Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ngư dân vươn khơi chưa hết lo về lao động biển

Ngư dân vươn khơi chưa hết lo về lao động biển
Ngày đăng: 14/04/2015

Ăm ắp “lộc” biển

Con tàu mang số hiệu HP – 90515 vừa cập bến cá Ngọc Hải (quận Đồ Sơn), các lao động trên tàu reo lên vui trước chuyến mở biển thuận lợi, tôm cá đầy khoang. Thuyền trưởng Lưu Đình Cương, ở tổ dân phố Sản Xuất, phường Ngọc Hải đa tàu vào vị trí thuận lợi, các ngư dân trên tàu nhanh tay vận chuyển khay cá, tôm, mực tươi rói lên bờ.

Ngư dân Lưu Đình Cường phấn khởi, đây là chuyến vươn khơi thứ hai kể từ đầu năm. Cả hai chuyến, tàu trúng luồng, cá đánh không xuể, nhẩm tính trừ chi phí, mỗi chuyến thu lãi khoảng một trăm triệu đồng.

Không chỉ tàu của anh Cương mà nhiều tàu cập bến cá Ngọc Hải đầy ắp tôm cá. Có tàu chỉ 2 – 3 ngày đánh bắt đã “no căng” phải chạy vào bờ để “xả hàng”. Tàu nhỏ mỗi chuyến đi trừ chi phí cũng thu lãi 20 - 30 triệu đồng. Tàu lớn, đánh bắt dài ngày trúng mấy trăm triệu đồng/chuyến.

Năm nay mặc dù “mở biển” muộn hơn so với mọi năm, nhưng ngư dân các xã Lập Lễ, Phả Lễ (huyện Thủy Nguyên) đều vui mừng vì chuyến vươn khơi hiệu quả. Các tàu chụp mực ngoài được mùa mực, còn được nhiều loại các khác như cá nục, cá thu, cá kìm… Trên con tàu số hiệu HP – 90565 công suất 610 CV hành nghề chụp mực của anh Lê Khắc Huệ, ở thôn Láng Cáp, xã Lập Lễ vừa cập bờ, mặc dù bán một phần “chiến lợi phẩm” cho tàu thu mua dịch vụ trên biển nhưng khoang tàu vẫn vô số mực ống, mực lá, mực sim với đủ kích cỡ.

Vừa rời buồng lái, anh Huệ liếc mắt nhìn về khoang cá đầy ắp, làm phép tính nhanh: chuyến vươn khơi mở biển năm nay, anh trúng lượng mực lớn. Với giá 50.000 đồng/kg mực nhỏ và 120.000 đồng/kg mực lớn, anh thu khoảng gần 700 triệu đồng, mỗi lao động trên tàu được trả hơn 10 triệu đồng/người/chuyến. Chuyến đi đầu năm được biển ban lộc, là tín hiệu vui về một năm bám biển thắng lợi – anh Huệ phấn khởi.

Niềm vui ruốc được mùa, cá được giá lan tỏa trên khắp cảng cá Mắt Rồng (xã Lập Lễ). Nhiều ngư dân cho rằng, không chỉ vui vì cá được giá, mực được mùa, giá xăng dầu không quá cao, mà vui vì chuyến vươn khơi năm nay ngư dân thành phố nhận được nhiều hơn sự quan tâm, hỗ trợ của “hậu phương” đất liền với áo phao, đèn phin, máy ICOM…

Ông Vũ Văn Cự, Trưởng Liên tập đoàn nghề cá Nam Triệu – Lập Lễ cho hay, thời tiết những ngày đầu năm mới Ất Mùi khá thuận lợi cho những chuyến vươn khơi bám biển của ngư dân, các tàu trong Tập đoàn đều hướng ra vùng biển Bạch Long Vỹ, Bắc Bộ. Ngư dân ra khơi với tinh thần vui vẻ và hồ hởi vì giá dầu không tăng, cá tôm được giá, nhiều tàu vươn khơi chưa tới 20 ngày nhưng thu lãi hàng tỷ đồng.

Nguồn lao động làm nghề biển ngày càng hạn hẹp

Biển cho lộc, thời tiết ủng hộ, nhưng không ít chủ tàu trên địa bàn thành phố như ngồi trên đống lửa, khi lao động trên các tàu ngày càng hiếm và khó tìm. Anh Lê Khắc Huệ lo lắng, để bảo đảm cho một chuyến bám biển vươn khơi từ 15 đến 20 ngày, tàu cần tới gần 20 lao động. Ra Tết, lao động phân tán, họ mải chơi xuân hoặc tìm việc làm mới…khiến quân số của tàu giảm sút.

Chủ tàu muốn có đủ quân số để ra khơi đúng lịch cần “ký hợp đồng” với họ từ trước Tết Nguyên đán. Còn nếu ra Giêng mới tìm, gọi chỉ tuyển được những lao động chưa có kinh nghiệm đi biển. Đó là chưa kể đến chuyến đi biển thắng lợi thì lao động đi tiếp chuyến sau, còn thua lỗ hay phật ý là họ sẵn sàng bỏ việc để sang làm cho tàu khác!

Để giữ chân lao động, mỗi chuyến đi, tôi đều phải ứng trước lương. Đến khi vào bờ thường xuyên gọi điện nhắc để họ không đi bạn với tàu khác. Tuy vậy, đến nay tàu vẫn thiếu hai lao động. Thiếu lao động, tàu vẫn ra khơi chắc chắn, song không thể khai thác hết công suất, lãng phí nhiên liệu mà sản lượng chắc cũng sụt giảm.

Theo tìm hiểu, tại các địa phương có thế mạnh về đánh bắt hải sản trên địa bàn thành phố như: Thủy Nguyên, Kiến Thụy, Đồ Sơn…tình trạng thiếu hụt lao động đi biển diễn ra khá phổ biến. Hiện lao động trên các tàu là người dân các địa phương có nghề khai thác thủy hải sản giảm rõ rệt. Lao động trên các tàu chủ yếu là người các địa phương lân cận, lao động chưa có tay nghề, kinh nghiệm đi biển.

Nói về tình trạng thiếu hụt lao động nghề biển, ông Vũ Văn Cự, Trưởng Liên tập đoàn nghề cá Nam Triệu – Lập Lễ nhận định, lao động nghề biển mặc dù được trả mức lương cao nhưng cũng khá vất vả, phải chịu nhiều khổ cực, thiếu thốn, đôi khi đối mặt với nhiều rủi ro nên nhiều lao động bỏ biển lên bờ mưu sinh.

Cùng với đó, nhiều gia đình làm nghề biển nhưng lại muốn con cái “bám bờ”, tìm công việc ổn định, thay vì gắn bó với biển. Do vậy, nguồn lao động làm nghề biển ở địa phương ngày càng hạn hẹp. Nếu không sớm có giải pháp hỗ trợ, đào tạo lao động nghề biển, vài ba năm nữa tình trạng thiếu hụt lao động sẽ trở lên trầm trọng hơn.

Ông Vũ Văn Nghía, Chủ tịch UBND xã Lập Lễ khẳng định, kinh tế địa phương cũng như đời sống của người dân trong xã khấm khá hơn, nhiều gia đình giàu lên, có của ăn, của để một phần nhờ khai thác nguồn lợi từ biển. Hiện địa phương có hơn 500 phương tiện đánh bắt xa bờ, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

Nhưng có nghịch lý, trong khi các chủ tàu không ngừng đóng mới, hoán cải, nâng công suất tàu để bám biển dài ngày, lao động nghề biển ngày càng giảm. Phần lớn lao động trên các tàu đều là lao động thủ công, làm việc theo kinh nghiệm mà chưa được đào tạo, tập huấn kỹ năng cần thiết cho nghề đi biển.

Để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về lao động nghề biển, trước mắt các địa phương có nghề đi biển đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở các lớp đào tạo kỹ năng, kiến thức cần thiết cho ngư dân để ngư dân có thêm kinh nghiệm đi biển.

Mặt khác, tạo mọi điều kiện giúp các chủ tàu và tập đoàn nghề cá xây dựng chiến lược đào tạo lao động nghề biển một cách bài bản, cũng như vận động họ tích cực áp dụng các kỹ thuật đánh bắt tiên tiến, khai thác hiệu quả từ kinh tế biển. Đánh bắt hiệu quả, đời sống nâng cao, chắc chắn người lao động sẽ yên tâm gắn bó với tàu, với biển.


Có thể bạn quan tâm

Giàn Mướp Cho Trái Dài... Hơn 1,3m Giàn Mướp Cho Trái Dài... Hơn 1,3m

Cách đây gần 2 tháng, anh Tân được người bà con cho một số hạt mướp về trồng (giống mướp thường). Sau khi mang về trồng, cây mướp lớn và nở hoa bình thường. Tuy nhiên, khi ra trái, càng lớn thì trái mướp càng dài ra bất thường. Hiện, anh Tân đang để lại trái giống dài hơn 1,3m, đồng thời cũng muốn xem chiều dài tối đa của trái mướp.

01/07/2014
Chỉ Tàu Sắt Chưa Đủ Chỉ Tàu Sắt Chưa Đủ

Chuyển đổi tàu gỗ sang tàu sắt là việc cần làm nhưng chỉ đóng tàu sắt thì chưa đảm bảo ngư dân sẽ thành công trong khai thác. TS Nguyễn Thị Hồng Minh

12/06/2014
Mát Tay Trồng Bưởi Diễn Mát Tay Trồng Bưởi Diễn

Ban đầu, ông mua 50 cây bưởi Diễn về trồng. Do chưa nắm được kỹ thuật, cách chăm sóc, ông tự tìm hiểu qua sách, báo, xem ti vi và tích cực học hỏi các chủ vườn khác. Nhờ vậy, sau ba năm, do áp dụng đúng quy trình, vườn bưởi Diễn sinh trưởng tốt, cho thu hoạch loạt quả đầu tiên, bán được hơn 10 triệu đồng.

01/07/2014
Xây Dựng Nông Thôn Mới Vốn Ưu Đãi Cần Đến Với Dân Nhiều Hơn Nữa Xây Dựng Nông Thôn Mới Vốn Ưu Đãi Cần Đến Với Dân Nhiều Hơn Nữa

Bên cạnh đó, nhận thức về xây dựng NTM ở các địa phương thời gian qua được nâng lên nên việc chỉ đạo các mặt ở nông thôn được dễ dàng hơn nhờ có chỉ tiêu, định lượng cụ thể hơn; bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi. Nhưng để hoàn thành việc xây dựng NTM, đòi hỏi lãnh đạo và người dân huyện Cần Giờ phải nỗ lực và quyết tâm nhiều hơn nữa.

12/06/2014
Bưởi Vụ Nghịch Giá Cao Bưởi Vụ Nghịch Giá Cao

Ở Đồng Tháp, mặc dù các loại trái cây như: vải, chôm chôm, nhãn, thanh long giá đang ở mức thấp, nhưng giá bưởi lại tăng cao. Hiện tại giá bưởi đang tăng từ 3.000 - 6.000 đồng/kg so với 1 tháng trước. Cụ thể bưởi da xanh loại 1 thương lái mua tại vườn giá dao động từ 45.000 - 56.000 đồng/kg; bưởi năm roi giá từ 32.000 - 37.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so cùng kỳ năm rồi.

01/07/2014