Người Đầu Tiên Đưa Giống Sắn Siêu Bột Về Phú Yên

Anh Bùi Văn Nhương ở xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), là người đầu tiên ở Phú Yên lặn lội vào tỉnh Tây Ninh đưa giống sắn KM419 về trồng. Giống sắn này được nhân dân các tỉnh Đồng Nai, Đắk Lắk, Phú Yên gọi là giống sắn siêu bột Nông Lâm, cho năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế.
Anh Bùi Văn Nhương từ tỉnh Ninh Bình vào xã Đức Bình Đông lập nghiệp và đến nay đã có thâm niên 15 năm trồng sắn với diện tích 20ha. Trước đây, anh trồng chủ yếu là giống sắn KM94. Đây là giống sắn được trồng phổ biến ở Phú Yên nhưng bị thoái hóa nên năng suất chỉ đạt 17 tấn/ha. Gần đây, giống sắn KM94 này lại bị bệnh chổi rồng, sáp bột hồng gây hại làm giảm năng suất và sản lượng. Nếu sắn bị sáp bột hồng và nhiễm bệnh chổi rồng nặng thì cây không cho năng suất. Vì thế, người trồng sắn lỗ nặng.
Nhận thấy giống sắn KM94 không còn phù hợp, cách đây 5 năm, anh Nhương vào tận tỉnh Tây Ninh đưa giống sắn KM419 về trồng. Anh Nhương cho biết: “Năm ngoái tôi trồng 20ha giống sắn mới này với năng suất đạt 54 tấn/ha, giá bán trung bình 1.800 đồng/kg, trừ chi phí còn thu lãi 40 triệu đồng/ha”. Cũng theo anh Nhương, trồng sắn mới KM419 phải lựa cây giống tốt, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, trồng trên đất bằng ít dốc, mật độ khoảng 14.000 bụi/ha, bón phân hữu cơ đầy đủ, đồng thời làm sạch cỏ ít nhất 3 lần kết hợp vun luống cho đất xốp.
Vụ sắn năm nay anh Nhương trồng 10ha sắn KM419. Mặc dù ảnh hưởng nắng hạn kéo dài, sắn trồng đầu vụ bị chết, cuối vụ giá sắn giảm chỉ còn 1.600 đồng/kg, trong khi chi phí cước vận chuyển lại tăng, nhưng anh Nhương vẫn thu lãi 25 triệu đồng/ha, cao hơn trồng giống sắn KM94 10 triệu đồng/ha.
Những năm qua, đến mùa thu hoạch sắn, nhiều người quanh vùng thấy anh Nhương trồng giống sắn cho củ sai, chất lượng bột cao nên hỏi anh xin cây sắn giống về trồng. Vì Vậy giống sắn KM419 đã được trồng nhân rộng tại vùng này.
Ông Nguyễn Đình Quốc, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông, cho biết: “Giống sắn của anh Nhương đưa về đã được nhân rộng, có năng suất cao, bình quân từ 3,5 đến 5kg/ bụi (gốc), cao hơn giống KM94 và KM98-5 trồng lâu nay tại địa phương chỉ đạt 3kg/bụi. Gia đình tôi cũng đã tham gia trồng loại sắn mới KM419”.
Trong niên vụ sắn 2014 - 2015, Sở NN-PTNT chọn trang trại của anh Nhương trồng thử nghiệm 5 giống sắn mới là KM414, KM440, KM444, KM397 và KM419.
Đây là đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn giống sắn ngắn ngày và kỹ thuật thâm canh trồng rải vụ nhằm phục vụ cho phát triển cây sắn bền vững ở tỉnh Phú Yên” do Sở NN-PTNT Phú Yên phối hợp với Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh và đại học Nông lâm Huế thực hiện. Mới đây, Sở NN-PTNT Phú Yên tổ chức hội thảo đầu bờ được các chuyên gia ngành Nông nghiệp đánh giá, những giống sắn mới này, sau 7 tháng trồng, thu hoạch đạt năng suất trên 40 tấn/ha.
Đặc điểm các giống sắn mới với thời gian sinh trưởng 7 đến 10 tháng, năng suất củ tươi từ 35 đến 55 tấn/ ha, hàm lượng tinh bột 27,8 đến 30,7% (so với giống sắn KM94 hàm lượng tinh bột chỉ đạt 25 đến 28,4%). Trong đó, giống sắn KM419 vượt trội vì có chiều cao vừa phải, thân thẳng, tán gọn, củ đồng đều, thịt củ màu trắng rất thích hợp chế biến.
Tiến sĩ Hoàng Kim, giảng viên Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Giống sắn KM419 đã được nhân rộng tại tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Đắk Lắk, Phú Yên. Loại sắn này có hàm lượng tinh bột cao, được nông dân các địa phương ưa chuộng trồng nhân rộng với tên gọi là giống sắn siêu bột Nông Lâm”.
Có thể bạn quan tâm

Trong số hơn 30 HTX sản xuất, kinh doanh mạnh của tỉnh, HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Nam Dương, xã Nam Dương (Nam Trực), HTXDVNN Thịnh Thắng, xã Giao Thịnh (Giao Thủy) là những điển hình về tổ chức các hoạt động dịch vụ thiết yếu mang lại hiệu quả cao. Các HTX đã tập trung nguồn lực, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ, phục vụ xã viên trong các khâu trong quá trình sản xuất. Nhờ vậy, nhiều hộ xã viên đã nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Cùng với hành trình khai hoang, cải hóa Đồng Tháp Mười, vùng đất nhiễm phèn nặng dần dần được chuyển hóa tạo điều kiện cho nhiều loài thủy sản có điều kiện sinh sống và phát triển.

Thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), mỗi năm Việt Nam sử dụng 10 triệu tấn phân bón các loại và đang là một trong những nước sử dụng phân bón/đơn vị diện tích cao nhất trên thế giới. Trong 3 năm gần đây, Việt Nam đã nhập và sử dụng từ 70 nghìn đến 100 nghìn tấn hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) thành phẩm để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Điều này khiến một lượng lớn hóa chất BVTV tồn lưu, gây nguy hại cho sức khỏe con người cũng như môi trường.

Với trên 21km bờ biển cùng với hàng ngàn ha bãi triều, Đầm Hà (Quảng Ninh) thực sự giàu tiềm năng phát triển nghề nuôi trồng hải sản, đặc biệt là những loài hải sản có giá trị kinh tế cao như cá song, cá vược, cua, ngao, tu hài...

6 tháng đầu năm 2014, tổng sản lượng khai thác thủy sản của huyện Quảng Xương ước đạt 8.749 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ, bằng 52,1% kế hoạch; sản lượng chế biến đông lạnh đạt 90.000 tấn, sản phẩm khô 7.500 tấn, nước mắm 8.400 lít, sản phẩm dạng mắm đạt 700 tấn. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.367 tấn, tăng 25% so với cùng kỳ, đạt 56,4% kế hoạch.