Người Đầu Tiên Trồng Cây Dược Liệu Ở Tràng Lương (Quảng Ninh)

Tràng Lương là xã miền núi của huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Ở những khu vực trồng lúa kém hiệu quả, các hộ trồng thêm khoai, lạc, nhưng giá trị kinh tế không cao. Trước thực tế đó, anh Tạ Văn Chiến (SN 1986, ở thôn Linh Tràng, xã Tràng Lương) đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sang phát triển trồng cây dược liệu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Chiến đã đầu tư nuôi 2.000 con gà thương phẩm, trồng khoảng 2 mẫu lúa, hoa màu. Dù rất chăm chỉ, nhưng cũng chỉ giải quyết việc làm cho bản thân và gia đình, còn hiệu quả kinh tế không cao. Thấy anh có chí làm giàu, một người bạn đã mách nước cho anh tìm hiểu trồng cây đuôi mèo làm nguyên liệu cho các công ty dược.
Anh Chiến kể: Tìm hiểu, được biết Công ty CP Dược phẩm Hà Nội có nhu cầu mua cây đuôi mèo để phục vụ sản xuất thuốc, tôi đã mạnh dạn liên hệ đăng ký cung cấp nguyên liệu cho Công ty. Sau một thời gian xem xét, tôi đã được Công ty ký hợp đồng 3 năm cung cấp nguyên liệu cây đuôi mèo…
Chúng tôi được anh Chiến dẫn thăm ruộng trồng cây đuôi mèo mới hơn 1 tháng. Để bảo vệ cây khỏi sự xâm hại của trâu, bò, anh Chiến chôn cột bê tông, rào dây thép gai quanh các ruộng trồng. Anh cho biết, hiện loại cây này trong tỉnh gần như chưa ai trồng, vì vậy, năm 2012 anh Chiến phải lặn lội đến các tỉnh Bắc Giang, Hoà Bình, Hải Dương, bỏ ra tới 200 triệu đồng để tìm mua cây giống về trồng trên 2 mẫu đất của gia đình.
Quy trình chăm sóc, anh tự tìm tòi qua sách báo, mạng internet. Theo anh, đây là loại cây không khó trồng, lại được sự hỗ trợ từ gia đình, nên vụ đầu tiên anh đã thành công, nhất là từ đó đã chủ động được nguồn giống, không phải đi mua.
Anh tính toán, 1ha cây đuôi mèo, sau 7 tháng trồng sẽ thu được 270 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất khoảng 30 - 50 triệu đồng, còn lại là lãi. Hiệu quả đã thấy rõ, anh Chiến mở rộng diện tích trồng từ 2 mẫu lên 4ha năm 2014, lên 12ha năm 2015. Anh Chiến còn giới thiệu cho một số hộ dân ở các xã Tràng Lương, Bình Khê và thị trấn Mạo Khê cùng tham gia trồng.
Anh Chiến cho biết: Rút kinh nghiệm từ nhiều năm và trên cơ sở nguồn giống hiện có, đầu năm nay tôi đã đứng ra làm đầu mối giúp các hộ khác trồng và bán nguyên liệu cho các công ty dược. Trong năm nay, tôi đảm bảo đáp ứng đủ 12 tấn nguyên liệu khô cho Công ty CP Dược phẩm Hà Nội, đồng thời ký tiếp hợp đồng 5 năm với công ty CP Sao Thái Dương, cung cấp 15 tấn nguyên liệu khô/năm.
Anh chia sẻ về những khó khăn ban đầu khi là người đầu tiên trồng cây đuôi mèo tại địa phương: Đây là loại cây mới, khó tìm, nên anh phải đi khá nhiều nơi tìm giống. Chưa có ai trồng cây này, nên anh không học tập kinh nghiệm ở đâu, phải tự mày mò, đúc kết qua thực tế.
Ban đầu cũng nhiều người tỏ ra hoài nghi, liệu có trồng được không, có hiệu quả kinh tế không? Nhưng với sức trẻ, cùng quyết tâm muốn đưa giống cây mới có giá trị kinh tế cao vào trồng, anh Chiến đã thành công. Hiệu quả từ việc trồng cây đuôi mèo không chỉ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho gia đình anh, mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 8 hộ gia đình khác tại địa phương.
Trên địa bàn xã Tràng Lương cũng đã có một số doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư trồng các loại cây dược liệu. Anh Chiến hy vọng phát triển dược liệu sẽ trở thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho nhân dân.
Có thể bạn quan tâm

Nhiều trang trại nuôi gà đẻ trứng tại các huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom và Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết, hiện giá trứng gà bán ra tại trại chỉ còn 18-19 ngàn đồng/chục, giảm 2-3 ngàn đồng/chục so với cuối tháng 8-2013. Giá trứng gà giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm lại so với gần 2 tuần trước. Năm nay, nhu cầu mua trứng để làm bánh trung thu không nhiều, nên giá trứng ít biến động.

Lãnh đạo UBND huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) vừa khảo sát và làm việc với 18 hộ dân ấp Vàm Hồ, xã An Thạnh Nam nhằm bàn biện pháp khắc phục vùng nuôi tôm bị thiệt hại.

Một số nơi trong tỉnh Bắc Giang, có việc chính quyền sở tại cho nông dân thầu hoặc buông lỏng quản lý để xảy ra nhiều trường hợp lấn chiếm lưu vực, dòng kênh tiêu để nuôi thả cá. Việc làm này mang lợi ích cho số ít người nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác tiêu úng, gây thiệt hại lớn về sản xuất của hàng trăm hộ dân.

Dù tỷ lệ thiệt hại đến tuần đầu tháng 9 vẫn còn ở mức 28,8%, nhưng vụ nuôi tôm nước lợ 2013 của tỉnh Sóc Trăng đã và đang diễn biến khá thuận lợi, khi phần lớn diện tích thu hoạch không chỉ đạt năng suất, mà giá bán cũng luôn ở mức cao. Dù vụ tôm 2013 chưa kết thúc nhưng nỗi lo cho vụ tôm 2014 đã hiện hữu, với không ít vấn đề đặt ra cho ngành chức năng và chính quyền địa phương.

Gần 3 năm qua, ngư dân đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) đã thử nghiệm và thành công bước đầu với mô hình nuôi cá bớp lồng bè. Hiệu quả từ mô hình này đã và đang giúp cho cư dân đảo Hòn Chuối có thêm nguồn thu đáng kể, cải thiện cuộc sống…