Mô Hình Nuôi Gà Độc Nhất Vô Nhị

Do rẫy nằm xa nhà không thuận lợi cho việc chăn nuôi, ông Hoàng Thanh Vân - thôn 2, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa (Gia Lai) - đã nảy ra một sáng kiến. Đó là, tận dụng chiếc xe tải cũ của gia đình, ông độ chế thành “chuồng gà lưu động” để hàng ngày đưa đàn gà của mình ra đồng kiếm ăn.
Mô hình nuôi gà thả đồng “độc nhất vô nhị” này không những đã tiết kiệm cho ông rất nhiều chi phí thức ăn tiêu tốn cho đàn gà, mà còn cho thịt và trứng đạt chất lượng cao.
Trên đường tác nghiệp, khi đi qua một cánh đồng ở địa bàn thị xã Ayun Pa, tôi và anh bạn đồng nghiệp cùng nhìn thấy một chiếc xe tải nhỏ tầm khoảng 2,5 tấn đầy ắp những chú gà đang di chuyển một cách trật tự từ trên xe xuống.
Chúng tôi lấy làm lạ, vì xưa nay mô hình nuôi vịt chạy đồng thì được nghe nói nhiều nhưng việc đem gà ra đồng thả thì chưa từng nghe nói đến. Vì thế, chúng tôi quyết định theo chân ông về nhà để tìm hiểu thêm về mô hình nuôi gà độc đáo này.
Trước những thắc mắc của chúng tôi, ông Hoàng Thanh Vân-chủ đàn gà-cho biết: Thời gian đầu rèn cho đàn gà lên, xuống xe trật tự như bây giờ khá vất vả, đặc biệt là khi đưa gà ra đồng phải mất đến 3 người cùng tập thói quen cho công đoạn này.
Trái, phải, 2 người hai bên, 1 người ở giữa lùa đàn gà lên xe, cứ như thế tập cho đàn gà lên, xuống dần dần. “Giờ thì chúng quen rồi, một mình tôi là đủ, chỉ cần hạ cầu thang từ trên xe xuống là chúng tự động di chuyển lên xe và ngược lại”-ông Vân chia sẻ kinh nghiệm.
Cứ tầm 7 giờ sáng hàng ngày, ông Vân cho đàn gà lên xe chở ra đồng, trưa chở chúng về, chiều lại chở ra đồng cho đến tối mịt. “Cho chúng ra đồng bới thóc rơi vãi và giun dế ở những đống rơm mà người ta vừa tuốt lúa thảy ra, một đống rơm như vậy chúng bới cả ngày không hết.
Chính ra nuôi vịt chăn lại vất vả hơn vì tập tính của vịt là di chuyển liên tục khi ăn, còn gà thì chỉ vất vả giai đoạn đầu tập cho chúng, khi quen rồi thì chúng không đi đâu cả, chỉ ở quanh quanh cái xe đó, tưởng đó là chuồng của chúng, chỉ cần con chim, con cò bay qua là chúng cũng chạy hết lên xe”-ông Vân vui vẻ nói.
Theo ông Vân, cách nuôi này giúp ông tiết kiệm được khá nhiều chi phí về thức ăn. Trước đây, với hơn 400 con gà này ông phải mất 1,5 bao thức ăn (giá 310.000 đồng/bao), tính ra mỗi ngày ông phải mất khoảng 465.000 đồng. Nhưng giờ cách chăn theo kiểu gà… chạy đồng này, đàn gà chỉ cần ăn dặm buổi trưa, phải mất 5 ngày cả đàn gà mới ăn hết một bao thức ăn. Hơn nữa, với cách nuôi này, đàn gà cũng cho trứng và thịt chất lượng hơn theo kiểu nuôi công nghiệp.
Ông Tổ trưởng tổ dân phố xấp xỉ tuổi 60 này cho biết thêm: Đàn gà của ông là giống gà Ai Cập. Qua tìm hiểu, nghiên cứu trên mạng, ông biết được giống gà này là loại gà siêu trứng, có sức đề kháng cao, ít tiêu tốn thức ăn, nuôi tầm 5 đến 5,5 tháng thì cho trứng, mỗi con có thể đẻ 200-210 trứng/năm. Với giá 16.000 đồng/1con giống, ông Vân đã đặt mua 500 con từ trại giống ở Phú Xuyên-Hà Nội về nuôi thử nghiệm.
Sau gần 4 tháng nuôi, sau khi đã loại ra một số con gà trống và bán với giá 80-90.000 đồng/kg, đàn gà ông còn lại khoảng 400 con. Khoảng hơn 1 tháng nữa thì đàn gà này sẽ cho trứng. Tin tưởng vào mô hình nuôi gà siêu trứng này sẽ mang đến một nguồn thu nhập ổn định, ông Vân khẳng định nếu nuôi thành công lứa gà này ông sẽ phát triển thêm đàn gà lên 1.000 con và thuê thêm 1 người để cùng ông trông coi.
Có thể bạn quan tâm

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 423ha mặt nước nuôi cá tra thâm canh, trong đó đang thả nuôi là 278,5ha, giảm 9,7% (30ha) so năm 2012. Giá cá tra nguyên liệu hiện từ 21.000 - 23.500 đ/kg nhưng giá thành sản xuất lên khoảng 23.000 - 24.000 đ/kg nên người nuôi tiếp tục theo lỗ.

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, năm 2014, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ nâng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 800.000 ha mặt nước, tăng 5.000 ha so năm 2013. Nhờ vậy, sản lượng thủy sản ở khu vực này sẽ đạt 2,4 triệu tấn, tăng hơn 400.000 tấn.

Có dịp đến thăm mô hình chăn nuôi bò thịt của ông Đinh Văn Khoa ở xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội), chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước một cơ ngơi chăn nuôi có giá trị kinh tế cao, tiềm lực lớn.

Thời gian qua, xã Phú Thuận B (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao giúp nhiều nông dân thoát nghèo và làm giàu chính đáng như: mô hình nuôi cá lóc, nuôi bò, nuôi thỏ kết hợp nuôi cá... đặc biệt mô hình nuôi nai của ông Nguyễn Thành Nam cho lợi nhuận 40 - 50 triệu đồng từ bán nhung và nai giống.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm mới có giá trị tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là ở thành phố du lịch như Hạ Long.