định trong hợp đồng bao tiêu mía, cũng như đưa ra mức giá thu mua như thế nào để người nông dân thật sự được hưởng lợi và có được mức lợi nhuận và gắn bó lâu dài với cây mía, tránh rơi vào cảnh cũ như những mùa mía đã qua.
Nếu không giải quyết được bài toán lợi nhuận thì khả năng nông dân sẽ tiếp tục bỏ mía trong thời gian tới là điều khó tránh khỏi…
Có thể bạn quan tâm
Đầm Dơi là huyện có diện tích nuôi tôm công nghiệp lớn nhất tỉnh Cà Mau. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, những năm qua, cấp ủy và UBND huyện, xã, thị trấn có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, sát thực tế, ngành chuyên môn tích cực tổ chức thực hiện, nhân dân có quyết tâm cao nên diện tích phát triển nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện không ngừng tăng lên.
Với trách nhiệm của mình, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành liên quan có những giải pháp phù hợp để giải quyết những tranh chấp thương mại, xóa bỏ những rào cản kỹ thuật mà một số nước đã áp đặt lên một số mặt hàng thủy sản có ưu thế của Việt Nam.
Sáng 19-4, tại xã Thụy Tân, huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình), Công ty TNHH chế biến thủy sản Thụy Hải đã đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến bột cá công suất 450 tấn cá nguyên liệu/ngày. Đây là một trong những nhà máy chế biến bột cá hiện đại và có quy mô lớn nhất châu Á.
Nuôi thỏ là một nghề rất mới với người dân miền núi, tuy nhiên với quy trình chăn nuôi khép kín từ cung ứng giống, tập huấn khoa học kỹ thuật đến bao tiêu sản phẩm cho người dân, mô hình chăn nuôi thỏ quy mô nông hộ do Công ty cổ phần thương mại và sản xuất thực phẩm Hà Nội đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người nông dân.
Giá trị chăn nuôi ĐVHD đem lại vào khoảng 8 tỷ đồng/ha/năm. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ sản phẩm ĐVHD không ổn định, nên phong trào chăn nuôi ĐVHD trên địa bàn huyện có xu hướng giảm về quy mô và giống loài.