Cò Lúa Ăn Cửa Trên
Cứ đến mỗi vụ thu hoạch lúa, thường xảy ra tình trạng “cò” (người môi giới) máy gặt đập liên hợp. Thực trạng này đang nổi lên thành xu hướng ở nhiều địa phương và chính điều này đã làm tăng thêm chi phí sản xuất cho người trồng lúa.
“Cò” cả hai đầu
Ông Võ Quang Tiên, ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) cho biết: “Từ khi có máy GĐLH, nông dân như tôi rất phấn khởi. So với cắt bằng tay, cắt bằng máy GĐLH giảm được chi phí công cắt trên 70%. Tuy nhiên, để có máy cắt, đa số nông dân ở đây phải thông qua “cò””.
Chuyện môi giới máy GĐLH, mua lúa hiện nay trở thành xu hướng chung, nơi nào có ruộng là ở đó có cò. Mỗi một lần nhận được công cắt là chủ máy gặt phải chi cho cò từ 15.000-20.000 đồng/công và phần chi cho cò chủ máy trích trong phần giá công cắt.
Cò vừa đóng vai trò là thương lái, vừa là chủ máy GĐLH, nên nông dân càng thiệt. Khi nào thương lái vào mua lúa thì cò mới cho chủ máy vào cắt, trong khi đó, thương lái lại muốn mua lúa khô, nên họ neo gần cuối ngày mới cho cắt, cắt càng muộn thì lúa càng nhẹ ký, điều này có lợi cho thương lái hơn.
Ông Trần Văn Hùng ở ấp 2, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho biết: “Gia đình tôi xin vay vốn ngân hàng mua 2 cái máy gặt đập liên hợp. Được hỗ trợ 100% lãi suất vay trong 2 năm đầu, tôi cảm thấy vui, nhưng bây giờ bắt đầu lo. Lo, làm thế nào có được lúa để cắt vừa kiếm lời đóng lãi và trả gốc cho ngân hàng.
Ở Hậu Giang, lúa xuống đồng loạt, nên đến đợt thu hoạch chạy gần 1/2 tháng là hết đồng. Chạy đồng nhà, đồng ngoài tỉnh đều thông qua cò, mỗi công chi cho cò là 20.000 đồng. Sau khi trừ chi phí hết, mỗi công chủ máy GĐLH lời khoảng 100.000 đồng, nếu đồng xa giá cạnh tranh thì phá huề.
Như vụ Đông xuân năm rồi, sau khi chạy hết đồng ở địa bàn Hậu Giang, tui phải chạy xuống tới Bạc Liêu để kiếm đồng cắt, đi xa nhiều chi phí không lời. Bây giờ tui đang lo, thời gian tới có thêm nhiều người sắm máy GĐLH, không biết có đồng chạy nữa hay không, lo làm thế nào để làm có lời trả nợ vay ngân hàng”.
Ông Hà Minh Triều, HTX Phước Trung, ấp Trường Phước A, xã Trường Long A, cho biết: “Địa bàn Châu Thành A máy GĐLH ít, nên người dân phải nhờ cò. Nông dân nêu lý do, Công ty Cổ phần Thực vật An Giang thu mua nhưng không bỏ cọc trước nên họ chưa tin giá của công ty đưa ra. Trong khi cò đi mua lại bỏ cọc trước và cho máy vào thu hoạch luôn”.
Cần sự quan tâm của chính quyền địa phương
Cô Lệ, ở ấp Tân Lợi, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A nói: Nông dân tảo tần một nắng, hai sương với ruộng đồng để kiếm sống. Do đó, chính quyền địa phương nên quan tâm hơn để giúp nông dân giảm được những chi phí gián tiếp.
Ông Đỗ Văn My, ở ấp Nhơn Thọ, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, nói: “Tui có hơn 10 công đất, mỗi khi gặt lúa phải nhờ cò kêu máy GĐLH giùm, tui không biết chủ máy GĐLH ở đâu để kêu. Nên chăng, ở UBND xã có dán tất cả thông tin của những chủ máy GĐLH rồi thông báo cho người dân biết để người nông dân trực tiếp liên hệ với chủ máy”.
Ông Võ Quang Tiên, ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, cho rằng: “Để hạn chế tình trạng cò, chính quyền địa phương cần có giải pháp thiết thực hơn. Có thể làm đầu mối để giúp cho nông dân và chủ máy gặp được nhau mà không phải lấy bất cứ khoản phí nào. Hoặc có thu phí, thì khoản phí đó để xây dựng lại những công trình công ích cho địa phương”.
Ông Trần Văn Trợ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho rằng: Nên rà soát lại tình hình số lượng và hoạt động của máy GĐLH trên địa bàn. Để không ảnh hưởng đến thời vụ của nông dân, tránh bị chi phí gián tiếp, trưởng ấp và UBND các xã nên hợp đồng máy cho nông dân.
Còn ông Lê Viết Quyền, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hậu Giang, nhận xét: Muốn đầu tư thêm máy GĐLH, các ngành, địa phương nên đánh giá lại nhu cầu máy cho sát với thực tế. Đánh giá số lượng máy trên diện tích đã có và chưa có để tránh trường hợp dư máy, làm ăn không hiệu quả.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, toàn tỉnh có khoảng 299 máy GĐLH, trong đó trên địa bàn là 234 máy, ngoài tỉnh 65 máy.
Có thể bạn quan tâm
Theo báo cáo của Phòng Thủy sản, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay trên toàn tỉnh đã có hơn 56 ha tôm bị dịch bệnh, chủ yếu là bệnh đốm trắng do virus gây nên, chiếm khoảng 10% diện tích hồ nuôi.
Dưới ánh sáng xanh huyền ảo được thiết kế mô phỏng đáy sâu đại dương và trông tựa như một công viên hải dương, những đàn cá mú bình thản lượn lờ trong những bể nước sủi tăm hình tròn bố trí trên tầng thứ 15 của một nhà kho ở Chai Wan, Hồng Kông.
Những năm qua, xã Hoằng Đông (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) đã tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, điển hình như mô hình ớt xuất khẩu trồng 2 vụ/năm.
“Không có vốn, nông dân nỗ lực đến mấy cũng đành bó tay. Vùng tôm này ra đời đã hàng chục năm, song mới thực sự khởi sắc dăm ba năm trở lại đây, khi Phòng Giao dịch Hòa Sơn thuộc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Hòa Vang (Đà Nẵng) giải ngân cho vay số tiền lớn”, ông Mai Phước Binh, Chi hội trưởng Chi hội Nghề nghiệp nuôi tôm nước lợ thôn Trường Định, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), tổ trưởng tổ vay vốn cho biết.
Lực lượng Kiểm ngư cùng các lực lượng chức năng khác luôn túc trực và sẵn sàng hỗ trợ cho ngư dân hoạt động trên các ngư trường thuộc chủ quyền của Việt Nam.