Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Kinh Doanh Gia Cầm Mùa... Dịch Bệnh: Giảm Giá, Vẫn Ít Người Mua

Kinh Doanh Gia Cầm Mùa... Dịch Bệnh: Giảm Giá, Vẫn Ít Người Mua
Ngày đăng: 05/03/2014

Thời gian gần đây, do dịch cúm gia cầm khiến người tiêu dùng lo sợ nên giá các sản phẩm gia cầm liên tục giảm. Tại nhiều chợ trên địa bàn TP Hà Nội, tình trạng giá giảm, sức mua giảm đã ảnh hưởng không nhỏ tới cả người sản xuất và kinh doanh gia cầm.

Kinh doanh ế ẩm

Mặc dù trên địa bàn Hà Nội chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm nhưng thông tin về tình hình dịch bệnh trên cả nước, cũng như sức mua giảm khiến giá gia cầm tại nhiều chợ giảm mạnh. Chị Hoàng Thị Hạnh, một hộ chuyên buôn bán gia cầm sống tại chợ Chúc Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ cho biết: "Ra Tết, giá các loại gia cầm liên tục giảm.

Trước Tết, giá gà ta ngon trung bình khoảng 120.000 đồng/kg nhưng hiện giảm xuống còn 75.000 - 80.000 đồng/kg. Tương tự, giá ngan lông từ 70.000 đồng/kg giảm xuống còn 50.000 đồng/kg".

Cùng chung tâm trạng lo lắng vì "ế hàng" bởi ảnh hưởng của thông tin dịch cúm, chị Ngô Thị Thu, tiểu thương kinh doanh gia cầm tại chợ Tó, huyện Thanh Trì cho hay, trước đây, mỗi ngày chị vẫn bán được trung bình từ 60 - 70 kg gia cầm các loại. Tuy nhiên, những ngày gần đây, lượng gia cầm bán ra chỉ đạt từ 15 - 20 kg/ngày.

Không chỉ ở các huyện ngoại thành, tình hình kinh doanh sản phẩm gia cầm ở các chợ trong nội thành cũng khá trầm lắng. Qua khảo sát tại các chợ Ngã Tư Sở, Khương Đình, Hà Đông… nhiều sạp hàng bán trứng, thịt gia cầm (gà, ngan, vịt, chim cút) rất vắng khách mua, dù các tiểu thương tích cực mời chào.

Chị Nguyễn Thị Xuân, tiểu thương bán thịt gà, vịt làm sẵn tại chợ Hà Đông cho biết: "Gần nửa tháng nay, lượng khách hỏi mua gà, vịt giảm hẳn. Không chỉ thế, các mối hàng lớn như các hàng quán, bếp ăn, nhà hàng cũng hạn chế đặt hàng. Nguyên nhân chủ yếu do người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm khác do lo ngại dịch cúm gia cầm".

Theo thông tin từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện giá các sản phẩm gia cầm đã giảm đáng kể. Tại Hà Nội, giá gà lông màu chỉ còn 35.000 - 39.000 đồng/kg, gà công nghiệp 25.000 - 29.000 đồng/kg, giảm 20% so với thời điểm đầu năm. Đặc biệt, trứng gà công nghiệp cũng giảm mạnh, chỉ còn 1.200 - 1.500 đồng/quả; con giống gia cầm giảm tới 70%, dao động từ 2.000 - 5.000 đồng/con.

Không nên hoang mang

Trước diễn biến của thị trường và sản xuất, Cục Chăn nuôi khuyến cáo các địa phương cần định hướng cho người tiêu dùng bình tĩnh, không nên hoang mang, tẩy chay các sản phẩm gia cầm. Theo đó, người dân hoàn toàn có thể sử dụng các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch thú y và chế biến đúng cách, không nên ăn tiết canh.

Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, cần xem dịch cúm A/H5N1 là dịch địa phương, vì nhiều tỉnh không có dịch này. Với các vùng khi có dịch xảy ra, phải khoanh vùng kiểm soát, không nên tuyên truyền quá rầm rộ khiến người dân hoang mang, tẩy chay sản phẩm.

Dự báo, trong thời gian tới, cung cầu về gia cầm, sản phẩm gia cầm có thể sẽ xảy ra sự mất cân đối do người chăn nuôi không dám tái đàn vì lo dịch bệnh. Theo ông Trọng, trong khoảng 2 - 3 tháng tới, nguồn cung thực phẩm sẽ giảm mạnh và giá sẽ tăng lên. Khi đó có thể sẽ xảy ra tình trạng nhập lậu các sản phẩm gia cầm do giá trong nước và nước ngoài chênh lệnh.

Để ổn định sản xuất, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo xây dựng mô hình sản xuất giống tại chỗ cho 7 tỉnh biên giới phía Bắc, dự kiến sẽ được triển khai trong tháng 3. Mô hình này sẽ giúp người chăn nuôi trong nước tự chủ về con giống, nhanh chóng tái đàn, ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm.

Ngoài ra, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát để ngăn gia cầm nhập lậu qua các đường tiểu ngạch. Đồng thời, khuyến khích người chăn nuôi hình thành mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Cùng với đó thực hiện đóng cửa định kỳ tại các chợ chuyên kinh doanh gia cầm để vệ sinh tiêu độc.

"Các địa phương cần nghiêm túc kiểm soát địa bàn xảy ra dịch cúm gia cầm, không để tình trạng bán chạy bán tháo. Với những nơi chưa có dịch, cần khuyến khích người dân tiếp tục phát triển chăn nuôi" - Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi.


Có thể bạn quan tâm

Áp Dụng Tốt Các Biện Pháp Canh Tác Để Tăng Năng Suất Lúa Áp Dụng Tốt Các Biện Pháp Canh Tác Để Tăng Năng Suất Lúa

Thời điểm này, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã xuống giống cho vụ thu đông, cũng đang vào mùa mưa, với nhiều trận mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển cây lúa. Tiến sĩ Chu Văn Hách, Trưởng Bộ môn Phân bón và Kỹ thuật canh tác, Viện Lúa ĐBSCL lưu ý bà con một số giải pháp để có thể bảo vệ vụ mùa thu đông và chuẩn bị tốt cho vụ mùa đông xuân.

24/09/2012
Ông Lê Văn Tám Bội Thu Từ Trồng Ổi Ông Lê Văn Tám Bội Thu Từ Trồng Ổi

Ông Lê Văn Tám ở thôn 1 xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đang có vụ thu hoạch bội thu, khi 2.000 gốc ổi cho lứa quả đầu tiên sau gần 2 năm nỗ lực chăm bón. Cứ hai ngày một lượt, khách hàng từ dưới phố lên chọn quả hái khoảng 300 kg. Với giá 6.000 đồng/kg, mỗi lần xuất bán như vậy, ông có 1,8 triệu đồng.

24/09/2012
Hội Thảo Mô Hình Nuôi Thí Điểm Cá Rô Đầu Vuông Ở Xã Tân Hòa (Đak Lak) Hội Thảo Mô Hình Nuôi Thí Điểm Cá Rô Đầu Vuông Ở Xã Tân Hòa (Đak Lak)

Chi cục Thủy sản Đak Lak vừa phối hợp với UBND xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình nuôi thử nghiệm cá rô đầu vuông thương phẩm trong ao bằng thức ăn viên tổng hợp tại hộ ông Hà Đình Phùng, thôn 2.

26/09/2012
Nuôi Vịt Kiểu Mới, Cho Thu Nhập Cao Ở Đồng Nai Nuôi Vịt Kiểu Mới, Cho Thu Nhập Cao Ở Đồng Nai

Xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) là vùng đất trắng, bạc màu nên sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Để vươn lên thoát nghèo, nhiều nông dân đã mạnh dạn mở trang trại chăn nuôi, điển hình là ông Nguyễn Kính đã xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

26/09/2012
Nhím Nuôi Rớt Giá Nhím Nuôi Rớt Giá

Trong thời gian gần đây, nhiều hộ dân nuôi nhím trên địa bàn xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) đang phải chịu cảnh “khủng hoảng thừa” vì không thể bán được nhím.

26/09/2012