Những Ao Cá Bác Hồ Năm Xưa
Năm 1979, nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ” được phát động trong cả nước. Ở tỉnh Thái Nguyên, phong trào này cũng được phát triển sôi nổi trong các đơn vị nuôi cá quốc doanh và hợp tác xã nông nghiệp. Trại cá giống Cù Vân chính là nơi khởi đầu phong trào này của tỉnh.
Trại cá giống Cù Vân được xây dựng năm 1967, có quy mô 6ha thuộc địa phận xã Cù Vân, huyện Đại Từ. Ban đầu, Trại thuộc Phòng Thủy sản của Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Nguyên. Trại có nhiệm vụ sản xuất cá giống cung cấp cho nhu cầu nuôi thả cá trong tỉnh, đồng thời nhập những giống cá mới từ Trung ương về nuôi khảo nghiệm, đánh giá mức độ thích nghi trước khi đưa vào nuôi đại trà.
Ngoài ra, Trại còn có nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật và nuôi một phần cá thịt. Cùng với diện tích mặt nước tại xã Cù Vân, Trại còn quản lý, chăn thả cá thịt ở 6 hồ trên địa bàn tỉnh là: Phượng Hoàng (Đại Từ); Nà Mạc (Phú Lương); Tân Kim, Tân Hòa, Lăng Trình và Núi Ngọc (Phú Bình).
Ông Nguyễn Văn Giới, nguyên Trại trưởng Trại cá giống Cù Vân nhớ lại: Đầu năm 1979, đơn vị được Ủy ban Nông nghiệp tỉnh lựa chọn xây dựng mô hình “Ao cá Bác Hồ”. Sau khi khảo sát, chúng tôi quyết định cải tạo ao B3, có diện tích 1 nghìn m2 để làm điểm. Ao được tháo cạn, vét bùn và đào thêm để đảm bảo độ sâu chứa nước từ 1,2 đến 1,5m. Đáy ao được rắc vôi bột để làm vệ sinh, phơi nắng một thời gian trước khi trữ nước.
Bờ bao xung quanh được dọn cỏ và đắp kiên cố, giữa ao còn đóng một biển lớn bằng gỗ có ghi “Ao cá Bác Hồ”. Tôi cùng với đại diện 3 đơn vị khác ở tỉnh là HTX nông nghiệp toàn xã Túc Duyên, HTX nông nghiệp toàn xã Nhã Lộng và nông trường chăn nuôi huyện Phú Lương về tận ao cá của Bác Hồ ở Hà Nội để lấy cá giống. Trạm được phân phối 3 túi cá giống với các loại: trôi, trắm, chép…
Lễ phát động phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ” được tổ chức long trọng tại Trại cá giống Cù Vân, có cả Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến dự. Trại cá Cù Vân được giao nhiệm vụ xây dựng điểm, đồng thời phát triển nguồn cá giống cho những đơn vị tiếp theo.
Theo ông Giới, việc xây dựng “Ao cá Bác Hồ” là phổ biến kỹ thuật nuôi cá theo cách mới. Cụ thể, là cung cấp đẩy đủ, đúng loại thức ăn cho cá thay bằng cách nuôi thả mà không chăn thức ăn trước đây, định kỳ hằng tháng kiểm tra trọng lượng và bệnh tật của cá để có biện pháp xử lý kịp thời.
Từ khởi đầu ở đây, phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ” đã phát triển rộng khắp. Nhận thức của người dân trong chăn nuôi thủy sản có sự thay đổi rõ rệt, nhiều ao cá đã đạt năng suất trên 5 tấn cá/ha. Riêng Trại cá giống Cù Vân đạt năng suất kỷ lục là 8 tấn/ha.
Sau này, sự chuyển đổi mô hình khoán nông nghiệp đã thu hẹp dần các ao tập thể, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với hình thức sản xuất vườn - ao- chuồng. Hầu hết những “Ao cá Bác Hồ” trước đây vẫn thuộc sở hữu của tập thể thôn, xóm nhưng đã được giao cho một đoàn thể hoặc tư nhân đấu thầu nuôi cá.
Một số nơi, áo cá bị thu hẹp hoặc san lấp để lấy mặt bằng phục vụ cho nhu cầu đô thị hóa. Tuy nhiên, dấu ấn về “Ao cá Bác Hồ” vẫn không hề nhạt phai trong nhiều thế hệ, người dân ở những làng quê vẫn gọi nhiều ao cá từng thực hiện phong trào này bằng tên thân thương như vậy để nhớ về một phong trào sản xuất ý nghĩa.
Có thể bạn quan tâm
Hội nghị thành lập Liên hiệp hợp tác xã (HTX) thanh long Bình Thuận vừa diễn ra vào sáng 10/6 tại TP. Phan Thiết. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Thu - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam, một số sở, ban, ngành và các thành viên.
Đến nay, huyện Tánh Linh đã xây dựng vùng chuyên sản xuất lúa chất lượng cao 3.170 ha, đạt 105,7% kế hoạch, với năng suất bình quân vụ đông xuân đạt 75 tạ/ha, tăng 10 tạ/ha so với năng suất lúa ngoài vùng quy hoạch, trong đó có 4 xã thực hiện vượt kế hoạch là Đức Phú, Đức Tân, Gia An, Đức Bình.
Cao su, mặt hàng từng được mệnh danh là “vàng trắng” vì giá trị kinh tế to lớn mang lại thì nay lại đang khiến người trồng lẫn DN XK “sống dở chết dở” khi liên tục trượt giá, ế hàng.
Những ngày gần đây, nông dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng đang như “ngồi trên đống lửa”, bởi hàng ngàn hécta trồng ổi của địa phương đang rơi vào tình cảnh rớt giá thê thảm.
Lô vải quả tươi đầu tiên từ Việt Nam đã được đưa đến Canada tối 10/6 bằng đường hàng không.