Người Chăn Nuôi Mong Được Giải Cứu
Đến thời điểm này, dịch cúm A/H5N1 đã cơ bản được khống chế, không tiếp tục bùng phát và lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, tin tốt này cũng không khiến người chăn nuôi phấn khởi khi mà gia cầm và các sản phẩm gia cầm đang rơi vào cảnh “đại hạ giá”…
Thịt ế, trứng mất giá
Dịch cúm A/H5N1 đang khiến người chăn nuôi khốn đốn với cái “hậu” của nó. Đó là thịt lẫn trứng gà, vịt không ế thì cũng trượt giá không phanh.
Tại 5 chợ có buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm (chủ yếu là trứng) gồm: Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi), Quán Lát (Mộ Đức), La Hà (Tư Nghĩa), thị trấn Đức Phổ (Đức Phổ) và Chợ Chùa (Nghĩa Hành), điểm chung ở các chợ này là hàng gà, vịt rất vắng lặng dù giá bán chỉ còn ở mức 45.000 - 50.000 đồng/con vịt, 70.000 - 80.000 đồng/kg gà thay vì 70.000 - 80.000 đồng/con vịt và 90.000 - 120.000/kg gà như trước khi có dịch cúm A/H5N1.
Bà Nguyễn Thị Hương, hộ bán vịt ở chợ Nghĩa Dũng bảo rằng: “Dịch gì mà ác, làm cả buổi chợ tui chẳng bán được con vịt nào!”. Cùng với bà Hương, rất nhiều người bán gà, vịt ở các chợ trên cũng than thở rằng, cả tuần nay, gia cầm bán không chạy dù “chúng tôi chỉ bán những con khỏe mạnh, không dính bệnh và đã được tiêm phòng”. Tuy nhiên, lời cam kết ấy vẫn không khiến nhiều người tiêu dùng quan tâm.
Thịt đã thế, trứng gia cầm lại càng bi đát hơn khi mà hiện giờ, giá trứng gà lẫn vịt đều giảm từ 8.000 - 10.000 đồng/chục. Điều này khiến người chăn nuôi rơi vào cảnh “bán thì lỗ, không bán càng lỗ”. Lý giải điều này, ông Nguyễn Nở - chủ đàn vịt đẻ hơn 2.000 con ở tổ 2, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) bảo rằng, khi có dịch bệnh, chủ hộ phải tăng lượng đạm và dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của gà, vịt để giúp chúng tăng cường sức khỏe, đảm bảo sức đẻ nên tốn kém gấp đôi. Dẫu thế nhưng giá bán hiện chỉ ở mức 29.000 - 30.000 đồng/chục 12 trứng thay vì 38.000 - 40.000 đồng/chục như trước.
Mong được “giải cứu”.
Nguyên nhân của chuyện thịt và trứng gia cầm trượt giá một phần là do người tiêu dùng e ngại. Sự cẩn thận này không thừa, nhất là khi chủng vi rút cúm gia cầm biến đổi và có khả năng gây chết người như H1N1. Có điều, không phải thịt hay trứng gà, vịt nào cũng không đảm bảo chất lượng - tức bị nhiễm bệnh, trong đó có cúm A/H5N1.
Bởi tại các chợ, thịt lẫn trứng gà, vịt được người bán thông tin đầy đủ nguồn gốc, tình trạng gia cầm kèm giấy xác nhận về việc hộ chăn nuôi chấp hành lịch tiêm phòng vắc xin. Thế nhưng, điều ấy cũng không khiến người tiêu dùng yên tâm. Vì nói như chị Trần Thị Thu Hà ở chợ thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) thì: “Ai chứng minh và đảm bảo gà, vịt đó là an toàn?”.
Câu hỏi này không chỉ khiến người bán, mà cả hộ chăn nuôi cũng chẳng biết tìm đâu ra câu trả lời. Bởi nói như ông Nguyễn Nở - một trong những hộ chấp hành nghiêm túc nhất việc tiêm phòng các loại bệnh tả, tụ huyết trùng và cúm A/H5N1 cho vịt ở huyện Tư Nghĩa thì: “Chúng tôi tuân thủ việc tiêm vắc xin phòng bệnh; rồi nuôi vịt an toàn không sử dụng kháng sinh, nhưng cứ sau mỗi đợt dịch, dù vô can nhưng trứng vịt nhà tôi vẫn chất đống, thương lái ép lên ép xuống với giá bán rẻ mạt?”.
Quả thật, thương lái họ thừa biết vịt nhà ông Nở sức khỏe ổn định, không hề mắc bệnh (vì có giấy xác nhận tiêm phòng dịch bệnh của thú y huyện) nhưng vì lý do “đang thời điểm cúm A/H5N1 nên giá bán hiển nhiên phải giảm”. Thương lái đã nói thế, hộ chăn nuôi như ông Nở không bán cũng không xong!
Rõ ràng, thương lái đang mượn dịch bệnh để ép người chăn nuôi. Nhưng nếu các ngành chức năng kiểm soát được chất lượng sản phẩm thì liệu, cả người tiêu dùng lẫn hộ chăn nuôi có bị thiệt thòi? Bởi, người tiêu dùng chỉ cần “ngành chức năng đóng con dấu an toàn lên các sản phẩm thịt, trứng” là họ sẵn sàng trả tiền. Còn hộ chăn nuôi cũng muốn “cơ quan nào đó đứng ra kiểm tra, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm”.
Có thể bạn quan tâm
Nắng hạn là nguyên nhân chính làm vụ đậu đen đông-xuân ở huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) mất mùa. Năm ngoái năng suất đạt 5 tấn/ha, nay giảm gần một nửa.
Hiện đang là thời điểm các vùng trồng đậu của tỉnh Quảng Ngãi bước vào mùa thu hoạch rộ. Đậu phộng là loại cây có thể trồng trên đất đồi, đất ruộng, đất bãi ven sông; thời gian thu hoạch ngắn, vốn đầu tư ít và đầu ra tương đối thuận lợi nên nhiều năm qua, bà con nông dân yên tâm mở rộng diện tích.
Với sự năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, một số nông dân huyện Phước Long (Bạc Liêu) đã mạnh dạn nuôi các vật nuôi mới. Trong đó, cua đinh là một trong những vật nuôi đem hiệu quả kinh tế khá cao.
Tốt nghiệp THPT, anh Nguyễn Thành Đam, xã Hải Châu (Hải Hậu - Nam Định) thi vào Khoa Kế toán Trường Trung cấp Nông nghiệp Nam Định, rồi liên thông đại học của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Năm 2003, anh bàn với bố mẹ nhận đấu thầu 3 mẫu đầm nuôi tôm sú và cua.
Huyện Thới Bình (Cà Mau) vừa thành lập đoàn cán bộ đi khảo sát thực tế về thực trạng người dân ấp 2, xã Tân Lộc tự ý đưa nước mặn vào vùng đất sản xuất lúa 2 vụ để nuôi tôm.