Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Dân Phấn Khởi Vì Sắn Được Mùa, Được Giá

Người Dân Phấn Khởi Vì Sắn Được Mùa, Được Giá
Ngày đăng: 06/11/2014

Đến các xã thuộc huyện Đakrông và vùng Lìa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) dịp này, chúng tôi bắt gặp không khí rộn ràng vào mùa thu hoạch sắn của người dân địa phương.

Những chiếc ô tô chở nguyên liệu của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa làm việc liên tục trong ngày, vượt qua những dốc đồi cách trở để đến tận rẫy thu mua sắn của nông dân. Trên những đồi sắn, những hộ gia đình nhiệt tình hoán đổi công cho nhau để sắn nhà nào cũng được thu hoạch và xuất bán dứt điểm trong thời gian ngắn nhất..

Năm nay, thời tiết thuận lợi trong suốt quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch sắn và đặc biệt là nhà máy thu mua với giá cao hơn năm trước nên người dân rất phấn khởi…

Trên rẫy của bà Hồ Thị Bon (thôn Úp Ly 1, xã Thuận) hôm ấy có đến 15 người tất bật thu hoạch sắn. Người thì nhổ sắn, tách củ ra khỏi thân cây gom lại một chỗ, người thì gom sắn vào những chiếc rổ lớn, đưa đến xe ô tô thu mua, người sắp xếp sắn trên xe cho gọn gàng. Chẳng mấy chốc, chiếc xe đã đầy ắp sắn, di chuyển về nơi tập kết nguyên liệu để sản xuất .

Gạt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt rám nắng, bà Hồ Thị Bon vui vẻ cho biết: “Từ ngày Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa được xây dựng, chúng tôi được cán bộ của nhà máy tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật trồng và cung cấp giống sắn KM94. Quá trình trồng, họ đến tận nơi để giúp đỡ cách trồng, chăm sóc, thu hoạch sao cho hiệu quả.

Trước đây phần lớn nhà nào cũng nghèo đói, từ khi trồng sắn đời sống người dân ở trong vùng được nâng lên. Riêng gia đình tôi, bình quân mỗi vụ sắn thu hoạch khoảng 2 xe loại hơn 2 tấn, trừ chi phí cũng thu được hơn 22 triệu đồng. Nhờ vậy chúng tôi có điều kiện đầu tư cho con học hành, xây dựng nhà cửa khang trang hơn. Mùa sắn này, nhà máy thu mua giá nhích hơn năm ngoái 100-200 đồng/kg nên ai cũng mừng”.

Bà Hồ Thị Lo ở bản Giai, xã Thuận giúp thu hoạch sắn cho gia đình bà Bon góp chuyện: “Nhà tôi cũng có gần 1 ha sắn, chúng tôi thỏa thuận hoán đổi công cho nhau để thu hoạch nhanh hơn, tránh tình trạng sắn nhổ lâu ngày chưa xong, ảnh hưởng đến chất lượng sắn cũng như thời gian của người thu mua.

Ngay sau khi giúp nhà bà Bon thu hoạch xong, mọi người sẽ đến rẫy sắn nhà tôi để giúp thu hoạch. Năm nay cũng như những nhà khác, sắn của tôi phát triển tốt vì thời tiết thuận lợi. Thấy bà Bon xuất bán hết số sắn giá cao hơn mọi năm, tôi cũng vui lây vì sắp đến sắn nhà mình cũng sẽ được như thế”. Bà Hồ Thị Lầm, thôn Măng Song, xã Ba Tầng chồng mất, một mình nuôi 3 con, nhờ trồng sắn hơn 5 năm nay nên cuộc sống của gia đình bà đỡ chật vật hơn trước nhiều.

Đang đứng chờ cán bộ Nhà máy chế biến tinh bột sắn cân đo số lượng và hàm lượng sắn để thanh toán tiền, bà phấn khởi nói: “Những năm qua, nhờ cây sắn mà những người có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi xóa được đói, giảm được nghèo. Do đó, ai cũng đầu tư trồng sắn cho tốt để có thêm thu nhập ổn định hơn. Năm nay, nghe nói giá sắn cao hơn nên tôi vui lắm, thế là số tiền bán sắn sẽ nhiều hơn năm ngoái”.

Mới vào vụ thu hoạch hơn 2 tháng nhưng nhiều hộ gia đình ở vùng Lìa thu về gần cả trăm triệu đồng từ tiền bán sắn. Đối với gia đình ông Nguyễn Kỳ, thôn Thuận Hòa, xã Thuận, với 3 ha sắn bình quân mỗi năm thu về hơn 140 triệu đồng. Với điều kiện sắn phát triển tốt và giá cả như năm này, ông cho biết dự tính gia đình ông sẽ thu nhập trên 150 triệu đồng từ sắn.

Những hộ khác vừa xuất bán sắn cho nhà máy với số lượng lớn với chất lượng sắn cao như: Hồ Văn Dục, thôn Hun, xã Pa Tầng 76 tấn; Hồ Cha Le, thôn Xa Doan, xã A Dơi 71 tấn; Hồ Chu Thông, bản Pa Lọ Ô, xã Thanh 63 tấn…

Được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và nhân dân 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, trong những vụ mùa qua, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa đã tiến hành thu mua hết sản lượng sắn củ tươi trên địa bàn 2 huyện đúng theo mùa vụ thu hoạch của người dân. Vụ mùa này, bắt đầu từ ngày 15/8/2014 nhà máy tiếp tục triển khai việc thu mua sắn ở Hướng Hóa và Đakrông.

Nhờ thời tiết thuận lợi, năm nay, sắn của bà con ở các địa phương đảm bảo cả số lượng, hàm lượng tinh bột cao hơn. Mặc dù gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm tinh bột sắn nhưng nhà máy vẫn nỗ lực tìm mọi cách để duy trì và nâng mức giá thu mua sắn nguyên liệu, giúp bà con yên tâm sản xuất.

Ông Lê Văn Thể, Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa cho biết: “Mục tiêu xuyên suốt của đơn vị chúng tôi là ngày càng phát huy năng suất của máy móc, thiết bị, tranh thủ thời tiết thuận lợi để thu mua sắn, giúp bà con có điều kiện thu nhập ổn đinh. Nhờ chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ sản xuất và thu mua nên hiện nay nhà máy luôn đảm bảo nguồn nguyên liệu để hoạt động.

Bên cạnh đó, nhà máy thống nhất nâng mức giá từ 1.700 đồng- 2.000 đồng (tăng 100-200 đồng/ kg so với năm 2013). Chủ trương của nhà máy sẽ thu mua toàn bộ số sắn mà người dân 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông thu hoạch để họ sớm giải phóng đất đai tiếp tục trồng mới vùng nguyên liệu.

Tính đến ngày 22/10/2014 đơn vị đã thu mua được 30.000 tấn sắn củ tươi (Hướng Hóa 16.000 tấn, Đakrông 14.000 tấn), sản xuất được 8.000 tấn tinh bột sắn. Tổng sản lượng sắn nhà máy thu mua ước đạt từ nay đến cuối vụ cả 2 huyện khoảng 140.000 tấn (khoảng 38.000 tấn tinh bột), tăng khoảng 10.000 tấn so với năm 2013.

Dự kiến sắp tới, đơn vị sẽ đưa vào trồng bộ giống sắn mới có tên gọi HL-S11. Giống HL-S11 có năng suất và hàm lượng tinh bột cao, đã và đang được khảo nghiệm, so sánh chính quy, trình diễn mô hình tại các vùng đất đỏ, đất xám của các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Gia Lai, Kon Tum, năng suất củ tươi bình quân đạt 35 - 45 tấn/ ha, hàm lượng tinh bột 29 - 31%, tỷ lệ chất khô 42,1% và chỉ số thu hoạch 62,5%, thời gian thu hoạch thích hợp từ 9- 11 tháng.

Sau khi trồng thử nghiệm thành công, chúng tôi sẽ phát triển bộ giống sắn mới này trên diện rộng của 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa”.


Có thể bạn quan tâm

Thành công từ mô hình trồng dừa xiêm xen cam xoàn ở Khánh Vĩnh Thành công từ mô hình trồng dừa xiêm xen cam xoàn ở Khánh Vĩnh

Cùng với thanh niên toàn tỉnh Khánh Hòa, nhiều thanh niên trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh cũng đã thành công trong tự thân lập nghiệp, làm giàu chính đáng của mình.

05/11/2015
Minh oan cho trái hồng D'Ran Minh oan cho trái hồng D'Ran

Xứ sở trái hồng đặc sản D’Ran (thị trấn D’Ran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đang chịu ảnh hưởng nặng nề của những tin đồn thất thiệt xuất hiện trong thời gian gần đây như ngâm tẩm hoá chất độc hại hay bị nghi ngờ là hồng Trung Quốc.

05/11/2015
Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam Đại Minh ngày càng đại thắng Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam Đại Minh ngày càng đại thắng

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đang được ví như luồng sinh khí mới, giúp các xã vùng B của huyện Đại Lộc (Quảng Nam) có thêm động lực và điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó xã Đại Minh là một điểm sáng.

05/11/2015
Khơi dậy cảm hứng sáng tạo của nhà nông Khơi dậy cảm hứng sáng tạo của nhà nông

Hội thi Sáng tạo nhà nông do Hội Nông dân (ND) tỉnh Bình Định phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hàng năm đã thu hút hàng trăm lượt hội viên, ND tham gia. Nhiều sáng chế được công nhận, giúp tăng năng suất và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, đời sống ở nông thôn.

05/11/2015
Hồi sinh bưởi Phúc Trạch Hồi sinh bưởi Phúc Trạch

Nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh, dự án “Phục tráng giống bưởi Phúc Trạch” ở huyện Hương Khê đã thành công mỹ mãn.

05/11/2015
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.