Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Giúp Đất Nghèo Chuyển Mình

Người Giúp Đất Nghèo Chuyển Mình
Ngày đăng: 23/06/2013

Ở bản Xốp Thập, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn, Nghệ An) nhiều người đều thầm cảm ơn ông Kha Văn Phon, Trưởng bản vì với tư cách Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông đã giúp bà con tiếp cận với đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng dễ dàng hơn, từ đó có điều kiện cải thiện cuộc sống. Không những thế, ông còn là một gương điển hình làm kinh tế giỏi, xứng đáng để bà con trong bản học tập.

Trưởng bản tận tụy Sinh năm 1966, ông Phon bắt đầu làm Trưởng bản Xốp Thập từ năm 1999. Những năm đó xã Hữu Lập nói chung cũng như bản Xốp Thập nói riêng còn muôn vàn khó khăn do trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu, cơ sở hạ tầng yếu kém, địa bàn xa xôi, cách trở...

Hồi ấy, hễ nhắc đến Hữu Lập là người ta liên tưởng ngay đến một vùng núi cao bạt ngàn nương thuốc phiện, trở thành một trong những điểm “nóng” về ma túy của huyện Kỳ Sơn. Không ít trường hợp gia đình cả cha và con đều trở thành những nô lệ của nàng tiên nâu, nhà tan cửa nát, bệnh tật chỉ vì nghiện.

Được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các ban ngành và sự phối hợp tích cực của các trưởng bản trong việc tuyên truyền, vận động người dân, dần dần cây thuốc phiện đã được xóa bỏ. Những vùng đất một thời được mệnh danh là “đất chết”, giờ đây đã thay da đổi thịt bởi những nương lúa, ngô, những đồi xoan, keo bạt ngàn...

Đến nay, người dân bản Xốp Thập đều cam kết không trồng thuốc phiện mà chăm chỉ làm lụng, chăm bẵm cho con bò, con dê. Đặc biệt là từ khi được Trưởng bản Phon, kiêm Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn tư vấn, hướng dẫn, nhiều hộ nghèo trong bản đã được Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) cho vay hàng chục triệu đồng để phát triển kinh tế. Từ năm 2008 đến nay, Xốp Thập đã có 37 hộ nghèo/93 hộ được vay vốn ưu đãi của NHCSXH với tổng dư nợ đạt 658 triệu đồng, mỗi sổ vay không quá 30 triệu đồng, riêng với hộ làm kinh doanh được vay tới 80 – 90 triệu đồng.

Ông Phon cho biết, hầu hết các hộ gia đình đều sử dụng vốn vay để làm vườn, chăn nuôi rất hiệu quả, điển hình như gia đình ông Kha Văn Ma. Được vay 10 triệu đồng của NHCSXH với lãi suất 0,65%/tháng trong 36 tháng, ông Ma mua được 2 con bò, kết hợp với làm vườn, chỉ sau 2 năm đàn bò nhà ông đã tăng lên 4 con, hàng tháng ông đều nộp đủ lãi cho ngân hàng, kinh tế gia đình có nhiều triển vọng.

Ngoài giúp bà con tiếp cận với vốn vay hộ nghèo, ông Phon còn giúp một số hộ vay tiền làm nhà; đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, người trưởng bản này luôn nhận được sự tín nhiệm cao của NHCSXH nhờ sự tận tụy với từng đồng vốn, giúp tiền chuyển đến đúng đối tượng, đúng địa chỉ. Hàng tháng ông lại cần mẫn đến từng gia đình trong diện vay vốn hỏi han, tìm hiểu, kịp thời giúp họ tháo gỡ khó khăn và trả lãi đúng thời hạn. Nhờ vậy, trong 2 năm qua Xốp Thập không có trường hợp nào nợ xấu, kinh tế địa phương thay đổi rõ rệt.

Năng động trong làm kinh tế

Bản thân ông Phon cũng được NHCSXH cho vay 15 triệu đồng trong thời gian 3 năm, ông dùng số tiền ấy đầu tư chăn nuôi bò, trồng tre, xoan, cây ăn quả, kết hợp nuôi dê, gà thả vườn... Nhờ chăm chỉ làm ăn nên đến nay ông đã có 10 con bò, 5 con dê, vài chục con gà, 3ha keo và 1ha xoan, thu nhập bình quân đạt 30 – 40 triệu đồng/năm.

So với nhiều nơi, mức thu nhập đó không có gì đáng nói, nhưng so với mức thu nhập bình quân ở Xốp Thập, kể như nhà ông Phon đã là khá giả. Điều đáng nói là nhờ biết lấy ngắn nuôi dài nên hầu như tháng nào nhà ông cũng có thu nhập.

Ông Phon còn là Chủ tịch Hội an toàn dịch gia súc của xã, luôn tích cực vận động bà con thực hiện tốt lịch tiêm phòng cho gia súc, gia cầm, giúp bà con nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm phòng vắc xin nên đã nhiều năm nay, trong bản không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, phong trào chăn nuôi nhờ đó được duy trì và phát triển bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Dồn Sức Chăm Gà Đồi Bán Tết Dồn Sức Chăm Gà Đồi Bán Tết

Về Tân Khánh những ngày này, chúng tôi được hòa cùng không khí nhộn nhịp của những người chăn nuôi, từ việc cung ứng cám, thuốc thú y, chăm sóc cho đàn gà, rồi cảnh tập nập xe tải đến thu mua. Dọc trục đường từ xóm Hoàng Mai, qua Na Ri, xóm Tranh, Kê…trên những quả đồi bát úp là thấp thoáng chuồng trại lợp proximăng để che mưa nắng cho gà. Những con gà ri sắp đến ngày được xuất bán, lông vàng tươi, mượt mà chỉ nhìn thôi cũng đủ thích mắt.

28/01/2015
Giàu Nuôi Chó, Khó Nuôi Dê Giàu Nuôi Chó, Khó Nuôi Dê

Người xưa có câu “Giàu nuôi chó, khó nuôi dê”, ý nói nuôi dê rất dễ, không tốn kém, không cần chuồng trại, các vùng núi chỉ cần thả dê sống trên núi đồi mà không tốn thực phẩm. Với giá bán cao, dê hiện là gia súc được nhiều hộ nông dân nuôi để “xóa đói, giảm nghèo”.

28/01/2015
Thái Thụy (Thái Bình) Phát Huy Tiềm Năng Kinh Tế Biển Thái Thụy (Thái Bình) Phát Huy Tiềm Năng Kinh Tế Biển

Hướng ra biển và phát huy tiềm năng kinh tế biển là mục tiêu mà huyện Thái Thụy (Thái Bình) đang tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện, nhất là trong các lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt, khai thác thủy hải sản nhằm đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

29/01/2015
Lộc Biển Đầu Năm Lộc Biển Đầu Năm

Dầu vừa hạ giá thêm, còn tàu đánh trúng gần đầy khoang, cá to đầy ắp. Cá to bán chợ xa càng trúng giá cao. Cá thu, cá hồng, cá bớp… loại nào cũng có giá tăng thêm khoảng 20% so những tháng bình thường trong năm. Lúc này các chợ lớn, nhà hàng đang “săn đón” mua bằng hết.

29/01/2015
Tìm “Đường Bơi” Bớt Gập Ghềnh Cho Con Cá Tra Tìm “Đường Bơi” Bớt Gập Ghềnh Cho Con Cá Tra

Mặt hàng cá tra trong nhiều năm trước đã tạo nên sức tăng trưởng ngoạn mục cho khu vực ĐBSCL. Con cá tra đã từng “giúp” người dân nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, hoạt động sản xuất và tiêu thụ, xuất khẩu cá tra liên tục vướng trong vòng xoáy chất lượng, giá thành đầu ra và tiêu chuẩn xuất khẩu.

29/01/2015