Người Chăn Nuôi Gà Đồi Yên Thế: Khấp Khởi Chờ Tết
Thời điểm này, người chăn nuôi ở Yên Thế (Bắc Giang) đang tích cực chuẩn bị đàn gà bảo đảm chất lượng để đưa ra thị trường Hà Nội và các vùng lân cận dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Hơn 4 triệu con gà phục vụ Tết
Những ngày này, tại nhà ông Đỗ Danh Hải ở thôn Đề Thám, xã Đồng Tâm (Yên Thế) rộn tiếng gà con. Ông Hải cho biết, trong vườn hiện có 3 nghìn con gà, trong đó gần 1 nghìn con sắp xuất bán và số gà dành cho dịp Tết đang được khẩn trương đưa vào chăn nuôi. Với giá bán hiện nay khoảng 55-65 nghìn đồng/kg tuỳ loại và lượng gà ổn định thì dự báo giá gà Tết năm nay không tăng nhiều so với năm ngoái.
Đặc biệt, ông cũng không muốn giá gà tăng quá cao: "Giá tăng cao hay xuống thấp đều không có lợi về lâu dài với người chăn nuôi bởi giá thấp quá thì lỗ, còn cao quá thường khiến nhiều người bán non làm mất thương hiệu. Mức giá cứ tầm này là chúng tôi thấy ổn rồi” - ông Hải nói.
Còn tại nhà ông Nguyễn Xuân Hiến cũng ở xã Đồng Tâm đang nuôi hơn 4 nghìn con gà, trong đó dịp Tết này ông sẽ bán khoảng 2 nghìn con, chủ yếu là giống ri lai. "Gà ri lai có mã đẹp, da vàng, thịt thơm, nặng trung bình 1,3-1,5 kg/con, rất phù hợp cho cúng Tết, rằm tháng Giêng và lễ hội đầu năm. Đây cũng là loại gà được người Hà Nội ưa chuộng trong dịp Tết năm ngoái nên năm nay chúng tôi chuẩn bị chủ yếu là loại gà này” - ông Hiến cho biết.
Theo dõi của Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà Yên Thế cho thấy, các gia đình ở Yên Thế đang cấp tập chuẩn bị gà cung ứng trong dịp Tết năm nay. Hiện nay, trung bình lượng gà toàn huyện đưa vào chăn nuôi khoảng 300 nghìn con/tuần. Ông Thạch Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết, hiện tổng đàn gà của Yên Thế đã tăng từ 3,8 triệu con lên 4,3 triệu con, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán.
Tẩy chay gà lạ
Trước một số thông tin cho rằng tại Yên Thế có những giống gà nhập lậu từ Trung Quốc hoặc có tình trạng mang gà Trung Quốc về để "tẩy trắng” rồi dán nhãn gà đồi Yên Thế, ông Phạm Công Vân, Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Yên Thế cho biết: "Người chăn nuôi sợ nhất là dịch bệnh bởi nếu có dịch phải ngừng nuôi gà thì mỗi tháng người Yên Thế thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng, do đó chúng tôi rất cẩn trọng khi chọn giống và càng không thể đưa gà lạ vào chuồng mà chưa qua kiểm dịch chặt chẽ. Nếu ai vì lợi ích riêng mà đưa gà lạ về sẽ ảnh hưởng tới các hộ xung quanh và bị tẩy chay ngay”.
Còn ông Hiến cho biết, qua tìm hiểu của ông, hiện nay Trung Quốc đang đưa vào thị trường Việt Nam hai loại gà: gà thải loại và gà mào. Gà thải loại có lông xơ xác, rất dễ nhận ra. Gà mào hình thức đẹp, lông mượt, mào đỏ tươi dễ lẫn với các giống gà bản địa nhưng nếu tinh ý thì thấy những con gà này có bộ lông rất dày song thịt nhão và ăn không ngon. Loại gà này thường có giá cao hơn gà ta vì đẹp mã nhưng khó có thể tiêu thụ được trên thị trường.
Ngày hội gà Yên Thế tại Hà Nội
Trong nỗ lực duy trì và phát triển thương hiệu "gà đồi Yên Thế” đã được Cục Sở hữu trí tuệ chuyển giao cho UBND Yên Thế quản lý, sử dụng một cách hiệu quả, hợp lý, huyện Yên Thế đã cung cấp danh sách, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của tất cả các hộ gia đình chăn nuôi có tổng đàn từ 1 nghìn con trở lên cũng như các đơn vị, tư thương thu mua, vận chuyển, chế biến gà đồi Yên Thế trên cổng thông tin điện tử của huyện.
Theo kế hoạch, đầu tháng 11 tới huyện Yên Thế sẽ phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức một số "Ngày hội gà đồi Yên Thế” tại Hà Nội. Huyện sẽ lựa chọn 4 điểm ở các khu vực đông dân cư để giới thiệu đặc sản gà đồi Yên Thế đến người dân Hà Nội. Bên cạnh việc trưng bày và bán gà thịt sẵn thì gà đồi Yên Thế sẽ được chế biến thành nhiều món ngay tại các ngày hội này. Khách đến tham quan có thể thưởng thức thịt gà miễn phí tại các điểm giới thiệu trước khi quyết định có mua gà Yên Thế hay không.
"Mục đích của chúng tôi là để người dân Hà Nội hiểu rõ về sản phẩm và không nhất thiết phải đi đến các siêu thị mới mua được gà Yên Thế. Nếu hoạt động này có hiệu quả, chúng tôi hướng đến mục tiêu cung cấp gà Yên Thế đến tận "chân cầu thang” cho người Hà Nội” - ông Thạch Văn Chung nói.
Nhằm nâng cao chất lượng đàn gà thịt, UBND tỉnh đã dành hơn 18 tỷ đồng cho việc nghiên cứu, sản xuất giống gà và hỗ trợ quy trình nuôi gà an toàn sinh học theo VietGAP. Đặc biệt, mới đây, huyện Yên Thế yêu cầu các cơ sở ấp nở gắn chíp lên gà bố mẹ để quản lý hữu hiệu nguồn gốc gà.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày qua, giá chuối ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã tăng trở lại, sau một thời gian giảm thấp nhất trong vài năm trở lại đây, do không có thị trường tiêu thụ. Với giá bán bình quân hơn 4.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với thời gian từ tháng 6 trở về trước, đã phần nào giảm bớt khó khăn cho người trồng chuối tại địa phương này.
Với thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm, ít ai nghĩ đây là tiền lãi ông Lê Hoàng Buôl, ấp 7, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) kiếm được từ nghề gặt lúa mướn. Ông không gặt thủ công tốn kém mà gặt mướn bằng máy gặt đập liên hợp.
Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Phương Thị Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) về đề nghị cần có cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho khu vực miền núi phía Bắc để thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM).
Hôm qua 13.8, tại xã Tam Thành (Phú Ninh), Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Giống cây trồng Quảng Bình tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá hiệu quả của các mô hình sản xuất trình diễn giống lúa thơm chất lượng cao SV181.
Thời gian gần đây trên địa bàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị), nhiều người dân đã phát triển chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, trong đó, hợp tác xã (HTX) Thống Nhất (khu phố 4, thị trấn Cam Lộ) là đơn vị tiên phong với nhiều cách làm hay, hiệu quả. Việc chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho người sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường.