Chọn Sản Xuất Lúa Giống Làm Khâu Đột Phá
Với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi kết hợp với hệ thống đê bao hoàn thiện, nhiều năm qua người dân ấp Đông Hòa A, xã Thới Tân đã gắn bó với cây lúa. Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ, tự phát nên sản lượng lúa luôn ở mức thấp, chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn không cao.
Tập hợp nông dân vào hợp tác xã (HTX), chuyển hướng sang sản xuất lúa giống chất lượng cao gắn với bao tiêu sản phẩm và xây dựng thương hiệu là những kết quả thiết thực mà Dự án "Xây dựng mô hình dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao cho HTX Thới Tân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ" đang mang lại.
* Hiệu quả bước đầu
Dự án "Xây dựng mô hình dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao cho HTX Thới Tân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ" thuộc Chương trình xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015.
Dự án được thực hiện từ tháng 4-2012 đến tháng 5-2014, với tổng kinh phí trên 3,26 tỉ đồng. Thạc sĩ Hoàng Hữu Toàn, Trung tâm Kỹ thuật và Ứng dụng công nghệ Cần Thơ, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, Chủ nhiệm Dự án, cho biết: "Dự án tập trung vào 3 nội dung lớn: đào tạo, tập huấn cho các xã viên về kỹ thuật sản xuất, nhân giống lúa theo hệ thống giống 4 cấp; chuyển giao công nghệ và mua sắm thiết bị phục vụ sản xuất lúa giống.
Thời gian đầu, Ban Chủ nhiệm gặp rất nhiều khó khăn do người dân chưa tin tưởng vào hiệu quả mang lại từ sản xuất lúa giống; kỹ thuật sản xuất lúa giống nguyên chủng phức tạp, tốn nhiều chi phí… Tuy nhiên, với sự nhiệt tình của ban Chủ nhiệm, sự hỗ trợ đắc lực của đơn vị chuyển giao công nghệ và chính quyền địa phương, người nông dân nhận thức được sự cần thiết và hiệu quả mang lại từ dự án".
Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, dự án triển khai đúng tiến độ và đang phát huy hiệu quả tích cực, chất lượng của lúa giống đạt tiêu chuẩn.
Sau gần 2 năm triển khai, Ban Chủ nhiệm Dự án đã tổ chức 4 lớp tập huấn cho xã viên HTX Thới Tân về quy trình kỹ thuật sản xuất, đánh giá, xử lý hạt giống; 6 lớp phương pháp kiểm định đồng ruộng; cách nhận biết và phòng trừ dịch hại và 1 lớp đào tạo nhân viên sử dụng thiết bị Laser để san phẳng đồng ruộng... Ban Chủ nhiệm Dự án còn phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL chuyển giao công nghệ sản xuất giống nguyên chủng, xác nhận và sản xuất phân hữu cơ vi sinh cung cấp cho các xã viên.
Đồng thời, hỗ trợ HTX Thới Tân trang bị máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất lúa giống như: lò sấy, máy làm sạch hạt, nghiền rơm, máy đo độ ẩm, khâu bao và bộ thiết bị Laser san ủi mặt ruộng…
Ông Tô Thành Mông, Chủ nhiệm HTX Thới Tân, cho biết: "Kết quả mang lại từ Dự án không chỉ giúp các xã viên chủ động khâu giống phục vụ sản xuất tại chỗ mà còn cung ứng giống cho các ấp, xã lân cận. Lúa giống bán được giá cao nên đời sống xã viên cũng từng bước cải thiện.
Đây cũng là hướng đi tất yếu để HTX cùng chung tay xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, bền vững". Đặc biệt, các xã viên thu được lợi nhuận cao khi đầu ra được Viện Lúa ĐBSCL bao tiêu sản phẩm.
Điển hình, vụ thu đông 2013, HTX cấy 6ha lúa giống OM 5451 và OM 4218. Với năng suất 7,2 tấn/ha, giá bao tiêu lúa tươi 5.900 đồng/kg, trừ hết chi phí xã viên còn lãi hơn 26, 4 triệu đồng/ha. Ngoài ra, HTX còn sản xuất 4 ha lúa giống Jasmine 85 phục vụ cho sản xuất lúa đông xuân 2013-2014. Năng suất lúa đạt 7,2 tấn/ha, giá bán 10.000 đồng/kg, nông dân lãi 52 triệu đồng/ha…
* Tiếp tục khai thác lợi thế
Ông Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, nhấn mạnh: Với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chất lượng cao, sản xuất nông nghiệp của huyện đã có những chuyển biến rõ nét, đặc biệt là cây lúa. Dự án "Xây dựng mô hình dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao cho HTX Thới Tân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ" đã tạo điều kiện thuận lợi để HTX phát huy lợi thế.
Dự án được lồng ghép với việc nhân rộng mô hình "Cánh đồng lớn" thì hiệu quả mang lại sẽ càng cao. Trước mắt, HTX nên tận dụng các thiết bị sẵn có (lò sấy, bộ thiết bị Laser san ủi mặt ruộng…) để mở rộng quy mô theo hướng cung ứng dịch vụ cho các ấp, xã liền kề. Đây là giải pháp để các xã viên có thêm thu nhập, tăng nguồn vốn hoạt động của HTX…
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Thới Lai, HTX Thới Tân nằm hoàn toàn trong đê bao khép kín, được hỗ trợ kinh phí từ chương trình giống cây con của huyện và sự "tiếp sức" đắc lực trong khâu chuyển giao kỹ thuật, trang thiết bị tiên tiến từ Viện Lúa ĐBSCL, nên có thể chủ động sản xuất lúa giống quanh năm.
Ông Lê Văn Tính, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp TP Cần Thơ, cho biết: "Hiện TP Cần Thơ có khoảng 45 cơ sở sản xuất lúa giống. Song, trong số đó chỉ có 21 cơ sở sản xuất lúa giống một cách bài bản và được chứng nhận hợp quy. HTX Thới Tân có hội đủ các điều kiện về tự nhiên, trang thiết bị, nhân lực… nên chọn sản xuất lúa giống làm khâu đột phá, nhất là công tác cung ứng dịch vụ lúa giống".
Theo ông Tính, Trung tâm Giống nông nghiệp vừa được UBND TP Cần Thơ phê duyệt đề án về sản xuất lúa giống cung ứng cho toàn thành phố. Vì vậy, Trung tâm giống sẽ tích cực hỗ trợ cũng như lồng ghép nguồn kinh phí để việc sản xuất lúa giống của HTX Thới Tân ngày càng đi lên.
Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu, song do nguồn vốn huy động chưa đạt yêu cầu nên hoạt động của HTX còn nhiều hạn chế; trang thiết bị phục vụ sản xuất lúa giống chưa được đầu tư đồng bộ; việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm chưa nhiều…
Vì vậy, thời gian tới, Ban Chủ nhiệm Dự án tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển giao công nghệ bảo quản sau thu hoạch; theo dõi, chăm sóc 80ha lúa xác nhận trong vụ đông xuân 2013-2014. Ngoài ra, khi lúa thu hoạch xong sẽ sử dụng bao bì in 2 mặt (1 mặt của Viện Lúa ĐBSCL và 1 mặt của HTX Thới Tân) để tăng uy tín, thương hiệu cho sản phẩm khi lưu thông trên thị trường.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân tham gia vào HTX, một số ý kiến kiến nghị Ban Chủ nhiệm Dự án tiếp tục hỗ trợ đầu tư máy gặt đập liên hợp, xây dựng nhà kho chứa lúa, mua vật tư nông nghiệp với giá ưu đãi…
Có thể bạn quan tâm
Đó là diễn đàn được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến Nông –Lâm –Ngư Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 22/7, với sự tham dự của lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các tỉnh ven biển miền Trung và một số hộ nuôi tôm trên cát.
Ông Lê Minh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngũ Lạc (Trà Vinh) cho biết: Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ 400 triệu đồng cho Dự án nuôi bò thịt ấp Đường Liếu, xã Ngũ Lạc; sau 01 năm đầu tư, lợi nhuận thu được là hơn 320 triệu đồng, bình quân mỗi hộ tham gia nuôi bò lãi 14 triệu đồng/năm.
Cà phê chồn được xếp vào loại đồ uống quý hiếm và đắt tiền nhất trong các loại cà phê. Đây là loại cà phê được thu nhặt từ phân của con chồn hương, hiện nổi tiếng khắp thế giới, được săn lùng vì thơm ngon hơn hẳn các loại cà phê thường.
Rau sắng là loài rau khá đặc biệt, từ khi trồng đến lúc cho thu hoạch đầu tiên phải mất từ ba đến năm năm và sau mười năm mới được thu hoạch với số lượng lớn. Rau sắng thường mọc trong rừng sâu, trên những vách núi cao. Những cây mọc trên vách núi cao thì tuổi đời cây càng cao, chất lượng rau càng ngon ngọt lạ thường.
Vài tuần trở lại đây, các loại trái cây trên địa bàn huyện Chợ Lách (Bến Tre) được giá, riêng chôm chôm thì giá cao gấp 3, 4 lần so với thời điểm này năm trước.